Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến bảo tàng, nghe kể chuyện về người Đồng Nai

08:08, 13/08/2022

Bảo tàng Đồng Nai lâu nay vẫn được xem là địa chỉ lưu giữ "kho báu" về những giá trị thiên nhiên, văn hóa, kinh tế, lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Những năm gần đây, Bảo tàng Đồng Nai còn là điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, là nơi để các thế hệ học sinh, sinh viên tìm hiểu những câu chuyện về vùng đất và con người Đồng Nai từ sơ khai qua các thời kỳ.

Bảo tàng Đồng Nai lâu nay vẫn được xem là địa chỉ lưu giữ “kho báu” về những giá trị thiên nhiên, văn hóa, kinh tế, lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Những năm gần đây, Bảo tàng Đồng Nai còn là điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, là nơi để các thế hệ học sinh, sinh viên tìm hiểu những câu chuyện về vùng đất và con người Đồng Nai từ sơ khai qua các thời kỳ.

Đoàn khảo sát du lịch Hàn Quốc tham quan Bảo tàng Đồng Nai
Đoàn khảo sát du lịch Hàn Quốc tham quan Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: T.Mộc

Với hơn 22 ngàn hiện vật và hàng ngàn tài liệu, đầu sách, băng đĩa, hình ảnh về lịch sử, con người Đồng Nai được trưng bày, lưu giữ trong tổng diện tích khoảng 4 ngàn m2, Bảo tàng Đồng Nai được đánh giá là bảo tàng địa phương lớn nhất khu vực miền Nam cả về quy mô lẫn hiện vật, trong đó có các bảo vật quốc gia…

* Chuyện về vùng đất Nam bộ hơn 300 năm

Mở đầu “chuyến tham quan Đồng Nai tại chỗ”, khách tham quan sẽ được nhân viên của bảo tàng giới thiệu về thiên nhiên, con người và sự đa dạng sinh học của Đồng Nai với những thông tin về tên gọi, diện tích, dân số với các thành phần dân tộc vùng đất Đồng Nai từ hơn 300 năm trước.

Chị Trần Thị Thu Thủy, di sản viên Phòng Kiểm kê bảo quản, trưng bày tuyên truyền (Bảo tàng Đồng Nai) cho biết, những nội dung, hiện vật trưng bày về thiên nhiên, con người, văn hóa Đồng Nai được chia thành 5 phòng gồm: Thiên nhiên, Động thực vật rừng Đồng Nai, Văn hóa dân tộc, Người Việt ở Đồng Nai, Nghề thủ công truyền thống ở Đồng Nai.

Tham quan hết 5 phòng trên, du khách sẽ có cái nhìn tổng quan về Đồng Nai với những di vật, cảnh quan được trưng bày, phục dựng sống động. Mỗi phòng sẽ mang lại cho du khách những hiểu biết, góc nhìn thú vị về từng lĩnh vực với nội dung phong phú. Chẳng hạn như, tại Phòng Người Việt ở Đồng Nai được giới thiệu khá chi tiết về hơn 40 thành phần dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Bảo tàng Đồng Nai hiện trưng bày hơn 22 ngàn hiện vật và hàng ngàn tài liệu, đầu sách, băng đĩa, hình ảnh về lịch sử, con người Đồng Nai.

Theo chị Thủy, khi tham quan Phòng Trưng bày văn hóa người Việt, du khách sẽ tìm hiểu về những nét đặc trưng, điển hình về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, cụ thể về địa bàn quần cư, sinh hoạt vật chất, phương tiện đi lại, sinh hoạt sản xuất, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội văn hóa nghệ thuật, của người Việt ở Đồng Nai.

“Bảo tàng đã tái hiện khá chi tiết về địa bàn quần cư lâu đời của người Việt trên đất Đồng Nai, được thể hiện qua đặc trưng của văn hóa cư dân Nam bộ thường nằm ven sông rạch, ven sông Đồng Nai, các cù lao như: cù lao Phố, cù lao Rùa, cù lao Tân Triều, Bến Cá, Bến Gỗ... Những hiện vật trưng bày thể hiện sinh hoạt sản xuất nông nghiệp như: cối xay lúa, cối giã gạo, tổ hợp sàn gạo... Trong sinh hoạt hằng ngày như: ăn ở, nghỉ ngơi, tất cả gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, thể hiện văn hóa tâm linh, âm dương hòa hợp. Đây là những chi tiết quý giá được nhiều du khách lưu tâm, tham khảo thêm” - chị Thủy cho biết thêm.

Cùng với những trưng bày hiện vật và thông tin về vùng đất, con người Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc qua các cuộc kháng chiến và quá trình xây dựng đất nước, những đặc thù về kinh tế, xã hội đương đại của Đồng Nai, là nơi giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ trẻ.

* Ngắm bảo vật quốc gia trên đất Đồng Nai

Tháng 12-2021, trong 23 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận, Đồng Nai vinh dự có 2 bảo vật quốc gia là Qua đồng Long Giao (15 tiêu bản) và Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Theo tư liệu tại Bảo tàng Đồng Nai, Qua đồng Long Giao được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ học Long Giao (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ). Đây từng là địa danh nổi tiếng từ sau năm 1982, khi Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm được cả kho vũ khí đồng thau kiểu qua với 15 tiêu bản nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ, cùng 1 rìu đồng lưỡi trũng parabol trong khoảnh đất hẹp ở sườn Đồi 57, một miệng núi lửa cổ khá đẹp.

Tượng thần Vishnu Bình Hòa, bảo vật quốc gia được công nhận tháng 12-2021
Tượng thần Vishnu Bình Hòa, bảo vật quốc gia được công nhận tháng 12-2021

Thời điểm phát hiện, sưu tập Qua đồng Long Giao còn khá nguyên vẹn, chỉ một số tiêu bản bị gãy lưỡi nhưng không mất. Đa số bị phong hóa ngả màu xanh lục hoặc xám nâu. Các nhà nghiên cứu xác định bộ sưu tập có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III.

Theo sử sách, qua là tên gọi dùng để chỉ một loại vũ khí giáp chiến đánh gần thuộc hệ bạch khí trong lịch sử, nó còn được gọi là binh khí mũi nhọn (câu binh, chủng binh) với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc. Qua làm từ chất liệu đồng. Nhóm qua đồng phát hiện ở Long Giao được xem là loại vũ khí có tính năng sử dụng trong chiến đấu, đồng thời cũng có thể là loại vũ khí biểu trưng cho quyền uy, vị thế của người quan trọng (thủ lĩnh) trong cộng đồng.

Bảo vật quốc gia thứ 2 là Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Theo tư liệu, bảo vật được tìm thấy dưới đáy sông Đồng Nai, có niên đại hơn ngàn năm. Hiện tượng thần Vishnu Bình Hòa được trưng bày tại bảo tàng và được nhiều người đến chiêm bái.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan Nguyễn Thái Tường Vân cho biết, là đơn vị chuyên tổ chức các tour du khảo cho đối tượng học sinh, Bảo tàng Đồng Nai là một trong những điểm không thể thiếu cho các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Đây là điểm đến mà công ty duy trì từ nhiều năm nay kể từ khi triển khai tour du lịch cho các đối tượng học sinh, sinh viên cũng như các đối tượng khách du lịch khác trong và ngoài tỉnh.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều