Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân nam thành công khi lựa chọn nghề may

09:07, 09/07/2022

Trong điều kiện khan hiếm lực lượng lao động ở ngành may mặc như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã tăng cường tuyển dụng và tạo điều kiện cho lao động nam được ứng tuyển vào làm việc.

Trong điều kiện khan hiếm lực lượng lao động ở ngành may mặc như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã tăng cường tuyển dụng và tạo điều kiện cho lao động nam được ứng tuyển vào làm việc.

Công nhân nam may chuyên nghiêp tại xưởng Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu)
Công nhân nam may chuyên nghiêp tại xưởng Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu)

Với điều kiện không đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề và sẽ được đào tạo trực tiếp tại xưởng, nhiều lao động nam, đặc biệt lao động lớn tuổi, đã được tuyển vào làm việc ở nhiều bộ phận và bước đầu đã thành công với nghề.

Tự mình phấn đấu

Mất việc làm do dịch Covid-19 năm 2020, sau thời gian dài thất nghiệp, anh Nguyễn Thế Hạnh (quê Bình Định) đã quyết định ứng tuyển vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP.Biên Hòa).

Anh Hạnh cho hay, thời ứng tuyển, anh không có tay nghề may cũng như kinh nghiệm, nhưng khi đọc thông tin tuyển dụng lao động may nam, nữ không cần kinh nghiệm và được đào tạo nghề, anh mạnh dạn đến phỏng vấn vào vị trí đóng hàng và được nhận vào làm việc.

Ông PHAN ANH TUẤN, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory cho hay, hiện lao động nam làm việc tại công ty chiếm số lượng 1/4 trong tổng số gần 200 lao động làm việc tại công ty. Tuy lực lượng lao động nam ít hơn so với nữ nhưng khi bắt tay vào công việc, họ làm rất chắc chắn, trách nhiệm.

“Tôi từng có 5 năm làm trong DN sản xuất gỗ và cũng ở bộ phận đóng hàng. Về lĩnh vực may thì tôi không biết gì, chỉ biết đến đóng hàng cũng phù hợp với mình nên ứng tuyển. Thời sau dịch, các xưởng may đều trống người vì thiếu lao động. Ngoài nhiệm vụ đóng hàng, tôi xin tham gia lớp đào tạo may lao động mới. Tôi kiên trì rèn luyện và  dần may được các bước thủ công cơ bản và nhận thêm nhiệm vụ ủi đồ. Dần dần, tôi được giao may công đoạn chi tiết nhỏ các sản phẩm thời trang đồ thể thao và dần đam mê với nghề cho đến nay” - anh Hạnh chia sẻ.

Hiện anh Hạnh ngoài đóng hàng, ủi đồ, còn làm thêm nhiệm vụ điều khiển máy cắt vải kỹ thuật và hỗ trợ may gia công các chi tiết nhỏ của từng sản phẩm. Để có đáp ứng yêu cầu công việc, anh đến công ty sớm và về trễ hơn mọi người để kiên trì học kỹ thuật may.

Anh cho rằng, để thành công với nghề này, ngoài kiên trì cũng cần nhanh nhẹn, ham học hỏi. Nhờ đó, hiện tính cả tăng ca, thu nhập của anh đạt gần 7 triệu đồng/ tháng. Với công nhân làm ít năm như anh, đây là thu nhập khá ổn định. Cùng với đó, môi trường làm việc thoải mái, không áp lực đã giúp anh phát huy hết khả năng của mình.

Công nhân Nguyễn Anh Tài, làm việc Công ty TNHH Thời trang Nam Lê (H.Vĩnh Cửu) đã đạt thành công bước đầu khi lựa chọn ngành may để làm việc. Anh Tài cho biết, mình từng có 8 năm làm việc tại Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam (DN chuyên sản xuất điện tử, Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Tuy nhiên, năm 2019, anh nghỉ việc về phụ kinh doanh quán ăn cùng gia đình. Sau thời gian dịch bệnh khó khăn, việc kinh doanh thua lỗ, cộng với tuổi đã lớn, anh xin vào làm việc tại bộ phận kiểm hàng của công ty để có thu nhập trang trải cuộc sống.

“Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người vì đã lớn tuổi nhưng vẫn được nhận vào làm công việc nhẹ nhàng, phù hợp tuổi của mình. Cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và công ty tạo điều kiện về mọi mặt, tôi tiếp cận công việc nhanh và có thu nhập ổn định với nghề” - anh Tài bày tỏ.

Thành công với với nghề

Anh Nguyễn Trần Gia Huy, có kinh nghiệm may mặc 4 năm tại Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu) được đánh giá là lao động có tay nghề giỏi tại DN. Ngoài là công nhân may mẫu, anh còn được bố trí đào tạo nghề may cho nhiều lao động mới làm việc. Những sản phẩm túi xách anh may được đánh giá đẹp từ đường kim, mũi chỉ và ít khi bị lỗi, bị trả lại sản phẩm. Anh Huy cho hay, nghề may cũng giúp anh luyện được tính kiên trì, cẩn thận hơn. So với lao động nữ, công nhân nam ngành may nhiều người thiếu kiên trì vì phải ngồi nhiều nhưng nếu vượt qua được, sẽ nhanh chóng thành công và trở thành nhưng người thợ thành thạo với nghề.

Anh Huy chia sẻ, thời điểm hàng hóa ít do dịch, thu nhập giảm, anh đã muốn nghỉ công việc may để chuyển qua nghề khác làm. Tuy nhiên, anh Huy cho rằng, nghề nào cũng có những thử thách nhất định, quan trọng lập trường và nỗ lực từng ngày của mình. Chính vì lẽ đó, anh vẫn quyết gắn bó với nghề may và với DN. “Nghề may đối với nam giới tuy nhẹ nhàng, không quá vất vả nhưng không phải ai cũng thành công bởi thiếu kiên trì. Tuy nhiên, khi nhìn những sản phẩm của mình may ra đạt chất lượng và được DN khen, tôi lại cảm ơn công việc này và cảm thấy tự hào vì ngoài có thu nhập, công việc ổn định, nghề may mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị mỗi ngày” - anh Huy chia sẻ.

Ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thời trang Nam Lê (H.Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian qua, DN tạo điều kiện cho rất nhiều lao động nam, đặc biệt lao động lớn tuổi vào làm việc ở bộ phận may, kiểm hàng và ủi đồ. Đa số đều tiếp cận công việc nhanh và hoàn thành công việc được giao. Đối với những lao động nam còn trẻ, có tay nghề, sau 1 tuần đào tạo, họ bắt nhịp với công việc và đã thành công với nghề.

“Trong lúc thiếu nguồn lực may như hiện nay, việc tuyển lao động nam vào may mặc cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN. Thực tế, đối với lao động nam ngành may nhiều người còn may chậm hơn so với nữ nhưng các sản phẩm của họ rất chắc chắn và ít khi bị lỗi” - anh Tuấn chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory cho hay, hiện nhiều lao động nam tại công ty có thể đảm nhận công việc ở các vị trí như vừa may, cắt vải, ủi đồ… ở công đoạn nào họ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Do đó, công ty ngày càng mở rộng tuyển dụng đối tượng ngành may là nam giới. Dù bước đầu, họ còn nhiều bỡ ngỡ và chưa sử dụng máy may mềm mại được như lao động nữ, nhưng sau quá trình đào tạo, rèn luyện, nhiều người lại may giỏi và đạt tay nghề vượt bậc hơn so với nữ. Thời gian qua, công ty cũng có những chính sách khen thưởng riêng để khuyến khích tinh thần làm việc của họ.             

Lan Mai


Công nhân NGUYỄN ANH TÀI, làm việc Công ty TNHH Thời trang Nam Lê (H.Vĩnh Cửu):

Có thu nhập ổn định từ nghề may

Với lao động lớn tuổi như tôi hiện có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng từ ngành may là ổn định. Tôi nghĩ, công việc nào cũng cần tinh thần trách nhiệm, tự giác của mỗi bản thân và không ngại khó, ngại va chạm. Và tôi mong nhiều lao động nam còn thất nghiệp hãy mạnh dạn ứng tuyển công việc may nếu thấy phù hợp để có thu nhập lo cho gia đình trong thời điểm “bão giá” này.

Chị HỒ THỊ NGỌC MAI, nhân viên nhân sự Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP.Biên Hòa):

Tạo điều kiện cho lao động nam làm việc

Hiện tại, do nhu cầu sản xuất mở rộng, nhiều DN may mặc đều thiếu hụt lực lượng lao động khá lớn. Do đó, các DN trong lĩnh vực may mặc vẫn đăng tuyển lao động nam, nữ liên tục, đồng thời đưa ra các chế độ, phúc lợi tốt để thu hút lao động. Đối với lao động nam khi tuyển dụng sẽ được đào tạo nghề may bài bản để may các công đoạn nhỏ, chi tiết của sản phẩm đến hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, đối với những người có kỹ thuật, sẽ được đào tạo cắt vải kỹ thuật, làm hàng mẫu.

Việc tạo điều kiện để họ nâng cao tay nghề, tăng thu nhập cũng được nhiều DN chú trọng nhằm có đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng tình trạng thiếu lao động tại DN.

Thảo My (ghi)


 

Tin xem nhiều