Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Trần Tấn Quốc và Giải Cải lương Thanh Tâm

10:06, 24/06/2022

Khi còn sanh tiền, nhà báo Lê Thiện, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai (ông còn nhiều chức danh báo chí khác, trong đó có thời gian là phóng viên, biên tập viên của Báo Trung Lập bằng tiếng Việt ở Campuchia, khi đó gọi là Cam Bốt), ở chỗ thâm tình, ông thường nhắc đến tên tuổi nhà báo Trần Tấn Quốc trong lòng chế độ Sài Gòn trước 1975.

Khi còn sanh tiền, nhà báo Lê Thiện, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai (ông còn nhiều chức danh báo chí khác, trong đó có thời gian là phóng viên, biên tập viên của Báo Trung Lập bằng tiếng Việt ở Campuchia, khi đó gọi là Cam Bốt), ở chỗ thâm tình, ông thường nhắc đến tên tuổi nhà báo Trần Tấn Quốc trong lòng chế độ Sài Gòn trước 1975. Tìm hiểu mới biết, không chỉ trong lòng chế độ Sài Gòn mà tận từ thời Pháp còn đô hộ Việt Nam, ông Quốc đã viết báo.

Nhà báo Trần Tấn Quốc (giữa) cùng các đồng nghiệp tại đêm phát Giải Thanh Tâm năm 1959
Nhà báo Trần Tấn Quốc (giữa) cùng các đồng nghiệp tại đêm phát Giải Thanh Tâm năm 1959

Nhà báo Trần Tấn Quốc sinh năm 1914 tại Sa Đéc, nay là thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp, chính thức bước vào nghề báo từ năm 1936 với chân phóng viên của báo Việt Nam do Nguyễn Phan Long làm chủ nhiệm. Trước khi trở thành phóng viên chính thức, báo này đăng phóng sự nhiều kỳ Bọn móc túi ở Sài Gòn, được trả nhuận bút 20 đồng; lương phóng viên mới tuyển 30 đồng/tháng.

Làm báo trong lòng đô thị Sài Gòn có 2 nhà báo lão làng là Nam Đình Nguyễn Kỳ Nam và Trần Tấn Quốc. Ông Nam Đình lớn hơn ông Trần Tấn Quốc 8 tuổi nhưng thể hiện tình gắn bó, tôn trọng nhau trong nghề nghiệp và cùng chí hướng nên có những bài ký tên chung là Nam Quốc Cang. Ghi nhận công lao đóng góp của 2 ông cho báo chí và đất nước, TP.HCM có tên đường là Nam Quốc Cang. Bút hiệu này do ông Nam Đình chọn, ông Trần Tấn Quốc “thấy cũng được”.

Báo chí gắn với một hoạt động xã hội cụ thể ngoài hoạt động báo chí là lẽ thường, như Báo Đồng Nai lâu nay có giải bóng đá nhi đồng. Với Trần Tấn Quốc đó là Giải Cải lương Thanh Tâm mà những người đoạt giải có người nay là NSND như Bạch Tuyết. Giải được thành lập từ sáng kiến của nhà báo Trần Tấn Quốc, duy trì từ năm 1958-1967. Những người dự giải có tuổi đời từ 13-21 tuổi, đã hoạt động nghệ thuật cải lương 6 tháng.

Sau 1975 ở TP.HCM có giải Triển vọng Trần Hữu Trang coi như “hậu duệ” của Giải Thanh Tâm. Những người đoạt giải cao nhất Giải Thanh Tâm là huy chương vàng, định danh là “nhiều triển vọng”. Các tên tuổi nghệ sĩ cải lương đoạt huy chương vàng hầu hết còn hoạt động sau 1975 và vài người còn đến ngày nay. Người đầu tiên đoạt giải là: Thanh Nga (1958), Lan Chi - Hùng Minh (1959), Ngọc Giàu (1960), Thanh Thanh Hoa (1961), Ngọc Hương - Ánh Hồng (1962); 1963 nở rộ với Bạch Tuyết, Kim Loan, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú; Thanh Sang - Lệ Thủy (1964), Thanh Nguyệt - Bo Bo Hoàng (1965), Phượng Liên - Phương Quang (1966), Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình (1967).

3 năm 65-67 có giải Diễn viên xuất sắc, các diễn viên đoạt giải là: Hữu Phước, Bạch Tuyết, Thành Được, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thanh Hải.

Giải Thanh Tâm còn trao giải cho các tuồng cải lương hay nhất trong năm. Năm 1965 tuồng được giải là Nỗi buồn con gái của Hà Triều - Hoa Phượng, 1966 tuồng Nước biển mưa nguồn của Nguyễn Thành Châu và Tiếng hạc trong trăng của Yên Ba - Loan Thảo.

Tình hình xã hội Sài Gòn biến động từ năm 1968 nên Giải Thanh Tâm phải dừng. Phát biểu về giải, nhà báo Trần Tấn Quốc nói: “Cao vọng là xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta”.

Từng là chủ nhiệm Báo Đuốc Nhà Nam (1970) có nhiều phản biện xã hội, khá ăn khách trước 1975 ở miền Nam nhưng nói đến Trần Tấn Quốc người ta thường nhắc đến Giải Thanh Tâm. Năm 1964 với danh xưng Trần Tử Văn, ông có tâm thư gởi Giám đốc Đoàn Cải lương Thanh Minh Thanh Nga về nghĩa nặng tình thâm với sân khấu cải lương. Sau năm 1975 ông về quê hương Cao Lãnh và mất tại đây vào năm 1987.

Một nhà báo chuyên nghiệp gắn liền với một giải văn hóa nghệ thuật có danh tiếng như ông Trấn Tấn Quốc không nhiều.

Trung Phi

Tin xem nhiều