Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực phẩm nhập khẩu và cuộc cạnh tranh mới cho nông sản Việt

09:04, 16/04/2022

Hiện nay, tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay ngay cả các sạp bán lẻ ở các chợ, ngày càng xuất hiện nhiều loại trái cây, thực phẩm có nguồn gốc ngoại nhập.

Hiện nay, tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay ngay cả các sạp bán lẻ ở các chợ, ngày càng xuất hiện nhiều loại trái cây, thực phẩm có nguồn gốc ngoại nhập.

Các loại trái cây trong nước sẽ cần nâng cao sức cạnh tranh với các loại trái cây nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập hiện nay Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các loại trái cây Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa Ảnh: HẢI HÀ
Các loại trái cây trong nước sẽ cần nâng cao sức cạnh tranh với các loại trái cây nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập hiện nay Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các loại trái cây Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: HẢI HÀ

Đây là một trong những chỉ dấu quan trọng về thay đổi trên thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích nghi, nỗ lực để duy trì lợi thế, thị phần ngay trên “sân nhà”.

Cạnh tranh từ chuỗi cung ứng hiện đại đến sạp hàng nhỏ lẻ

Với xu hướng tìm kiếm những nguồn thực phẩm, nông sản bảo đảm các tiêu chuẩn, chứng nhận về vệ sinh và chất lượng, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu cao hơn mức thông thường để mua những loại trái cây nhập khẩu “xịn” về hình thức lẫn chất lượng để dùng hoặc biếu, tặng. Do đó, thị trường bán lẻ các loại nông sản, trái cây nhập khẩu Việt Nam ngày càng trở nên sôi động với đa dạng chủng loại, xuất xứ và hấp dẫn về giá cả.

Những năm qua, Nga, Mỹ, Brasil, Ba Lan, Ấn Độ là các thị trường chính cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1-2022, Việt Nam nhập khẩu 53,7 ngàn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 114 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát tại nhiều siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại ở TP.Biên Hòa, tỷ lệ các gian hàng dành cho các loại trái cây, thịt nhập khẩu thường chiếm từ
20-30% trên tổng các gian hàng nông sản, thực phẩm của siêu thị, chuỗi bán lẻ. Doanh thu của các gian hàng này có xu hướng tăng trong thời gian qua do nhu cầu về các loại thực phẩm nhập khẩu tăng.

Ông Trần Đình Quyền, Giám đốc Siêu thị MM Mega Market Biên Hòa cho biết, hiện nay về diện tích các gian hàng về trái cây chiếm khoảng 1/3 các gian hàng về nông sản, thực phẩm của siêu thị. Trong khi doanh thu của các gian hàng này chiếm khoảng 40-50% doanh thu của các gian hàng nông sản, trái cây của siêu thị vì giá bán cao hơn và thường được nhiều khách hàng lựa chọn mua vào dịp cuối tuần, lễ, tết hoặc mua biếu tặng, cúng kiếng… Trong khi các loại trái cây, nông sản nội địa thường là các mặt hàng khách mua sử dụng hằng ngày.

Tương tự, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Siêu thị Big C Đồng Nai, bên cạnh các gian hàng nông sản, thực phẩm dành cho các nhà cung ứng trong nước, siêu thị còn có gian hàng trái cây, thịt nhập khẩu chiếm khoảng 30% gian hàng về nông sản, thực phẩm tại siêu thị. Nhu cầu mua các loại trái cây, thịt nhập khẩu tại siêu thị tăng cao trong thời gian qua, siêu thị cũng có nhiều chương trình khuyến mãi đối với nhiều loại trái cây, thực phẩm nhập khẩu…

Không chỉ xuất hiện tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà hiện nay, các loại nông sản, nhất là trái cây nhập khẩu đã có mặt khắp các chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh, thậm chí là mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử, các ứng dụng giao đồ ăn online... 

Bà Nguyên Hà, chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho biết, so với vài năm trước khi trái cây nhập khẩu mới bắt đầu “nở rộ” thì hiện giá các mặt hàng này đã “hạ nhiệt” rất nhiều do có nhiều nhà phân phối nhập hàng với số lượng lớn cùng với chính sách miễn giảm thuế quan nên giá thành cạnh trạnh hơn, phù hợp với túi tiền nhiều người. Bên cạnh đó, các loại trái cây ngoại hiện nay vô cùng đa dạng về nguồn gốc xuất xứ với giá dao động từ 80-300 ngàn đồng/kg hoặc hộp như: nho đen Nam Phi, nho kẹo Mỹ, na dai Đài Loan, mận - đào Australia, cherry Canada, táo New Zealand, lê Hàn Quốc... là những sản phẩm hút hàng, được nhiều người lựa chọn. 

Tương tự, bà Ngọc Nuôi, chủ một sạp trái cây ở chợ Biên Hòa cho biết, tùy theo mùa, diện tích trưng bày các loại trái cây ngoại như táo Mỹ, cam Mỹ, lê Hàn Quốc… chiếm tỷ lệ từ 20-50% sạp hàng. Hiện sức mua của các loại trái cây nhập khẩu cũng khá ổn định so với các loại trái cây nội địa, giá cả ngày càng cạnh tranh hơn… 

Khoảng cách về giá hẹp dần

So với trái cây trong nước, hiện tại đa số các loại trái cây nhập khẩu có giá bán cao hơn, song nhiều người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các loại trái cây, nông sản nhập khẩu để thưởng thức hương vị lạ, đặc trưng. Ngoài ra, một số trường hợp chọn mua các loại trái cây nhập khẩu bởi tâm lý nghi ngại, bất an về tính an toàn của trái cây cùng loại trong nước… Hơn thế nữa, giá cả nhiều mặt hàng trái cây nhập khẩu ngày càng rẻ hơn so với trước đây khi nguồn cung ứng nhiều và ổn định hơn trước đây.

Chị Nguyễn Nhung (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trước đây, muốn mua trái cây nhập khẩu, chị phải đến siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên doanh ở TP.HCM để mua với giá khá cao. Tuy nhiên, hiện nay các cửa hàng online, các sạp ngoài chợ cũng bày bán nhiều chủng loại với giá phải chăng, mẫu mã đẹp, vị ngon, lạ.

“Do có một số loại trái cây chưa trồng được ở Việt Nam và chỉ trồng được vào một số mùa, một số nước nhất định nên dù giá trái cây nhập khẩu cao hơn nhiều so với trái cây trong nước thì tôi vẫn chọn mua. Bây giờ, giá bán các loại trái cây nhập khẩu cạnh tranh hơn do ngày càng có nhiều đơn vị nhập khẩu, phân phối với giá ưu đãi để thu hút khách hàng, vì vậy người tiêu dùng có thể dễ dàng đến mua hoặc thậm chí gọi điện, nhắn tin đặt mua để được ship tận nhà” - chị Nhung cho hay.

Tương tự, đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu, tại nhiều siêu thị, nhiều loại thịt gà, thịt bò, heo đông lạnh có giá bán rất cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại ở trong nước... Ông Trần Đình Quyền chia sẻ thêm, siêu thị còn các gian hàng thịt nhập khẩu với đa dạng các loại thịt heo, thịt bò, thịt cừu… nhập khẩu. Riêng đối với mặt hàng này, các loại thịt đông lạnh nhập khẩu thường có giá rất cạnh tranh với thịt nội và thời gian bảo quản lâu nên nhiều doanh nghiệp, cửa hàng dịch vụ ăn uống thường chọn mua với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí so với các loại thịt “nóng” trong nước.

Hải Hà


Bà Phạm Ngọc Nhan (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa):

Trước kia tôi thường thích mua các loại thịt “nóng” vì các loại thịt này tươi, được bày bán trong ngày nên cảm giác chế biến ăn uống sẽ ngon hơn. Tuy nhiên, sau những lần dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài khiến các bà nội trợ như tôi từ thói quen mua thực phẩm tươi, ăn hằng ngày chuyển sang mua dự trữ theo tuần, trong đó có các loại thịt heo, bò, gà nhập khẩu.

Mặc dù vật giá leo thang khiến các loại thực phẩm bị “đội” lên nhưng riêng các loại thịt nhập khẩu như ba chỉ, sườn bẹ, móng giò, dẻ - thăn bò, bắp bò, sụn gà, ức gà... vẫn có giá khá cạnh tranh so với thịt gia súc, gia cầm trong nước. Do vậy, để tiết kiệm chi tiêu và thời gian đi chợ hằng ngày, tôi đã chuyển sang dùng các loại thịt cấp đông nhiều hơn vì giá rẻ và tiện lợi, khi cần có thể nấu bất cứ lúc nào mà không cần phải canh thời gian đi chợ sớm hôm.

Bà Lê Thị Thanh Thúy, chủ một sạp kinh doanh trái cây ở chợ Biên Hòa:

Thời gian qua, nhu cầu mua trái cây nhập khẩu phổ biến hơn, nhất là các loại trái cây mà ở Việt Nam chưa có như táo, lê... Tuy nhiên, nhìn chung, các loại trái cây nội địa ở Việt Nam vẫn được thông dụng và được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn so với các loại trái cây ngoại nhập.

Tỷ lệ các loại trái cây Việt vẫn chiếm khoảng 75% trên sạp hàng. Một những hạn chế của trái cây Việt là thời gian bảo quản ngắn hơn thường chỉ được khoảng 4-5 ngày, trong khi các trái cây nhập khẩu có thời gian bảo quản lâu hơn.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Siêu thị Co.opmart Biên Hòa:

Hiện nay, đối với mặt hàng trái cây, gian hàng trái cây nhập khẩu chiếm khoảng 20%, còn lại là gian hàng dành cho các loại trái cây nội địa. Trái cây nội địa hay nhập khẩu đều có những lợi thế và phân khúc khách hàng hướng đến riêng. Nhìn chung, thời gian qua, sức mua các loại trái cây nhập khẩu ngày càng tăng bởi thời hạn bảo quản lâu hơn, giá cả cạnh tranh hơn, có các mã tem về nguồn gốc, an toàn rõ ràng… Bên cạnh đó, hiện nguồn nhập khẩu các loại trái cây đến từ nhiều quốc gia nên các loại trái cây nhập khẩu thường có mặt trên kệ hàng gần như quanh năm, tùy vào từng mùa trái cây ở các nước mà có những loại trái cây phù hợp.

Siêu thị có bán sản phẩm thịt bò đông lạnh nhập khẩu bên cạnh hàng tươi sống, còn các loại thịt heo, thịt gà thì siêu thị có nguồn cung ứng hàng tươi mỗi ngày từ các doanh nghiệp trong nước… Nhìn chung, các loại thịt “nóng” vẫn được người tiêu dùng vẫn lựa chọn nhiều hơn so với thịt đông lạnh. Ngoài ra, các mặt hàng rau, củ ở siêu thị hầu hết là sản phẩm nông sản Việt.

                Lam Phương (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích