Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu xưa bên dòng Đồng Nai

08:08, 06/08/2022

Với gần 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai gắn liền với lịch sử mở cõi của vùng đất Nam bộ. Từ buổi đầu khai hoang lập ấp, Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú, là trung tâm giao thương, buôn bán sầm uất của xứ Đàng trong.

Với gần 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai gắn liền với lịch sử mở cõi của vùng đất Nam bộ. Từ buổi đầu khai hoang lập ấp, Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú, là trung tâm giao thương, buôn bán sầm uất của xứ Đàng trong.

Thanh Lương cổ tự nằm tại KP.4, P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa)
Thanh Lương cổ tự nằm tại KP.4, P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Ly Na

Bên dòng Đồng Nai hiền hòa, những ngôi chùa cổ, những công trình với kiến trúc độc đáo của người xưa vẫn trầm mặc in bóng thời gian, phản ánh nét văn hóa độc đáo của cộng đồng cư dân sinh sống trên vùng đất này. Một trong số đó có Thanh Lương cổ tự.

* Ngôi chùa cổ hơn 320 năm

Thanh Lương cổ tự là ngôi chùa nhỏ nằm nằm soi mình bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa thuộc KP.4, P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Không gian chùa Thanh Lương khá yên tĩnh. Trước cổng chùa có cây bồ đề cổ thụ, trong khuôn viên chùa còn các cây cổ thụ quý như: sao, dầu… ngày ngày tỏa bóng xuống che mát ngôi chùa. Đến đây, người dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không gian thoáng đãng, thanh tịnh mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 320 năm tuổi này.

Chùa Thanh Lương được xây dựng khoảng năm 1684. Tương truyền đây là ngôi chùa được bà con người Hoa tạo lập rất sớm, khi họ vào định cư trên đất Đồng Nai. Ban đầu, chùa có diện tích nhỏ, trải qua thời gian cộng đồng dân cư nơi đây (người Việt và người Hoa) đã chung tay đóng góp xây dựng, trùng tu (vào các năm 1954, 1968, 1990, 1994...) thành ngôi cổ tự khang trang như hiện nay. Hậu tổ của chùa thờ Tổ sư Đạt Ma, ông Giám Trai và 14 long vị Tổ. Đặc biệt, thờ long vị và tượng của Đức ông Trần Thượng Xuyên. Năm 1996, long vị của Đức ông được gia đình họ Trần thỉnh rước về tộc gia ở TP.HCM thờ tự.

TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay: “Dựa vào long vị Đức ông từng được thờ ở hậu tổ và nhiều đồ đồng của họ Trần phụng cúng cho chùa, có thể suy đoán Đức ông Trần Thượng Xuyên là một trong những vị Tổ khai sơn và từng tu tập ở chùa Thanh Lương cách nay trên 300 năm. Chùa Thanh Lương tu học theo hệ Phật giáo Bắc Tông với các lễ cúng chính vào 4 ngày rằm lớn trong năm và ngày lễ giỗ Tổ mùng 8, 9 tháng 5 âm lịch”.

Thanh Lương cổ tự có kiến trúc gồm hình chữ tam: Chánh điện - hậu Tổ, nhà khách và nhà trù. Mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch bông hướng quay mặt ra sông Đồng Nai. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là long, lân, quy, phụng, cúc điểu và dây lá. Hệ thống hoành phi, liễn đối phong phú, giàu ý nghĩa, có tuổi đời hàng trăm năm được chạm khắc bằng chữ Hán, hoa văn tinh xảo. Trong đó có bức hoành phi có tên Thanh Lương tự được làm từ đời Gia Long thập ngũ niên (năm 1814).

Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua nhưng Thanh Lương cổ tự vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Các tượng Phật nằm trong khuôn viên chùa đang được sơn sửa, chuẩn bị cho mùa Vu lan - báo hiếu 2022. Khách thập phương đến tham quan, vãng cảnh chùa Thanh Lương không chỉ được tận mắt thấy quang cảnh, kiến trúc của một công trình tôn giáo, mà còn được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Bên cạnh chùa Thanh Lương còn có miếu bà Chúa xứ và di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đây là cụm di tích đình, chùa, miếu nằm bên dòng Đồng Nai hằng năm thu hút đông người dân và du khách đến tham quan. Thiên nhiên và con người nơi đây gần gũi, hồn hậu. Cụm di tích không những có giá trị độc đáo, mà còn đáp ứng nguyện vọng cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương.

* Gắn kết để phát triển du lịch

Cùng với Thanh Lương cổ tự, hiện nay trên địa bàn TP.Biên Hòa có rất nhiều ngôi chùa cổ có niên đại hàng trăm năm. Trong đó, có ba ngôi chùa được xem là cổ nhất, đã được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: chùa Long Thiền (P.Bửu Hòa), chùa Đại Giác (P.Hiệp Hòa) và chùa Bửu Phong (P.Bửu Long). Hầu hết, các ngôi chùa cổ này đều có kiến trúc độc đáo, gắn với những huyền tích, truyện kể dân gian của quá trình mở đất, dựng làng, đấu tranh với thiên nhiên để xây dựng cuộc sống.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích là những ngôi chùa cổ các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt, các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng, chung sức đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích. Chẳng hạn, đóng góp trùng tu, tôn tạo chùa Đại Giác với số tiền 2,5 tỷ đồng; chùa Bửu Hưng 1 tỷ đồng… Đây là nguồn lực rất quan trọng để hỗ trợ khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời. Không chỉ trùng tu, tôn tạo mà người dân cũng như có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các công trình trong đời sống hiện tại.

TS Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa ngụ tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho biết: “Các công trình kiến trúc cổ như chùa chiền, đình miếu, nhà cổ… phần lớn nằm dọc theo bờ sông Đồng Nai, không chỉ là niềm tự hào của một gia đình, một dòng họ hay một vùng đất mà còn lưu giữ nhiều dấu tích, nét văn hóa một thời. Điều này tạo thuận lợi để du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Bởi vậy, cùng với bảo tồn và phát huy giá trị của công trình, không thể thiếu gắn kết với phát triển du lịch tạo thành điểm nhấn hấp dẫn du khách khi đến Đồng Nai”.

Đồng Nai trước đây là “địa đầu” trong công cuộc khai khẩn vùng đất Nam bộ của Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh phát triển kinh tế, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Ly Na

Tin xem nhiều