Báo Đồng Nai điện tử
En

Ước mơ… có nhà

08:05, 06/05/2022

Nhiều năm xa quê lập nghiệp, người lao động (NLĐ) đều mơ về một ngôi nhà để "an cư lạc nghiệp". Họ luôn mong sở hữu được một ngôi nhà, có thể bằng hình thức trả góp, phù hợp với thu nhập của mình.

Nhiều năm xa quê lập nghiệp, người lao động (NLĐ) đều mơ về một ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”. Họ luôn mong sở hữu được một ngôi nhà, có thể bằng hình thức trả góp, phù hợp với thu nhập của mình.

4 người trong gia đình anh Nguyễn Thanh Phát đang sống trong căn phòng trọ nhỏ tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nhàn
4 người trong gia đình anh Nguyễn Thanh Phát đang sống trong căn phòng trọ nhỏ tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nhàn

* Giấc mơ… còn xa

Căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn hơn 10m2 tại KP.An Hòa, P.Hóa An, TP Biên Hòa là nơi sinh sống từ nhiều năm nay của gia đình anh Nguyễn Thanh Phát. Anh Phát đã 38 tuổi, quê ở Quảng Bình và vào Đồng Nai lập nghiệp gần 15 năm. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh thuê trọ ở đây. Khi 2 con, một trai, một gái lần lượt ra đời cũng là lúc vợ chồng anh thuê thêm gian phòng bên cạnh làm nơi để vật dụng và bếp. Dù vậy, không gian dành cho gia đình 4 người vẫn rất chật hẹp và không có chỗ cho con chơi. Đây cũng là nỗi niềm của vợ chồng anh suốt nhiều năm qua.

Anh Phát tâm sự: “2 con ngày càng lớn, cần không gian rộng hơn để vui chơi, học hành và riêng tư nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên gia đình tôi đành phải ở như vậy”.

Dù thu nhập của NLĐ tại Đồng Nai cao so với mặt bằng chung nhưng việc sở hữu một căn nhà, căn hộ đối với họ cũng là vấn đề khá khó khăn. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh tại 27 doanh nghiệp, ngay cả đối với những người có thời gian làm việc tại Đồng Nai trên 15 năm cũng có tới trên 60% chỉ có đủ khả năng mua được những căn nhà/căn hộ có giá dưới 300 triệu đồng, số mua được những căn nhà trên 400 triệu đồng rất hạn chế.

Hầu như tháng nào, vợ chồng anh cũng tăng ca và tổng thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu khi vật giá leo thang từng ngày, các khoản chi phí: nhà trọ, tiền ăn, tiền học và tiền chữa bệnh cho vợ mỗi tháng cũng tăng theo. Tháng nào may mắn, họ mới dư ra một chút. “Làm công nhân, ai cũng mơ về một ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”, yên tâm làm việc, chăm lo cho con, nhưng thực tế, giá nhà đất tăng quá cao nên giấc mơ có nhà ngày càng xa vời. Đến giờ, tài sản dư của chúng tôi chính là 2 con” - anh Phát cho hay.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, lực lượng công nhân lao động là người từ các tỉnh, thành khác đến làm việc tại Đồng Nai rất đông, chiếm khoảng 58% lực lượng lao động toàn tỉnh. Cũng giống như các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung đông công nhân lao động, tại Đồng Nai, nhu cầu nhà ở của công nhân, NLĐ là rất lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội mới đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu.

Với nhiều người, việc có được căn nhà do mình đứng tên là cả vấn đề rất lớn và là mục tiêu phấn đấu rất nhiều năm. Ở tuổi 50, vợ chồng bà Đinh Thị Lợi (quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vẫn chưa thể mua nhà riêng dù tiết kiệm nhiều năm nay. Bà Lợi kể, ngày còn trẻ, vợ chồng bà làm đủ nghề, từ buôn bán hàng rong trái cây, làm công nhân. “Có vài lần, chúng tôi đi tìm mua đất ở xa xa, giá mềm nhưng vẫn quá khả năng của 2 vợ chồng. Đến giờ, chúng tôi vẫn mong có nhà ở nhưng thực tế, cơ hội là rất thấp vì giá nhà đất tăng quá nhanh mà thu nhập thì tăng không kịp, nhất là từ khi có dịch Covid-19” - bà Lợi chia sẻ.

* Trăn trở lối ra nhà ở cho công nhân

Theo kết quả khảo sát của tỉnh về nhu cầu chỗ ở cho công nhân, gần như 100% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở nhưng kết quả đạt được trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, do không thể mua nhà ở nên nhiều lao động xa quê phải ở trong các phòng trọ chật hẹp. Nhiều căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng đối nhau chỉ khoảng 1m. Trong khi đó, nhiều phòng trọ chỉ có diện tích từ 12-14m2 nhưng có đến 4-6 người ở.

“Khi xảy ra dịch Covid-19, NLĐ không đi làm, suốt 3 tháng liền phải ở trong phòng trọ chật chội. Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đồng Nai, công nhân lao động sinh sống trong các nhà trọ bị lây nhiễm rất nhiều, thậm chí có những khu trọ hàng trăm người đều bị nhiễm” - bà Ý cho hay.

Nhiều gia đình mong muốn thoát cảnh ở nhà trọ, mơ về ngôi nhà của riêng mình vì các con ngày càng lớn
Nhiều gia đình mong muốn thoát cảnh ở nhà trọ, mơ về ngôi nhà của riêng mình vì các con ngày càng lớn

Nhà là tài sản lớn, vì vậy khi quyết định mua nhà, NLĐ luôn tìm hiểu rất kỹ, từ chất lượng xây dựng đến môi trường sống. Tuy nhiên “tiền nào của nấy”, muốn nhà chất lượng, rộng rãi, thiết kế đẹp, NLĐ phải mua nhà ở thương mại. Trong quý 1-2022, Đồng Nai là một trong 3 địa phương có NLĐ thu nhập cao nhất cả nước với mức thu nhập bình quân của NLĐ đạt 8-8,5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, bà Nguyễn Thị Như Ý phân tích, một gia đình hai vợ chồng là công nhân lao động để có một khoản tiền lớn mua nhà ở thương mại trên địa bàn Đồng Nai là rất khó vì phải chi tiêu cho nhiều khoản trong sinh hoạt hằng ngày. Khi quyết định mua nhà, họ mong có sự hỗ trợ của nhà nước. Từ nhiều năm nay, Đảng, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ mua nhà từ những chính sách hỗ trợ vay vốn, bán trả góp… đến giải quyết các thủ tục hành chính liên quan. Đây là tiêu chí được NLĐ quan tâm khi chọn mua nhà ở tại các dự án nhà ở.

Việc sở hữu căn nhà/căn hộ để ổn định cuộc sống là mơ ước của tất cả người lao động. Chị Nguyễn Anh Thư, công nhân Công ty CP Tae Kwang Vina Industrial chia sẻ: “An cư mới lạc nghiệp nhưng tôi thấy khó quá. Hai vợ chồng làm công nhân nhiều năm, cố gắng tăng ca, chi tiêu tiết kiệm mới chỉ có thể nuôi 2 con, không mua nổi một mảnh đất có đầy đủ pháp lý chứ chưa nói tới xây nhà. Cũng như nhiều người cùng cảnh xa quê, chúng tôi đều mong địa phương giúp công nhân sở hữu được một căn nhà, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với thu nhập của mình”.

Tại buổi đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với công nhân lao động vào cuối năm 2021, NLĐ đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này, trong đó, kiến nghị tỉnh đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những yêu cầu nội dung nằm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được lồng ghép song hành với quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, có ý nghĩa quyết định đến đảm bảo an sinh xã hội.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều