Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh

07:11, 26/11/2022

Cuốn sách Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh của nhà báo ĐÀO DUY BÌNH (Báo Tuổi Trẻ) do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 11-2022 gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc bởi bản tường trình công phu, xúc động và góc nhìn nhân văn về những lao động Việt tha phương cầu thực.

Tập sách đầu tay của nhà báo Duy Bình
Tập sách đầu tay của nhà báo Duy Bình

Cuốn sách Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh của nhà báo ĐÀO DUY BÌNH (Báo Tuổi Trẻ) do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 11-2022 gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc bởi bản tường trình công phu, xúc động và góc nhìn nhân văn về những lao động Việt tha phương cầu thực.

Sách chứa những ghi chép về thảm kịch cách đây 3 năm, ngày 23-10-2019, khi thi thể 39 người Việt Nam bị chết trên đường tìm cách nhập cư vào nước Anh được phát hiện nằm trong 1 container tại hạt Essex, Vương quốc Anh. Trong vai trò một nhà báo đi tìm sự thật, tác giả Đào Duy Bình đã lật lại hồ sơ vụ việc gây chấn động dư luận bấy giờ bằng cuộc điều tra liên quốc gia, xuyên biên giới từ miền quê Hà Tĩnh, Nghệ An cho đến thành London hoa lệ. Anh không quên phản ánh về nỗ lực làm ăn sinh sống của cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài cùng những thân phận người trong nước tìm kế sinh nhai nơi xứ người bất chấp việc nhập cảnh chui và cư trú bất hợp pháp.

Tác giả ĐÀO DUY BÌNH là nhà báo, hiện là Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ sau nhiều năm theo lĩnh vực thể thao. Năm 2015, anh được tham gia chương trình Nhập cư & hội nhập do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức dành cho các nhà báo. Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh là cuốn sách đầu tay của nhà báo Duy Bình, được anh ấp ủ từ nhiều năm qua với 4 lần sang nước Anh (lần gần nhất năm 2022).

Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh chứa nhiều câu chuyện, nhân vật gây cảm động, đồng thời cũng để lại những nghĩ suy có phần xót xa như nội dung “Vết thương mãi rỉ máu” trong phần 4 “Vì sao nước Anh” trong tập sách. Dẫu vậy, tác giả có góc nhìn bình tĩnh và đầy tình cảm với những thân phận đời, đồng thời không quên ghi nhận những điều tích cực như cộng đồng người Việt nỗ lực giữ gìn nguồn cội, “tiếng nước tôi” ở xứ người, thắp lên niềm hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Tác giả Duy Bình đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc trao đổi xung quanh cuốn sách có đề tài khá riêng biệt trên thị trường sách.

* Tình cảm ngưỡng mộ kiều bào Việt

* Nguyên do từ đâu anh thực hiện tập sách có thể nói là đầu tiên viết về đời sống cộng đồng người Việt ở Anh với nhiều góc khuất, nhạy cảm… chưa nhiều người biết?

- Một trong những lý do chính để tôi đặt bút viết cuốn sách này đó là tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn hướng về gia đình, người thân, đồng bào, Tổ quốc của anh trai tôi và hàng triệu người nhập cư Việt Nam trên khắp thế giới.

Hiện có 80 ngàn người Việt sống tại nước Anh, trong số này có khoảng 2 ngàn người Việt sống bất hợp pháp. Dù có những trường hợp người Việt thành đạt, song nước Anh không phải là thiên đường dễ đến, dễ sống cho tất cả mọi người.

Ba má tôi có 3 người con, tôi là con út trong một gia đình nghèo. Khi chiến tranh kết thúc, ba tôi là thương binh hạng nặng (hạng 2/4). Cuộc sống gia đình tôi vào những năm đất nước còn ở giai đoạn bao cấp rất khó khăn. Năm 1988, anh trai tôi được Nhà nước tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Anh ấy nỗ lực lao động, làm việc, chắt chiu từng đồng để gửi về giúp đỡ gia đình, nhờ vậy cuộc sống gia đình chúng tôi đã tốt hơn. Tôi cũng có cơ hội hoàn tất đại học.

Tôi có cơ hội đi tác nghiệp ở nhiều nước và đến đâu cũng thấy đồng bào mình chịu thương, chịu khó, làm việc vất vả mà thương quá. Nhưng đằng sau những giọt mồ hôi nhỏ xuống là sự đóng góp rất lớn cho nước nhà về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức…

Tác giả tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Anh
Tác giả tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Anh

* Trong quá trình thu thập dữ liệu cho quyển sách, anh gặp thuận lợi lẫn khó khăn gì?

- Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến nước Anh khoảng năm 2010, khi đến ăn ở một nhà hàng Việt Nam ở thủ đô London, tôi có cơ hội trò chuyện với một anh quê ở Nghệ An làm việc trong nhà bếp. Trò chuyện một lúc mới biết anh đến Anh bằng con đường xe container, làm việc không có giấy tờ.

Anh ấy dặn: “Anh đừng chụp hình em và viết tên thật của em trên bài báo. Em không muốn ai biết về cuộc sống hiện tại của em”.

Người Việt mình sống và làm việc không giấy tờ bên Anh khá đông. Vì hoàn cảnh như vậy nên họ không muốn người khác biết thân phận của mình. Vì vậy, trò chuyện với họ rất khó. Đó là khó khăn lớn nhất khi thu thập chất liệu cho quyển sách.

Trong những lần đến Anh, điều may mắn là tôi được vợ chồng anh Trần Văn Sử và chị Lê Thị Mỹ Lệ - ông bà chủ sáng lập ra hệ thống nhà hàng miền Tây tại thủ đô London tạo điều kiện tối đa cho chuyện tác nghiệp, ghi chép công việc của nhân viên ở đây. Tôi được tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và trò chuyện với người lao động.

* Bạn đọc như tôi ấn tượng với chủ đề về tình đồng bào, nguồn cội và cưu mang trong sách. Là người viết những chủ đề trên, anh có mong muốn gì sau khi tập sách được ra mắt công chúng?

- Một trong những điều thôi thúc tôi kể những câu chuyện trong tập sách là thấy được tình cảm của những người xa xứ như anh Sử và chị Lệ dành cho đồng hương tha phương quá tốt, xem họ như người thân trong gia đình.

Tôi sẽ rất khó quên các chuyến đi miền Trung - nơi tôi gặp gỡ gia đình có người thân thiệt mạng trong sự kiện 39 người Việt tử nạn tại Anh năm 2019. Tôi đến Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn. Đã gần 3 năm sau khi thảm kịch xảy ra, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nước mắt vẫn rơi. Cuốn sách tôi viết từ tận đáy lòng là sự sẻ chia, đồng thời cũng mong muốn người Việt mình cân nhắc kỹ, đừng đến Anh hay bất cứ xứ sở nào bằng mọi giá để bắt đầu cuộc sống chui nhủi, bất hợp pháp… Đó là cái giá đắng cay.

* Xin cảm ơn anh!

Chị Mỹ Lệ chụp ảnh kỷ niệm cùng tài tử Hong Kong Châu Nhuận Phát
Chị Mỹ Lệ chụp ảnh kỷ niệm cùng tài tử Hong Kong Châu Nhuận Phát

Trong chương Tình đồng bào trong sách, tác giả DUY BÌNH kể câu chuyện về vợ chồng anh Trần Văn Sử và chị Mỹ Lệ ở London dành khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho các hoạt động từ thiện, nhất là ủng hộ tiền xây nhà tình thương, tình nghĩa tại Việt Nam, giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Duy Bình cho biết: “Đáng quý hơn, mặc dù sở hữu hệ thống nhà hàng trị giá hàng triệu bảng, nhưng vợ chồng anh Sử - chị Lệ chỉ ở ở căn hộ nhỏ kiểu nhà ở xã hội, ăn uống, sinh hoạt tiết kiệm. Chị Lệ nói rằng “muốn ưu tiên để dành tiền cho các hoạt động từ thiện ở Việt Nam” khiến tôi rất cảm động và cảm phục”.

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều