Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cú hích" biên chế giáo viên

07:08, 06/08/2022

Thừa - thiếu giáo viên đã là câu chuyện rất cũ từ nhiều năm nay của nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết vấn đề này vẫn chưa thực sự có hiệu quả, bởi nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, thậm chí không ít nơi tồn tại tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Thiếu cân đối, tính toán trong đào tạo với nhu cầu sử dụng thực tế ở mỗi địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Thừa - thiếu giáo viên đã là câu chuyện rất cũ từ nhiều năm nay của nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết vấn đề này vẫn chưa thực sự có hiệu quả, bởi nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, thậm chí không ít nơi tồn tại tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Thiếu cân đối, tính toán trong đào tạo với nhu cầu sử dụng thực tế ở mỗi địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành Giáo dục trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thời gian qua. Điều này đã và đang góp phần làm giảm sự mất cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo cùng cơ hội việc làm của học sinh khi lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Đặc biệt, với ngành Sư phạm, việc nâng chất lượng tuyển sinh, đổi mới phương pháp đào tạo nhằm cho ra đời những “sản phẩm” tốt phục vụ sự nghiệp trồng người ngày càng được chú trọng. Bằng chứng là điểm trúng tuyển vào ngành Sư phạm thuộc loại khá cao so với nhiều ngành nghề khác.

Tuy nhiên, tâm lý của rất nhiều học sinh vẫn thích chọn vào học để trở thành giáo viên ở những bộ môn chính như: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Anh văn nhiều hơn là những môn “phụ” như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân… Đây là một  trong những lý do khiến nhiều địa phương thiếu trầm trọng giáo viên bộ môn dạy Âm nhạc, Mỹ thuật…

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong tuyển dụng, biên chế giáo viên cùng những bất cập về chế độ tiền lương cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Chính từ thực tế này mà mới đây, trong Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo quyết định của Bộ Chính trị, ngày 2-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành triển khai việc tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu...

Trong đó, về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QD/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Đây được xem là cú hích quan trọng giúp ngành Giáo dục giải quyết trước mắt những khó khăn về biên chế giáo viên hiện nay, một nguyên nhân khiến không ít giáo viên chưa yên tâm công tác.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều