Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích Long Giao với bảo vật quốc gia

08:09, 17/09/2022

Sau Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25-12-2021 của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam công nhận 23 bảo vật quốc gia; trong đó, Đồng Nai có 2 bảo vật quốc gia là: Qua đồng Long Giao (15 hiện vật) và Tượng thần Vishnu Bình Hòa.

Sau Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25-12-2021 của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam công nhận 23 bảo vật quốc gia; trong đó, Đồng Nai có 2 bảo vật quốc gia là: Qua đồng Long Giao (15 hiện vật) và Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Báo Đồng Nai cuối tuần số ra ngày 2-1-2022 có bài của tác giả Nguyễn Hồng Ân về Bảo vật quốc gia trong văn hóa Đồng Nai. Mới đây, có người hỏi: “Di tích Long Giao ở đâu? Những báu vật tìm thấy ở đó gồm những gì, có ý nghĩa gì?”. Câu hỏi trên được giải đáp bằng cách tham khảo sách Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai của Nguyễn Giang Hải - Huỳnh Văn Tới (NXB Đồng Nai, 2020).

 Một số tiêu bản của hiện vật Qua đồng Long Giao (Ảnh: CTV)
Một số tiêu bản của hiện vật Qua đồng Long Giao (Ảnh: CTV)

Long Giao là di tích khảo cổ tại khu đồi 57, tọa độ 10°49’27” vĩ độ Bắc - 107°46’06” kinh độ Đông, nay thuộc xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Khu đồi 57 là địa danh của vùng đồi núi khoảng hơn 400ha có dấu vết của núi lửa cổ, có thác nước tự nhiên, có sinh thái phù hợp với nơi cư trú của người xưa.

Từ năm 1982, ông Trần Văn Xí khi làm rẫy đã đào thấy nhiều lưỡi qua đồng, một rìu đồng và nhiều gốm vụn ở độ sâu 0,2m cách bề mặt hiện tại. Tháng 12-1982, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học và Bảo tàng Đồng Nai điều tra thám sát khu vực này thu được 16 lưỡi qua còn nguyên vẹn, 12 mảnh vỡ (4 mảnh đốc và 8 mảnh lưỡi) và 1 rìu đồng. Tháng 5-1984, trong đợt công tác tại H.Châu Thành (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phạm Đức Mạnh, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng đã thu được 2 qua nữa, nguồn gốc từ Long Giao.

Khoảng năm 1984, gia đình ông Võ Thảnh, người địa phương, phát hiện trong khu rẫy của mình nhiều hiện vật bằng đồng, trong đó có 2 con trút đồng, có lẽ là một cặp đực cái, con cái cõng hai con nhỏ trên lưng, tiếc là đã bị làm hỏng; chỉ còn lưu giữ được con đực, nặng 3,4kg. Gia đình ông Võ Thảnh bán dần số qua đồng, giữ lại con trút đồng trong nhà, cảm thấy có nhiều điều không may nên tặng lại cho Nông trường Cao su Cẩm Mỹ (Biên bản ông Võ Thảnh và  bà Lê Thị Mác giao nhận ngày 4-3-1987). Sau đó, bà Lê Thị Mác giao lại cho Bảo tàng Đồng Nai.

Từ năm 1984-1991, có nhiều cuộc đào trộm ở nhiều vị trí trong khu vực Khu đồi 57, có lần kẻ đào trộm thu được hơn 30kg đồ đồng, nhiều nhất là các loại sau này xác định là “qua đồng”. Số hiện vật đào trộm đã được bán phân tán theo giá đồng nát, có người địa phương còn giữ được một vài thứ làm lưu niệm.

Sau khi xem xét hiện vật trút đồng và qua đồng Long Giao, nhóm cán bộ khảo cổ gồm: Nguyễn Giang Hải, Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, Mariko Yamagata và Nishimura đến phòng truyền thống của Nông trường Cao su Cẩm Mỹ phát hiện thêm một số hiện vật gồm 2 qua đồng, 2 rìu đồng xòe cân, 1 thẻ đeo bằng đá, 3 rìu có vai do dân đào được và trao tặng nhà truyền thống của nông trường.

Đặc điểm chung của nhóm “qua” Long Giao là kích thước và trọng lượng của chúng rất lớn, toàn bộ hai mặt được trang trí văn hình học (tạo thành khung) tinh xảo, cân xứng, giống hệt nhau. Chúng có cấu tạo gồm ba phần rõ rệt: lưỡi, đốc, chuôi và có hai cánh khá cân xứng. Đốc và chuôi tương đối ổn định. Chuôi gần hình thang với các cạnh thẳng hay cong lõm, đốc giống hình dao thợ giầy với một cạnh thẳng, cạnh hợp thành lượn cong và mũi đốc nhọn. Lưỡi là bộ phận biến dạng nhiều nhất; góc lưỡi mở rộng, rìa lưỡi phía dưới phát triển dài theo cạnh cong của đốc, rìa trên của lưỡi ở nhiều chiếc phát triển dài tới mấu.

Với phát hiện Long Giao, lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam chứng kiến một sưu tập “qua” đồng đồ sộ, trang trí tinh xảo, kỳ lạ về dáng lưỡi, kích thước và trọng lượng như vậy. 19 “qua” đồng nguyên và hàng chục mảnh vỡ, theo những người trực tiếp phát hiện, chỉ là bộ phận nhỏ của hơn 70 tiêu bản được tìm thấy trong khoảnh đất rộng 5-6m2 (2,5-3x2m) trên khu đồi 57. Hiện tượng “qua” đồng dày đặc trong một khoảnh đất hẹp như vậy thật khó có thể là vết tích của mộ táng, dầu đó là nơi yên nghỉ của nhân vật có thế lực nhất cộng đồng. Theo các nhà chuyên môn, đây chính là một kho lưu giữ vũ khí của người cổ Đồng Nai.

Di tích Long Giao đã được công bố trong các sách tạp chí chuyên ngành khảo cổ. Nhà khảo cổ Phạm Đức Mạnh cho rằng niên đại của di tích này tương đương với nhóm di tích mộ chum ở miền Đồng Nai, khoảng nửa sau thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

 Sau qua đồng Long Giao, Bảo tàng Đồng Nai sẽ làm thủ tục đề nghị công nhận trút đồng là bảo vật quốc gia. Nhiều thanh niên, học sinh đã “phượt” tìm đến di tích Long Giao, tiếc là hiện tại không còn dấu vết gì. Có nhiều ý kiến đề nghị nên phục hiện di tích lịch sử văn hóa khảo cổ, ít nhất là một tiểu cảnh khắc ghi nơi đã tìm ra bảo vật quốc gia để lưu dấu di tích, cũng để kết nối du khảo với di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn gần đấy. Ý tưởng này khả thi, tại sao không?

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều