Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà sáng lập Sbooks Nguyễn Anh Dũng: "Tôi mong muốn góp sức xây dựng văn hóa đọc cho người Việt"

10:06, 25/06/2022

Thuộc thế hệ 8X, xuất thân từ ngành truyền hình nhưng lại khởi nghiệp với ngành sách, anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Sbooks (TP.HCM) đã dần trở thành cái tên quen thuộc và được gọi là "ông bầu sách" trong làng xuất bản...

Anh Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: V.Gia
Anh Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: V.Gia

Thuộc thế hệ 8X, xuất thân từ ngành truyền hình nhưng lại khởi nghiệp với ngành sách, anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Sbooks (TP.HCM) đã dần trở thành cái tên quen thuộc và được gọi là “ông bầu sách” trong làng xuất bản. Từ rất nhiều khó khăn, vất vả ban đầu, 4 năm qua Sbooks đã phát hành hàng trăm đầu sách và có chỗ đứng nhất định trong ngành sách Việt Nam.

Theo anh Dũng, tại Việt Nam, văn hóa đọc còn sơ khai, dấn thân vào ngành sách, anh không sợ cạnh tranh vì tin rằng mục tiêu mà mình hướng tới có sự khác biệt so với hầu hết các đơn vị làm sách đang có trên thị trường.

* Làm sách khi… chưa biết gì về sách

* Là “tay ngang”nhưng khi còn rất trẻ đã dấn thân vào lĩnh vực làm sách, anh có thấy mình… dũng cảm không?

- Thương hiệu sách Sbooks của chúng tôi còn khá non trẻ trên thị trường, mới chỉ vài năm tuổi. Ngay cả bản thân tôi cũng là một thanh niên ngoài 30 tuổi, so với các “lão làng” hiện có, chúng tôi là đơn vị sinh sau đẻ muộn nên cũng có những cái khó riêng của mình.

Thú thật, xuất phát điểm nghề nghiệp của tôi ban đầu là trong lĩnh vực truyền hình, trợ lý đạo diễn. Ở cương vị ấy tôi được gặp gỡ rất nhiều những người nổi tiếng, sắp xếp lịch, làm việc với nhiều đối tác và có thể nói đối với một thanh niên, thời điểm ấy tôi cũng có thu nhập khá cao, nhưng rồi dần dần mình không cảm thấy hạnh phúc với công việc. Và từ tay ngang, tôi bước vào ngành sách. Dũng cảm thì không dám nói nhưng tôi đã muốn làm gì, đưa ra quyết định gì thì nhất thiết phải tìm mọi cách làm cho bằng được (cười)!

“Thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác rất tích cực với các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để phối hợp, xây dựng và phát động các chương trình đọc sách. Hiện Sbooks cũng đang hợp tác cùng ban quản lý Đường sách của thành phố để truyền thông, tổ chức các sự kiện về sách... Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với các địa phương khác, có thể là từ ngành giáo dục. Như ở Đồng Nai, Sbooks đã bắt đầu hợp tác với một số đơn vị”.

Mọi start-up đều gặp những khó khăn trong thời gian đầu. Sbooks đặc biệt khó khăn khi người sáng lập doanh nghiệp chưa có một ngày làm việc nào trong ngành sách. Lúc mới bắt đầu, chúng tôi gặp vô số áp lực và cả những lời đàm tiếu “không hiểu gì về sách mà đòi làm trong ngành sách”, thế nhưng rồi cũng dần vượt qua.

* Nhưng vì sao anh lại lựa chọn đến với ngành sách trong khi đây là một ngành mà nếu nói để kiếm ra tiền nhanh là điều không dễ như các ngành kinh doanh khác?

- Nếu kiếm tiền thì hẳn là tôi đã không đi theo nghề sách. Điều mà tôi muốn là mình cảm thấy hạnh phúc với công việc bản thân theo đuổi, trên con đường đi tìm “hạnh phúc” ấy, việc làm sách đến với tôi như một lẽ tự nhiên bởi tôi muốn tạo ra giá trị, không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng.

Nhưng nó cũng không phải là ngẫu nhiên, cũng như phần lớn những đứa trẻ nông thôn trước đây, cuộc sống khó khăn, không có điều kiện đọc sách, phải đến khi vào thành phố đi học rồi đi làm chúng ta mới dễ tiếp cận với sách hơn. Chính những cuốn sách hay mà tôi đã đọc được cũng thôi thúc cho quyết định đứng ra làm sách của mình.

* Đối với nghề làm sách, nhất là với đơn vị đi sau như Sbooks, anh đúc rút được những kinh nghiệm gì trong thời gian qua?

- Làm sách, xuất bản sách nhìn dễ nhưng không dễ. Nhất là bản thân tôi xuất phát điểm vốn đã không chuyên, chưa hiểu gì về ngành cả. Thời điểm đó, chúng tôi chưa có nền tảng về khai thác bản thảo, không có nền tảng về phát hành và cũng không có liên kết với truyền thông. 3 khâu cơ bản nhất trong ngành sách là tổ chức bản thảo - phát hành - truyền thông đều trở thành vấn đề lớn.

Đầu tiên, việc tìm kiếm tác quyền là điều mà bạn phải giải quyết. Rất hiếm tác giả tin tưởng để trao đứa con của mình cho một công ty phát hành non trẻ. Việc tiếp cận với bản thảo mới đã khó, việc trao đổi để tái bản những tác quyền tên tuổi lại càng khó hơn.

Sau khi in sách việc ra mắt cũng trở thành vấn đề lớn, nên tổ chức ra mắt thế nào, liên hệ tòa soạn để thông tin về sách ra sao, nên áp dụng những phương thức truyền thông gì? Tất cả đều cần lần từng bước mới có được những kết quả ban đầu rồi tiếp tục “nâng cấp”, định vị thương hiệu Sbooks.

* Đại chúng hóa để xây dựng văn hóa đọc

 * Có vẻ như việc đọc sách, văn hóa đọc sách ở Việt Nam còn chưa được chú trọng, là người làm sách, anh có đánh giá như thế nào?

- Nếu đánh giá một cách công tâm nhất theo chủ ý của mình, tôi có thể nói rằng nền văn hóa đọc của chúng ta rất sơ khai. Thị trường độc giả còn sơ khai vì Việt Nam chưa có văn hóa đọc cao như các quốc gia khác. Tỷ lệ người Việt đọc sách còn hạn chế.

Vào một quán cà phê, tôi quan sát thấy tất cả các bạn trẻ đều chỉ chăm chú vào điện thoại mà không thấy ai có mang theo cuốn sách. Thi thoảng có, nhưng rất ít, cả những nơi khác cũng vậy. Điều này khác so với những quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, người dân đọc sách rất nhiều. Bạn sẵn sàng bỏ vài trăm ngàn đi uống trà sữa, nhưng lại không muốn bỏ vài trăm ngàn đồng mua sách. Đây cũng chính là thách thức và khiến tôi muốn tăng thị trường độc giả lên, tăng thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho độc giả Việt Nam.

Anh Nguyễn Anh Dũng tương tác cùng độc giả tại một sự kiện về sách. Ảnh: V.Gia
Anh Nguyễn Anh Dũng tương tác cùng độc giả tại một sự kiện về sách. Ảnh: V.Gia

* Nhưng xây dựng thói quen, văn hóa đọc không dễ dàng gì. Chúng ta có thể tiếp cận đến một số lượng bạn đọc nhất định, đến các “mọt sách” tuy nhiên về tổng thể văn hóa đọc không phải được xây dựng từ họ?

- Quả đúng là vậy. Nói người Việt không thích đọc sách cũng chưa hẳn đúng, chúng ta vẫn có những người rất thích đọc sách, các con “mọt sách”, vấn đề ở đây là nếu có đọc thì họ đọc trong thư viện, nhà sách hay đọc tại nhà chứ nơi công cộng rất ít. Thậm chí, đôi khi giở sách ra đọc trong quán cà phê này thì đó sẽ là một sự ngạc nhiên đối với người xung quanh.

Đó là những điều mà tôi trăn trở, làm sao để có thể kích thích được tinh thần ham đọc sách của người dân trong thời buổi có quá nhiều sự lựa chọn, mô hình giải trí hiện nay quả là rất khó khăn. Làm sao để đọc sách không chỉ gói gọn ở một bộ phận nhỏ, ở trường học mà nó trở thành thói quen rồi nâng tầm thành văn hóa, ví dụ như thói quen uống cà phê, văn hóa cà phê vậy.

* Có nghĩa là phải đại chúng hóa việc đọc sách, với cá nhân anh và đơn vị của mình, anh sẽ làm gì để thúc đẩy nó?

- Đại chúng hóa để xây dựng văn hóa đọc là nhiệm vụ tôi đeo đuổi bấy lâu. Trước hết, là đại chúng hóa Sbooks để nhiều người có thể sở hữu một doanh nghiệp về sách và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Đây không phải là điều tôi có thể làm một mình mà cần sự tương hỗ từ nhiều người, nhiều đơn vị khác nhau. Từ việc sử dụng nguồn lực mở để giải quyết khó khăn kinh doanh. Đến việc bắt tay làm các dự án xã hội trước khi tính đến việc mang lại lợi nhuận cho công ty.

Tôi rất mong bạn đọc có những gợi ý, ý tưởng lạ để mình dấn thân, làm sao cho khi cuốn sách được mở ra, chữ Sbooks sẽ như một sự chia sẻ, một phong cách khởi nghiệp vì một mục tiêu lớn hơn mang tính cộng đồng rộng hơn.

* Xin cảm ơn anh!

“Chúng tôi chỉ đóng góp và đáp ứng một phần nhỏ. Tôi mong muốn không chỉ Sbooks mà các đơn vị làm sách tên tuổi tiếp tục thúc đẩy những hoạt động của mình. Vấn đề thúc đẩy đọc sách còn phải từ nỗ lực của cộng đồng, của các đoàn thể và ngay từ các gia đình. Thế hệ tương lai của chúng ta là trẻ em, do vậy các bậc cha mẹ có trách nhiệm giúp con đọc sách, đọc sách cùng với con ngay từ bây giờ”.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều