Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội cho thí sinh

07:08, 06/08/2022

Khan hiếm nhân lực ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19 được xem là cơ hội để các cơ sở đào tạo thu hút người học và đầu tư nhiều hơn cho công tác đào tạo nhân lực ngành này. Đây đồng thời cũng là cơ hội để thí sinh có thêm lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Khan hiếm nhân lực ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19 được xem là cơ hội để các cơ sở đào tạo thu hút người học và đầu tư nhiều hơn cho công tác đào tạo nhân lực ngành này. Đây đồng thời cũng là cơ hội để thí sinh có thêm lựa chọn ngành nghề cho tương lai.

Tại Đồng Nai, nhóm ngành Du lịch khá đa dạng với nhiều nghề đào tạo ở cả 3 bậc học: trung cấp, cao đẳng và đại học.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chọn ngành Du lịch

Tiền thân là ngành Việt Nam học, từ năm 2018, Trường đại học Lạc Hồng đã đổi mã ngành thành ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trung bình, hằng năm trường tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu.

Đồng Nai hiện có nhiều trường đang đào tạo nhiều nghề phục vụ nhân lực cho ngành Du lịch. Các ngành nghề được đào tạo từ bậc sơ cấp đến đại học, mang lại nhiều cơ hội cho người học muốn tham gia thị trường lao động ngành Du lịch.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để trở thành nhân lực phục vụ ngành Du lịch, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường sẽ được trang bị khối kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về du lịch như: địa lý du lịch, kinh tế du lịch, marketing du lịch; các nền tảng về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội… của các vùng, miền trong nước và quốc tế. Sinh viên cũng được chuẩn bị kỹ các kỹ năng, nghiệp vụ như: kỹ năng hướng dẫn du lịch, thiết kế và quản lý tour, quản trị sự kiện du lịch, lễ tân, ngoại giao, truyền thông cho sự kiện…”.

Kế thừa nền tảng vững chắc từ ngành Việt Nam học, công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường đại học Lạc Hồng khá thuận lợi. Năm nay, trường tiếp tục tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành này.

Trường cao đẳng Hòa Bình  Xuân Lộc (H.Trảng Bom) hiện có Khoa Du lịch, đào tạo 4 nghề với hơn 300 chỉ tiêu/năm, gồm: quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, nghiệp vụ nhà hàng, hướng dẫn du lịch. Trong đó, nghề quản trị khách sạn có đào tạo bậc cao đẳng, các nghề còn lại hiện đang đào tạo bậc trung cấp.

Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai hiện đang đào tạo 2 nghề phục vụ nhân lực ngành Du lịch gồm: kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành là gần 200 học sinh. Hiện nay, cả 2 ngành này đều đào tạo bậc trung cấp.

Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) hiện có ngành Quản trị khách sạn. Sinh viên ngành này sẽ được đào tạo chuyên môn về: quản trị lễ tân, quản trị phòng, quản trị ẩm thực, quản trị nhân sự, quản trị khu resort, văn hóa ẩm thực cũng như kiến thức văn hóa khác nhau của nhiều vùng miền, quốc gia trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng hoặc các công ty du lịch lữ hành tại các bộ phận: quản trị tiền sảnh, quản trị phòng, quản trị nhà hàng, quản trị dịch vụ ẩm thực, quản trị quầy bar, quản trị kinh doanh, tiếp thị và chăm sóc khách hàng…

Ngoài các trường kể trên, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai và Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2 (đều ở TP.Biên Hòa) cũng có các nghề phục vụ ngành Du lịch như: chế biến thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng. Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2 còn đào tạo sơ cấp các nghề: nấu ăn tổng hợp, nghiệp vụ bàn, pha chế thức uống.

Hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo

Sau đại dịch Covid-19, nhân lực ngành Du lịch trở nên thiếu trầm trọng. Không những vậy, nhân lực ngành này hiện cũng tồn tại nhiều hạn chế như: chưa thực sự đạt chuẩn, thiếu nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao, thiếu nhân lực quản lý của ngành…

Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tham gia kiến tập tại khách sạn The Mira Central Park (TP.Biên Hòa)
Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tham gia kiến tập tại khách sạn The Mira Central Park (TP.Biên Hòa)

Nêu ý kiến tại hội thảo Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau Covid-19 được tổ chức vào tháng 5-2022 tại TP.HCM, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, các địa phương cần xem xét, rà soát, phát triển các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực du lịch đáp ứng xu thế du lịch mới và nhu cầu của khách du lịch; nâng cao năng lực cơ sở giáo dục tham gia đào tạo du lịch; đa dạng hóa các loại hình cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch, trong đó tập trung đào tạo nhân lực cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh.

Nhận rõ cần nâng cao chất lượng nhân lực trong bối cảnh hội nhập, ngay từ tháng 8-2019, Trường đại học Lạc Hồng đã ký kết hợp tác với khách sạn The Mira Central Park. Theo đó, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường sẽ được thường xuyên kiến tập, thực tập tại khách sạn 5 sao này. Bên cạnh đó, Trường đại học Lạc Hồng thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi thực tế, thực hành tại các điểm du lịch để sinh viên có cơ hội được học hỏi, nâng cao kỹ năng.

Hợp tác cùng doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ngành quản trị khách sạn cũng là giải pháp mà Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi đã thực hiện. Là thành viên của tập đoàn Thành Thành Công (TTC), Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức cho sinh viên trải nghiệm nghiệp vụ tại các khách sạn 3, 4 sao trong hệ thống. Sinh viên của trường cũng được tham gia học kỳ doanh nghiệp tại các hệ thống khách sạn chuyên nghiệp, thực hành tại các phòng thực hành đạt chuẩn đã được trường đầu tư.

“Tuy chưa phát triển du lịch nhưng nhu cầu nhân lực phục vụ ngành nhà hàng, khách sạn ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch hiện khá cao. Trường chúng tôi xác định sẽ phát triển đào tạo các ngành phục vụ du lịch. Trước mắt, chúng tôi xây dụng kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để đào tạo tốt 2 nghề hiện có”- ThS Lê Đình Thâm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) chia sẻ.

Hải Yến

Tin xem nhiều