Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảo Thiềng Liềng: Đất mặn ấm tình người

10:02, 25/02/2013

Ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) từ lâu là một cù lao bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, điện lưới quốc gia chưa được kéo tới, là nơi đầu sóng ngọn gió. Ít ai ngờ rằng, giữa TP.Hồ Chí Minh sôi động phồn hoa lại có một cù lao nhỏ chỉ với hơn 200 hộ dân.

Ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) từ lâu là một cù lao bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, điện lưới quốc gia chưa được kéo tới, là nơi đầu sóng ngọn gió. Ít ai ngờ rằng, giữa TP.Hồ Chí Minh sôi động phồn hoa lại có một cù lao nhỏ chỉ với hơn 200 hộ dân.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại ấp đảo Thiềng Liềng.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại ấp đảo Thiềng Liềng.

Muối “đắng”

Từ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, phải mất một chuyến đò gần 1 tiếng đồng hồ mới ra tới đảo Thạnh An, và từ Thạnh An tiếp tục mất từng đó thời gian trên đò, len lỏi giữa những vạt rừng sác men theo cửa biển mới đến được cù lao Thiềng Liềng.

Theo người dân nơi đây kể lại, cách đây hơn 40 năm, có một chàng trai vừa mới hơn 20 tuổi cùng gia đình đã lênh đênh khắp các kênh rạch miệt Soài Rạp, Vàm Sát, Đồng Nai,… trên chiếc xuồng nhỏ, để rồi khám phá ra một hòn cù lao, dừng chân nơi đây lập nghiệp. Thời gian dần trôi, bây giờ trên đảo đã có hơn 200 hộ gia đình với gần 1 ngàn người sinh sống.

Cần Giờ có hơn 1.500 hécta đất làm muối, riêng ấp Thiềng Liềng có khoảng 400 hécta. 70% người dân ở Thiềng Liềng sống bằng nghề làm muối, họ chủ yếu đến từ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang…

Với 400 hécta diện tích làm muối, mỗi năm Thiềng Liềng sản xuất 20 ngàn tấn muối. Mùa làm muối bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Chị Nguyễn Thị Thiệt (35 tuổi, quê Gò Công, Tiền Giang), một người dân làm muối nơi đây, chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1 công muối, mỗi năm nhà tôi thu hoạch gần 2 ngàn giạ muối, trung bình một năm cũng thu được vài chục triệu đồng; nhưng sau khi trừ chi phí xăng dầu, nuôi ăn nhân công, thuê người gánh muối đi bán,… cũng ngót nghét chừng đó nên chủ yếu là lấy công làm lời”. Chị Thiệt trầm ngâm, nói: “Nghề này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, muối sắp thu hoạch chỉ một trận mưa nhỏ cũng trôi hết công sức. Cái nghề mát thì ở trong nhà, nắng chang chang, gay gắt thì phải ra đồng và làm 6 tháng nhưng để dành ăn 12 tháng”.

Ánh sáng về với Thiềng Liềng

Ông Võ Hoàng Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, cho biết: Cuộc sống của người dân Thiềng Liềng đang dần chuyển biến. Đảo đã có nước sạch được tàu của Công ty công ích huyện Cần Giờ chở đến bơm hàng ngày hai tiếng, tuy phải canh chờ mở nước nhưng vẫn đỡ vất vả hơn việc phải chắt chiu từng lon nước sạch như trước đây. Điện đã có điện mặt trời. Điện thoại cũng được nối sóng...

Ấp đảo Thiềng Liềng là nơi xa xôi, nghèo khó nhất TP.Hồ Chí Minh. Cả ấp có khoảng 200 hộ nhưng chỉ lèo tèo vài đứa trầy trật lắm mới theo học được đến THPT. Trên đảo hiện chỉ có duy nhất 1 trường mẫu giáo và tiểu học. Học sinh THCS phải vượt biển để qua Thạnh An đi học mỗi ngày. Con đường học hành của lũ trẻ Thiềng Liềng vô cùng gian khổ. Buổi sáng, lũ trẻ phải dậy từ 4 giờ sáng, mang theo nắm cơm nguội nấu từ tối qua lục tục đi bộ ra bến đò để qua xã đảo Thạnh An học. Hôm nào nước xuống thấp, tàu không cập sát bờ được, các em lại phải xắn quần lội sình lầy để lên tàu. Chính vì vậy, con đường đến trường của lũ trẻ Thiềng Liềng chẳng bao giờ liền đoạn.

Gần 40 năm nay Thiềng Liềng sống bằng đèn dầu, bằng máy phát điện; nhưng Thiềng Liềng xa xôi hẻo lánh quá, lại nằm lẩn khuất kênh rạch chằng chịt, điện lưới quốc gia cũng bó tay không về được. Mãi đến năm 2011, Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Năng lượng mới và phát triển nông thôn mới đề xuất kế hoạch xây dựng hệ thống điện mặt trời trên đảo. Dự án có tính khả thi cao, chi phí đầu tư thấp nên được người dân và chính quyền hết sức ủng hộ. Ngày 27-1-2011 đã trở thành ngày lịch sử với đảo Thiềng Liềng khi dự án được khánh thành đi vào sử dụng.

Đất mặn ấm tình người

Người dân trên đảo Thiềng Liềng phần lớn quê ở Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang,... Sẵn tâm hồn phóng khoáng và để chống chọi với cuộc sống đìu hiu trên đảo, người này truyền dạy cho người kia những lời ca tiếng hát, cho nên trên đảo bây giờ có rất nhiều “cây văn nghệ”.  Từ những ngư ông thất thập đến những đứa trẻ lên mười ở đây đều biết hát ca cổ.

Đảo mặn và nhiễm phèn nên không trồng trọt được, chăn nuôi cũng không xong và các thứ chở đến bán trên đảo đều đắt đỏ hơn đất liền. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng bà con trên đảo luôn gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Lo việc ăn học cho con em là việc vất vả hàng đầu của người dân Thiềng Liềng. Hầu hết người dân nơi đây đều có một mong ước giản dị là một ngày không xa, sẽ có một ngôi trường THCS, THPT trên đảo để các em học sinh nơi đây không phải hàng ngày vượt qua mênh mông biển nước để đến trường nữa.

Hoài Thương

 

 

Tin xem nhiều