Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để tái diễn nạn ăn xin ở Biên Hòa

09:08, 13/08/2022

Tình trạng trẻ em bồng bế nhau ùa ra đường, người già ngồi phơi nắng hay thanh niên quỳ chắp tay lạy người qua lại ở các ngã ba, ngã tư để xin tiền… đang khiến đô thị loại I như TP.Biên Hòa trở nên kém đẹp.

Tình trạng trẻ em bồng bế nhau ùa ra đường, người già ngồi phơi nắng hay thanh niên quỳ chắp tay lạy người qua lại ở các ngã ba, ngã tư để xin tiền… đang khiến đô thị loại I như TP.Biên Hòa trở nên kém đẹp.

Trẻ em bồng bế nhau ra đường để xin ăn ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Trẻ em bồng bế nhau ra đường để xin ăn ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Nhiều ý kiến bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai cho rằng, thực tế này không chỉ gây tai nạn nguy hiểm cho cả người ăn xin lẫn người đi đường mà còn gây mất an ninh trật tự, tạo nên những hình ảnh phản cảm.

* Tái diễn nạn ăn xin

Nhiều người đi đường dừng đèn đỏ ở ngã tư Amata (P.Long Bình), khu vực bồn nước Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hay đoạn gần cầu Sập (cùng trên quốc lộ 1) cảm thấy phiền phức khi bị một số người ăn xin, phần lớn là trẻ em ùa ra đeo bám xin  tiền. Đây là những giao lộ có nhiều phương tiện qua lại, tình hình giao thông phức tạp nên rất dễ xảy ra ùn tắc, va chạm giao thông.

Theo phản ảnh của nhiều BĐ, ở cầu Suối Quan, khu vực Cổng 11 (P.Long Bình) cũng tái xuất hiện một số người già, trẻ em đứng dưới lòng đường xin tiền. Hay tại chân cầu Hóa An (thuộc P.Hóa An) có một số đối tượng xin ăn chọn làm điểm “mưu sinh”, gây nguy hiểm cho bản thân họ và cản trở giao thông.

Theo Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa, có tới 80% người xin ăn xuất hiện trên địa bàn Biên Hòa là người ở nơi khác đến. Phần lớn những người này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng cũng có một số người lười lao động lại muốn có thu nhập. Nhiều trường hợp sau khi bị xử lý, giao về địa phương rồi vẫn đi ăn xin trở lại khiến tình trạng ăn xin vẫn tái diễn trên địa bàn.

Thậm chí có người vì muốn lấy lòng thương xót của người khác đã ngồi phơi nắng, quỳ lạy người qua đường để xin tiền. Hình ảnh này rất phản cảm. Đơn cử như tại giao lộ Nguyễn Ái Quốc - Phan Đình Phùng và đường vào Cổng 2 Biên Hòa (khu vực thuộc P.Trung Dũng), có một bà cụ ngoài 80 tuổi ngồi xin tiền giữa cái nắng chang chang của mùa hè. Có những hôm, người qua đường ái ngại khi thấy bà có biểu hiện mệt rũ rượi vì thời tiết nắng nóng. Tại khu vực trên, một thanh niên tầm tuổi 40 ngày nào cũng quỳ lạy xin tiền từ sáng đến trưa. Người này thường lạy phục sát đất để xin người qua lại thương hại.

“Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021, tình trạng xin ăn tái diễn tại nhiều giao lộ ở TP.Biên Hòa tạo nên một hình ảnh nhếch nhác, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Cần có giải pháp chấn chỉnh ngay tình trạng này” - BĐ Nguyễn Thị Phong, giáo viên về hưu ngụ P.Trung Dũng kiến nghị.

* Chấn chỉnh ngay từ cơ sở

BĐ Phạm Đình Cương (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, mỗi khi đến ngã tư Amata ông phải chạy chậm lại. Bởi đã có 2 lần, ông suýt tông phải một số trẻ em bất ngờ lao ở gầm cầu vượt Amata ra đường để xin tiền.

Một bà cụ hơn 80 tuổi thường ngồi ngoài nắng trên giao lộ Phan Đình Phùng - Nguyễn Ái Quốc và Cổng 2 (TP.Biên Hòa) để xin tiền
Một bà cụ hơn 80 tuổi thường ngồi ngoài nắng trên giao lộ Phan Đình Phùng - Nguyễn Ái Quốc và Cổng 2 (TP.Biên Hòa) để xin tiền

“Việc bắt các em ra đường để xin tiền không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ nhỏ mà còn là một hình thức bóc lột sức lao động của trẻ. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý vấn đề này để bảo vệ trẻ em và cũng bảo đảm cho giao thông được an toàn” - ông Cương cho biết.

BĐ Trần Thị Măng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng cho hay: “Bà cụ xin ăn tại giao lộ Nguyễn Ái Quốc - Phan Đình Phùng và đường vào Cổng 2 Biên Hòa cứ ngồi suốt ngoài nắng nên không ít lần bị say nắng mệt rũ, ngã ra cỏ, chúng tôi lại khiêng cụ vào chỗ mát. Bà cụ cho biết, bà là người già, neo đơn. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xác minh để đưa cụ vào trung tâm nuôi dưỡng người già, chứ cứ ngồi ngoài trời nắng nóng như vậy sợ sức khỏe của cụ không chịu nổi”.

Một thanh niên quỳ lạy người đi đường để xin tiền tại góc đường vào Cổng 2 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) trông rất phản cảm
Một thanh niên quỳ lạy người đi đường để xin tiền tại góc đường vào Cổng 2 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) trông rất phản cảm

Riêng về một số thanh niên còn trẻ, khỏe, lành lặn vì lười lao động mà quỳ lạy trên phố xin ăn, nhiều ý kiến BĐ đề xuất cần phải tìm hiểu và có biện pháp xử lý đúng quy định. Nếu là đối tượng thất nghiệp thì chính quyền địa phương nên hỗ trợ tìm việc cho những người này, còn là đối tượng tệ nạn xã hội thì cần đưa vào trại cai nghiện.

Để không tái diễn nạn ăn xin ở TP.Biên Hòa, BĐ Đặng Văn Đức (ngụ P.Tân Phong) cho rằng, hiện nay chủ yếu người xin ăn là ở địa phương khác đến, chính quyền phải thật xử lý kiên quyết như đưa họ trở lại nơi họ thường trú; những đối tượng giả người tàn tật, bệnh hiểm nghèo cần bị xử lý nghiêm. Về lâu về dài, cần có phương án hỗ trợ vốn, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng ăn xin sinh sống trên địa bàn để họ có điều kiện làm ăn, có thu nhập tự lo cho cuộc sống.

Phương Liễu


Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN: Đủ điều kiện sẽ được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Hiện trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng người lang thang xin ăn. Do công tác kiểm tra, xử lý những đối tượng này thuộc về các huyện, thành phố, xã, phường nhưng lâu nay Sở LĐ-TBXH vẫn phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương trong công tác xử lý người ăn xin trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng sau khi được địa phương kiểm tra, xử lý, phân loại nếu là người vô gia cư, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để nuôi dưỡng, chăm sóc; còn xác định được nơi cư trú thì chuyển trả về địa phương.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH: Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để giải quyết tình trạng ăn xin phức tạp, UBND TP.Biên Hòa vừa giao trách nhiệm cho Phòng LĐ-TBXH và UBND 30 phường, xã, yêu cầu tăng cường công tác giám sát và xử lý những trường hợp lang thang, cơ nhỡ, tiến hành phân loại đối tượng; tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân để tránh lòng tốt bị cá nhân trục lợi; yêu cầu các địa phương có giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

UBND TP.Biên Hòa cũng giao Công an TP.Biên Hòa tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn; theo dõi qua camera an ninh trên các trục đường chính, các giao lộ, vòng xuyến, nếu phát hiện có trường hợp người vô gia cư  ăn xin sẽ nhanh chóng báo cho công an địa bàn để phối hợp lý xử lý theo quy định.

Phó chủ tịch UBND P.Long Bình TRẦN VĂN THẮNG: Sẽ phối hợp để ngăn tình trạng ăn xin tái diễn

Trước nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông do tình trạng ăn xin ở ngã tư Amata, địa phương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý và mới đây đã bàn giao 4 trẻ em cho Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa để đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội dành cho trẻ em. Song, phần lớn đối tượng được xác định là có nơi cư trú, đưa trả về địa phương nhưng ít ngày sau lại xuất hiện tiếp tục hành nghề. Hiện UBND phường đề xuất Công an TP.Biên Hòa phối hợp địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều