Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên hành trình khám phá Đông Nam bộ

08:10, 01/10/2022

Đông Nam bộ chỉ gồm 6 tỉnh, thành là Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM nhưng lại đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, đóng góp hơn 40% số thu ngân sách của cả nước. Đồng thời, địa hình cũng đa dạng vừa có đồi núi lại có biển, có 2 con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai chảy qua đã biến Đông Nam bộ trở thành cục nam châm thu hút dân cư từ mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, làm việc trong đó có cánh nhà báo.

Đông Nam bộ chỉ gồm 6 tỉnh, thành là Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM nhưng lại đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, đóng góp hơn 40% số thu ngân sách của cả nước. Đồng thời, địa hình cũng đa dạng vừa có đồi núi lại có biển, có 2 con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai chảy qua đã biến Đông Nam bộ trở thành cục nam châm thu hút dân cư từ mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, làm việc trong đó có cánh nhà báo.

Trao tặng học bổng cho học sinh nghèo H.Phú Riềng, tỉnh Bình Phước năm 2019
Trao tặng học bổng cho học sinh nghèo H.Phú Riềng, tỉnh Bình Phước năm 2019

* Lên rừng xuống biển

Bỏ lại sau lưng TP.HCM quá đông đúc, náo nhiệt, ồn ào, chỉ sau 3 giờ chạy xe ô tô, du khách đã có thể đến với những cánh rừng nguyên sinh của miền Đông Nam bộ ở Đồng Phú, Bù Gia Mập, Tà Thiết (Bình Phước) hay Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Và thêm khoảng 30 phút nữa thì khách có thể đặt chân đến những địa danh nổi tiếng như sóc Bom Bo, Bảo tàng chiến thắng Phước Long, núi Bà Rá, sân bay Lộc Ninh... Và chỉ với một ngày, một đêm thì du khách đã có thể có một chuyến đi dã ngoại vào rừng, ngủ đêm trong rừng để tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành và thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào dân tộc bản địa S’tiêng, Chơro.

Chúng tôi nhớ chuyến đi tìm về sóc Bom Bo - nơi ra đời ca khúc nổi tiếng một thời Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. 47 năm kể từ ngày đất nước giải phóng, sau những đợt di dân kinh tế mới có kế hoạch lẫn tự phát, sau những lần cây cao su, cà phê tăng giá mạnh, rừng tự nhiên giờ không còn ở Bù Đăng nên rất khó để tìm ra nơi ra đời bài hát. Nhưng nhất định không phải là chỗ có bảo tàng ở sóc Bom Bo bây giờ chỉ cách quốc lộ 14 khoảng 5km.

Cố gắng vượt qua con đường 10 phần lớn còn là đất đỏ bụi mù trời và dò hỏi qua nhiều người từng công tác ở Bù Đăng, qua những người là đồng bào dân tộc từng tham gia kháng chiến, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Điểu Ma Riêng (87 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND H.Bù Đăng). Nhà ông ở thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau (cách sóc Bom Bo hiện nay khoảng 15km), nơi xưa kia toàn là rừng tự nhiên của căn cứ Nửa Lon trong kháng chiến chống Mỹ.

Qua lời kể của ông, chúng tôi hình dung được cuộc sống chiến đấu gian khổ của đồng bào dân tộc một lòng theo cách mạng, trai gái dân tộc cùng bộ đội đốt đuốc giã gạo phục vụ chiến dịch. Cái khung cảnh ấy mới lãng mạn làm sao!

Và vừa lúc nhạc sĩ Xuân Hồng về đây thực tế, cùng ăn cùng ở với đồng bào, lấy chất liệu giai điệu âm nhạc truyền thống - từ tiếng trầm hùng của cồng chiêng cùng với ý tứ của bài thơ Ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon của tác giả Võ Hồng Sơn (Ban Chính trị Đoàn 2) đã giúp ông sáng tác thành công ca khúc.

Và chuyến đi gặp cho được nhân chứng từng sống cùng thời với sự ra đời của bài hát cũng có một chút buồn khi cách đây 25-30 năm, ông Điểu Ma Riêng từng đề nghị khoanh lại để bảo vệ khoảng rừng còn sót lại của căn cứ xưa với những cây gỗ sao đặc trưng làm di tích cho thế hệ sau nhưng trước làn sóng dân di cư tự do thì khu rừng di tích đã biến mất… 

Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ của Báo Sài Gòn Giải Phóng viếng Nghĩa trang Hàng Dương, H.Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tháng 7-2022
Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ của Báo Sài Gòn Giải Phóng viếng Nghĩa trang Hàng Dương, H.Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tháng 7-2022

Và cũng xuất phát từ TP.HCM, chỉ sau 2 giờ đi ô tô thì khách cũng có thể thỏa thích ngâm mình tắm biển Vũng Tàu. Nhưng trước khi xuống đến phố biển thì du khách có thể trải nghiệm rừng ngập mặn xã Long Sơn và thưởng thức thủy sản tươi ngon ở đây do ngư dân nuôi trong lồng bè trên 2 con sông Chà Và và sông Dinh.

Cũng từ đây, đi ngược lên thì sẽ gặp rừng ngập mặn rừng Sác (H.Nhơn Trạch) để hình dung ra nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, quý giá của khu vực miền Đông Nam bộ.

* Tình người miền Đông

Ở trên không gian thiên nhiên biển núi như vậy, người miền Đông thật dễ mến. Trên hành trình hơn 5 năm đã qua kể từ khi Báo Sài Gòn Giải Phóng lập Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ tại TP.Biên Hòa, chúng tôi thật may mắn khi được làm quen với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và hầu như ở địa phương nào khi đến làm việc chúng tôi cũng gặp được những con người chân chất.

Ngoài việc có một Bảo tàng chiến thắng Phước Long (ngày 6-1-1975) sống động thì thị xã này còn lưu luyến khách bằng tấm chân tình của anh Nguyễn Việt Hoàng, Phó chủ tịch UBND thị xã. Cùng là dân toán và có cách tư duy tương đối giống nhau nên chỉ sau vài ly bia thì giữa chúng tôi không còn khoảng cách. Và trước khi chia tay anh còn dặn là “nếu lên Phước Long công tác mà không điện thoại cho tôi thì tôi không chơi với bồ nữa!”. Không biết có phải vì có cái duyên kỳ ngộ hay không mà đây là địa phương Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức được một số lần công tác thiện nguyện giúp cho các em học sinh nghèo, khuyết tật của thị xã có thêm động lực vươn lên trong học tập.

Trao tiền của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng cho gia đình một hiệp sĩ ở H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai
Trao tiền của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng cho gia đình một hiệp sĩ ở H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Còn nhớ, trong một lần công tác ở tỉnh Tây Ninh, đích thân anh Nguyễn Thanh Ngọc, khi đó vừa lên chức Chủ tịch UBND tỉnh, đã đích thân chạy xe gắn máy đến tận khách sạn nơi anh em lưu trú để mời đi ăn bún nước lèo. Cử chỉ thân thiện của anh làm chính đồng nghiệp ở Tây Ninh bất ngờ. Và anh cũng là người dễ gần với phóng viên các báo, sẵn sàng trả lời các câu hỏi bất ngờ của phóng viên báo, đài. Trừ khi bận họp, còn thì anh luôn sẵn sàng giúp các nhà báo hoàn thành tin bài thời sự một cách nhanh nhất...  

Xuôi về Đồng Nai, địa phương được xem là trung tâm của cả vùng Đông Nam bộ về địa lý và văn hóa cũng có những con người đậm chất Nam bộ như trên. Trong đó phải kể đến anh Phạm Văn Hoàng (Trưởng ban Dân vận Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh). Nếu không bận họp thì anh sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho các anh em nhà báo đi cơ sở. Qua anh, chúng tôi có thể khai thác thêm kho tư liệu sống của anh vì anh có cha đi làm công nhân đồn điền cao su. Anh sinh ra và lớn lên ở đất Long Khánh nên có thể xem như “nhà Long Khánh học”. Chỉ nghe qua giọng cười đôn hậu của anh là hiểu anh không giận, không ghét ai lâu.    

Một người nữa mới gặp nhưng dễ kết thân là anh Ba Thọ (cán bộ tư pháp hộ tịch xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch). Anh cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất ngập nước Phước An - Long Thọ và từng có thời gian làm nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông Đồng Tranh, Đồng Kho (chảy ra sông Lòng Tàu) nên khi viết về sản vật của rừng ngập mặn thì phải có anh mới diễn tả được cái ngon của từng loại cá, con tôm ở đây. Nhờ đó, chúng tôi có nguyên liệu để viết nên một bài ký sự chất lượng để cung cấp cho bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Chính nụ cười đôn hậu, sự chân tình của con người miền Đông làm cho những người làm báo Đảng chúng tôi thêm yêu nghề và qua những lần gặp gỡ ấy chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng để đi tiếp trên hành trình khám phá vùng đất miền Đông gian lao anh dũng. 

Văn Phong

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích