Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiền nhàn rỗi 'quay xe' về ngân hàng

09:05, 28/05/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, khi thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản liên tục biến động mạnh, các ngân hàng ngày càng siết nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực này khiến cho nhu cầu 'đầu cơ' bị sụt giảm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, khi thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản liên tục biến động mạnh, các ngân hàng ngày càng siết nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực này khiến cho nhu cầu 'đầu cơ' bị sụt giảm.

Người dân đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà
Người dân đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà

Điều này càng khiến cho nhiều người có xu hướng chuyển dòng tiền nhàn rỗi về các ngân hàng, thay vì đầu tư vào TTCK hay bất động sản.

Huy động tiền gửi tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 4-2022, tổng huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai ước đạt hơn 285,1 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với đầu năm nay.

Trong đó, khi phân theo cơ cấu nội ngoại tệ, tiền gửi bằng VNĐ đạt khoảng 270,3 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2022; tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt gần 14,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 5,3% so với đầu năm nay.

ThS luật NGUYỄN DOÃN ĐẠT, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cao cấp, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam - chi nhánh TP.HCM nhận định, nếu như trước đây nhiều người đầu tư dạng F0 (người mới tập “chơi” chứng khoán) có nguồn tiền nhàn rỗi, nhưng do lãi suất ngân hàng không cao nên đã chuyển qua đầu tư chứng khoán để tìm kiếm cơ hội kiếm lời cao thì từ đầu năm 2022 đến nay, khi TTCK liên tục biến động, nhiều phiên giảm điểm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, tâm lý của các nhà đầu tư F0 cũng thay đổi từ việc lạc quan kiếm tiền từ TTCK đã chuyển qua xem TTCK là canh bạc chứ không còn là nơi kiếm tiền như suy nghĩ ban đầu.

Khi phân theo cơ cấu tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm ước đạt hơn 207,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 3,2% so với đầu năm nay; tiền gửi thanh toán đạt khoảng 77,5 ngàn tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã tăng từ 0,2-0,7% lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên nên nguồn tiền nhàn rỗi của người dân đã quay trở lại hệ thống ngân hàng. Mới đây nhất, trong tháng 5 vừa qua, nhiều ngân hàng TMCP đã cập nhật lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với nhiều kỳ hạn, nhất là đối với tiền gửi tiết kiệm online.

Đơn cử, từ ngày 14-5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng mức lãi suất mới đối với huy động tiết kiệm thông thường như: kỳ hạn 6 tháng lên mức 6%/năm; kỳ hạn 9 tháng lên 6,5%/năm; 12 tháng lên 7,3%/năm… Riêng gửi tiết kiệm online có mức lãi cao hơn hình thức gửi thông thường, chẳng hạn gửi 6 tháng lên mức 6,85%/năm, 9 tháng lên mức 7%/năm…

Trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cập nhật lãi suất huy động tiết kiệm tiền gửi từ ngày 12-5. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên mức 3,95-4%/năm, từ 2-3 tháng lên mức 4%/năm, 6 tháng lên mức từ 5,2-5,4%/năm tùy vào mức gửi…

Tương tự, từ ngày 9-5, Ngân hàng TMCP Nam Á cập nhật lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên mức 6,4%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này là 7,4%/năm đối với kỳ gửi từ 16 tháng trở lên khi khách hàng gửi online.

Theo nhiều chuyên gia, việc tăng trưởng nguồn vốn huy động của ngân hàng không những phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng mà còn cho thấy các tiện ích, dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các tiện ích về gửi tiết kiệm, thanh toán trực tuyến, ngân hàng số ngày càng phát triển...

Chị Thanh Thảo (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, đối với những người trẻ mới đi làm, không có sẵn khoản tiền lớn như chị thì việc gửi tiết kiệm online là cách để tích cóp tiền khá phù hợp cho kế hoạch chi tiêu từ 1-12 tháng mà vẫn sinh lời. Hiện nay, không cần đến ngân hàng lấy số thứ tự chờ đợi lâu, chị cũng có thể gửi tiết kiệm online ngay trên ứng dụng điện thoại của mình, vừa không tốn thời gian vừa có thể chủ động quản lý tài khoản.

“Khi mức sống, chi phí sinh hoạt ngày càng cao thì việc tiết kiệm một khoản tiền nhỏ hằng tháng vừa đơn giản, vừa thiết thực cho mục tiêu lâu dài. Ngoài ra, gửi tiết kiệm online luôn được hưởng mức lãi suất cao hơn so với khi gửi tiền trực tiếp tại quầy, đôi khi còn nhận được những ưu đãi, mã dự thưởng từ ngân hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt, vô cùng tiện lợi” - chị Thảo cho biết

Lo ngại khi đầu tư chứng khoán, bất động sản

Hơn thế nữa, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản, chứng khoán biến động mạnh… đã tác động lớn tới việc đầu tư tài chính của các cá nhân. Bà Thanh Ngọc (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, hơn 2 năm trước, nhận thấy lãi suất huy động gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nên bà đã dùng số tiền tích lũy nhiều năm của gia đình để chuyển qua đầu tư bất động sản một mảnh đất và một căn hộ chung cư ở P.Tam Hòa gần nhà với hy vọng sẽ sinh lời cao trong tương lai. Sau dịch, vì muốn thu hồi vốn bớt nên bà có rao bán căn hộ chung cư vì để lâu nhà xuống cấp, tốn chi phí quản lý vận hành, phí môi trường... mà cho thuê thì không được giá.

Thị trường chứng khoán liên tục biến động trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Nhiều người đầu tư lo ngại thua lỗ nên đã rút tiền đầu tư vào chứng khoán chuyển hướng sang đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh minh họa: H.Hà
Thị trường chứng khoán liên tục biến động trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Nhiều người đầu tư lo ngại thua lỗ nên đã rút tiền đầu tư vào chứng khoán chuyển hướng sang đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh minh họa: H.Hà

“Tôi đã rao bán trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, nhờ bạn bè quảng cáo nhưng sau nửa năm mới bán được, tính ra là bán “lỗ” vì chỉ bán bằng mức giá mua mà tôi phải đóng hàng loạt phí duy trì hơn 2 năm trời, trong khi nếu số tiền đó gửi tiết kiệm thì chắc chắn cũng sinh lời được một khoản không nhỏ. Cả nhà tôi bây giờ nghe tới bất động sản thì rất lo ngại, không muốn mạo hiểm với các khoản tiền tích lũy nên quyết định ăn chắc mặc bền, gửi tiết kiệm ngân hàng như trước. Hơn nữa, hiện tại các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, đưa ra nhiều ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân nên tôi hài lòng khi quay về gửi tiết kiệm bởi tính ổn định, lâu dài” - bà Ngọc chia sẻ.

Trong khi đó, ông L.Q. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, sau hơn chục năm đi làm tích góp, ông đã dành dụm được khoản tiền hơn 700 triệu đồng. Ban đầu, ông cứ nghĩ gửi tiết kiệm để phòng thân và kiểm soát chi tiêu cá nhân chứ thật sự lãi tiết kiệm ở ngân hàng chẳng là bao. Vào tháng 7-2021, sau những biến động vì dịch Covid-19, ông phải làm việc tại nhà và bị sụt giảm lương. Do đó, ông có tìm hiểu về chứng khoán và rút 500 triệu đồng để tham gia vào kênh đầu tư này vì thấy nhiều người chơi sinh lời tốt.

“Trong khoảng thời gian đầu, tôi chơi chứng khoán có lãi hơn 20% và tiếp tục đầu tư phần lãi đó, nhưng do không lường trước được những biến động thị trường, đến tháng 4-2022, tôi đã thua lỗ hơn 60% số vốn ban đầu. Chưa đầy một năm mà tôi đã nếm đủ “trái đắng” vì đó là số tiền mồ hôi nước mắt tích cóp qua bao nhiêu năm, do vậy tôi đã quyết định rút số tiền còn lại để quay về gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Gửi tiền tại ngân hàng và nhận lãi suất định kỳ tuy ít nhưng ổn định, còn hơn phải đau đầu suy tính “xanh, đỏ”, đêm ngày ăn không ngon, ngủ không yên với các loại đầu tư rủi ro này” - ông L.Q. chia sẻ.

Hải Hà

Tin xem nhiều