Báo Đồng Nai điện tử
En

Để ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiệu quả

10:05, 06/05/2022

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 sắp diễn ra, đây là kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của học sinh lớp 12.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 sắp diễn ra, đây là kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của học sinh lớp 12.

Một học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) ôn bài chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ảnh: P.Liễu
Một học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) ôn bài chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ảnh: P.Liễu

Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Báo Đồng Nai ghi nhận lời khuyên, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của một số lãnh đạo, giáo viên trong ngành Giáo dục và học sinh đã từng đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia về cách ôn luyện, học bài, làm bài thi cho hiệu quả...

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Nắm vững lý thuyết để có thể vận dụng vào giải đề

Bộ GD-ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022. Về cơ bản, kiến thức đều nằm trong chương trình lớp 12, đủ 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao với hàm lượng cao ở 3 mức độ. Môn nào cũng vậy, học sinh cần lập kế hoạch bài bản ôn luyện kỹ kiến thức bộ môn từng chủ đề, từng bài hay từng chương ở lớp 12 thì việc đạt 6-8 điểm là không khó.

Học sinh cần chú ý bám sát đề tham khảo để luyện tập; thường xuyên  tham khảo ý kiến cũng như sự hỗ trợ của thầy cô bộ môn. Riêng môn Toán, các em phải nắm vững lý thuyết để có thể vận dụng ở những trường hợp đề thi thay đổi cách hỏi thì vẫn có thể làm được. Riêng giáo viên cần biên soạn thêm vài bộ đề tương tự, dự đoán các dạng bài biến thể tương quan từ những dạng mẫu trong đề tham khảo, giúp học sinh trang bị đủ, chắc chắn kiến thức, kỹ năng và hoàn thành một kỳ thi với kết quả cao nhất.

Cô TRỊNH PHƯƠNG NGỌC, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa): Ôn kỹ tác phẩm văn học trong sách và cập nhật tình hình thời sự

Đối với môn Văn, phần đọc hiểu, học sinh cần ghi nhớ các kiến thức cơ bản gồm: lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ và tác dụng; luyện đề thường xuyên để rèn độ nhạy, tăng khả năng phân tích và nắm bắt vấn đề từ văn bản đọc hiểu; xây dựng thói quen gạch chân các từ khóa, các câu lệnh trong đề để trả lời chính xác, trọng tâm và không sót ý.

Đối với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần nắm chắc các dạng nghị luận xã hội và từng bước làm bài đối với mỗi dạng đề cụ thể. Riêng phần nghị luận văn học chiếm nhiều điểm trong bài thi nên học sinh cần ôn kỹ kiến thức cơ bản của tác phẩm như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng nghệ thuật, cảm xúc trữ tình…; chú ý lập dàn bài tổng quát để có sườn căn bản từ đó triển khai phân tích, bình luận tác phẩm không bị thiếu ý.

Ngoài ra, thí sinh còn phải xây dựng vốn hiểu biết xã hội phong phú, sâu rộng, cập nhật tin tức mang tính thời sự qua việc thường xuyên đọc báo, xem tivi, nghe thời sự... Từ đó, đưa ra những dẫn chứng cụ thể và liên hệ thiết thực với bản thân.

Thầy DƯƠNG QUỐC TRUNG, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa): Luyện các dạng đề thi càng nhiều càng tốt

Bước vào giai đoạn ôn tập nước rút, các học sinh hãy ghi chép, tổng hợp kiến thức ngữ pháp một cách hệ thống, hợp lý. Để làm tốt câu hỏi liên quan đến từ vựng, học sinh cần nắm được mối liên hệ giữa vị trí đứng của các loại từ trong câu với đáp án đề bài cho. Tiếp đó, vận dụng kiến thức ngữ pháp để làm dạng bài chức năng giao tiếp; liên kết, suy luận, sử dụng các cấu trúc ngữ pháp được học và kết nối với hệ thống từ vựng đã tích lũy, các em có thể chinh phục dạng bài đọc hiểu.

Song song đó, học sinh cần nắm vững quy tắc, khái niệm, cấu trúc sử dụng của các chủ điểm ngữ pháp; đồng thời thực hành bằng việc làm bài tập theo chủ điểm hoặc luyện đề. Nếu thường xuyên luyện đề, các em có thể ghi nhớ quy tắc ngữ pháp và vận dụng thành thạo... Việc này sẽ giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

Chị NGUYỄN NỮ QUỲNH TRÂN (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), sinh viên năm 2 Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM: Ôn tập môn Lịch sử qua sơ đồ tư duy sẽ giúp nhớ lâu hơn

Lịch sử là môn học khó, khá vất vả đối với những bạn chọn môn Lịch sử để xét tốt nghiệp và đại học. Tuy nhiên, để môn Lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm học như sau: xây dựng sơ đồ tư duy thông qua việc hệ thống hóa kiến thức; sắp xếp trình tự các sự kiện lịch sử theo thời gian; hệ thống lại toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa. Việc học qua sơ đồ giúp học sinh nhớ lâu và tư duy khoa học hơn.

Ngoài ra, việc luyện đề thi thường xuyên sẽ giúp học sinh quen với cách làm bài thi, tập cách phản xạ với những câu hỏi khó, phân chia được thời gian làm bài, kiểm tra lượng kiến thức và nhớ bài lâu hơn. Chú ý ôn cả phần “sử” và “luận”, nghĩa là khi nhắc tới sự kiện nào, học sinh đều có thể bình luận, nhận xét, đánh giá, chứng minh, giải thích, lý giải… về sự kiện ấy.

Đặc biệt, mỗi học sinh có thể ôn tập bằng nhiều hình thức như: tự ôn tập một mình hoặc với bạn bè hay với trên các trang mạng trực tuyến để môn Lịch sử trở nên thú vị hơn, nhớ lâu hơn.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều