Báo Đồng Nai điện tử
En

Ẩn họa từ việc sử dụng rượu, bia

10:06, 11/06/2022

Sau giãn cách xã hội, tình trạng sử dụng rượu, bia gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy, đáng lo là các vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) có chiều hướng tăng… Việc sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát tiềm ẩn nhiều mối họa cho xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều người.

Sau giãn cách xã hội, tình trạng sử dụng rượu, bia gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy, đáng lo là các vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) có chiều hướng tăng… Việc sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát tiềm ẩn nhiều mối họa cho xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều người.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn một tài xế trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa)
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn một tài xế trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa)

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều người không chỉ phê phán hành vi thiếu ý thức vì đã uống rượu, bia khi lái xe mà còn kiến nghị cơ quan chức năng ngoài chế tài, cần nâng mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép.

Hậu quả khôn lường…

Theo một thống kê gần đây của Bộ Công an, trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, tai nạn do uống rượu, bia chiếm tỷ lệ cao. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD.

“Theo tôi, giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức là quan trọng, bởi vi phạm rất khó ngăn chặn nếu các cá nhân không tự giác điều chỉnh hành vi, không nhận thức đúng về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Từ đó tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT” - ông NGUYỄN ĐÌNH QUỐC (ngụ xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) chia sẻ.

“Xem thống kê trên báo, tôi không khỏi giật mình vì chi phí chi mua rượu, bia quá lớn, trong khi uống rượu, bia là nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT. Tất nhiên là không thể đổ lỗi cho rượu, bia mà tai nạn là do người uống thiếu ý thức trong chấp hành pháp luật giao thông, không kiểm soát được hành vi đã dùng rượu, bia mà còn lái xe” - bà Nguyễn Thị Như Thương (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, tác hại của rượu, bia thì ai cũng biết nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Đơn cử như tài xế lái xe ô tô hiệu Audi gây TNGT ở tỉnh Bắc Giang vào ngày 2-6 lái xe trong tình trạng có hơi men gây tai nạn thương tâm, làm 3 người thiệt mạng trong tích tắc.

 “Việc lạm dụng rượu, bia có thể làm cho hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động. Khi say xỉn người uống không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống từ đó gây tai nạn cho chính mình và những người cùng tham gia giao thông khác” - ông Tuấn nói.

Không chỉ trên lĩnh vực giao thông, việc sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát còn để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội. Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, khoảng 40% vụ án tại Đồng Nai xảy ra có liên quan đến việc các đối tượng sử dụng rượu, bia gây ra.

Đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 6-2021, sau khi đi nhậu về ông Nguyễn Kim Sơn (48 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom), lấy cớ ghen tuông dùng dao liên tục chém vợ mình 25 nhát, giám định thương tật tỷ lệ lên đến 90%... Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp chỉ vì sử dụng rượu, bia quá chén mà các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, hàng xóm đang tốt đẹp bỗng trở nên thù hằn, ly tán.

Đâu là giải pháp?

Theo Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội Viện KSND tỉnh Thái Ngọc Từ, thực tế có nhiều vụ án như: giết người, cố ý gây thương tích và nhất là TNGT… do các đối tượng lạm dụng rượu, bia gây ra để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Thống kê từ Ủy ban ATGT quốc gia, 5 tháng đầu năm 2022 cả nước đã xảy ra 118 vụ TNGT do rượu, bia làm 85 người thiệt mạng, 77 người bị thương. Chỉ riêng trong tháng 5-2022 có tới 3 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới rượu, bia

“Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Uống rượu, bia khi gây án không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn là tình tiết định khung hoặc tăng nặng trong một số tội được quy định như: vi phạm quy định về tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông” - ông Từ nói.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý Hội Luật gia tỉnh cho hay, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn.

Hơn ai hết mỗi cá nhân phải có ý thức tự giác chấp hành luật có như thế mới có thể ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra do mất kiểm soát bởi lạm dụng rượu, bia. Điều này giúp bảo vệ an toàn cho chính mình, cho cộng đồng và toàn xã hội.

Để ngăn chặn những hiểm họa do lạm dụng rượu, bia gây ra, giải pháp được nhiều người đề xuất là cần tăng cường kiểm tra, tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngoài phạt tiền, giữ bằng lái, giam xe… cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm. Nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù người vi phạm.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích