Báo Đồng Nai điện tử
En

Mơ về một ốc đảo xanh

09:03, 12/03/2013

Một mảnh đất gần như bị xóa sổ, hàng chục hécta rừng đã bị khai thác trắng để phục vụ thủy điện nhưng giờ đây, cây đã đâm chồi nảy lộc, màu xanh thiên nhiên đã trở lại. Câu chuyện về sự hồi sinh của một ốc đảo xanh ở huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) kể lại giờ có người không tin là sự thật.

 

Một mảnh đất gần như bị xóa sổ, hàng chục hécta rừng đã bị khai thác trắng để phục vụ thủy điện nhưng giờ đây, cây đã đâm chồi nảy lộc, màu xanh thiên nhiên đã trở lại. Câu chuyện về sự hồi sinh của một ốc đảo xanh ở huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) kể lại giờ có người không tin là sự thật.

Đoàn viên thanh niên trồng cây.
Đoàn viên thanh niên trồng cây.

Trước năm 2003, huyện Bù Đốp có khoảng 12 ngàn hécta rừng. Nhưng gần 10 năm nay, với chủ trương chuyển đổi đất rừng trồng cao su của tỉnh Bình Phước, Bù Đốp đã mất gần 7 ngàn hécta rừng. Việc khôi phục lại những cánh rừng tự nhiên để bảo vệ môi trường, nguồn sống và triển khai các hoạt động du lịch sinh thái cho địa phương đang đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Từ chốt kiểm lâm, trên chiếc ca-nô chúng tôi hướng về ốc đảo thuộc Tiểu khu 72 (xã Phước Thiện). Hồ Cần Đơn mùa này nước trong xanh, ca-nô rẽ sóng trắng xóa. “Khoảng 10 phút nữa là tới”, anh Lương Tùy Lũy, cán bộ kiểm lâm Bù Đốp, chỉ tay về khoảnh rừng mờ mờ trước mặt và nói.

Ca-nô tắt máy, neo lại gần con rạch nhỏ đường lên ốc đảo. Ông Nguyễn Văn Ách (Bảy Ách), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, bước nhanh xuống mũi ca-nô hướng dẫn chúng tôi vào rừng. Gió thổi nhẹ, không khí thật trong lành, trước mặt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của lồ ô. Ốc đảo có khoảng 50 hécta, trước đây bị khai thác trắng phục vụ thủy điện Cần Đơn. Nhiều cá nhân, đơn vị đã xin trồng cao su, nhưng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp xin giữ lại để khoanh nuôi, bảo vệ. Sau 3 năm nỗ lực, giờ đây hệ động thực vật lại sinh sôi nảy nở. Trên 7 ngàn cây sao, dầu và tràm nước được trồng mới.

Ngày nào anh em kiểm lâm cũng đi tuần trên đảo để ngăn chặn kịp thời nhiều người dân địa phương lên chặt lồ ô, hái măng. Ông Bảy Ách cho biết: “Qua tuyên truyền đã có một số người dân, ở ấp Thiện Cư xã Thiện Hưng tự nguyện vào trồng rừng”.

Hiện trên ốc đảo, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã cho xây dựng hàng chục ngôi nhà bằng lá, lán trại bằng lồ ô dọc lòng hồ Cần Đơn. Nếu đến đây, ngồi trong những ngôi nhà du khách có thể quan sát rừng và hồ. Ở rừng Bù Đốp, ngoài rừng xanh còn có hơn 1 ngàn hécta rừng khộp. Hệ thực vật ở đây còn có những cây dầu đồng hàng trăm năm tuổi. Tất cả sẽ góp vào một dự án du lịch sinh thái rừng liên hoàn trong tương lai: rừng xanh đầu nguồn, rừng khộp và khu bảo tồn rừng trên ốc đảo và sông Đắk Huýt, hồ Cần Đơn.

Mới đây, trong chuyến đi khảo sát 10 ngàn hécta rừng Bù Đốp - Bù Gia Mập nằm trong dự án phát triển du lịch sinh thái, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, đại diện các sở, ban, ngành đã lên thăm ốc đảo này. Nhiều cán bộ lãnh đạo trong đoàn đã thể hiện niềm vui khó tả khi nhìn lại những cây rừng do chính tay mình trồng lưu niệm cách nay 3 năm.

Theo ước tính, khoảng 20 năm nữa rừng này sẽ tái sinh như trước. Anh Nguyễn Quang Hậu, cán bộ kiểm lâm tâm sự: “Ngoài nỗ lực của anh em, chúng tôi rất mong được sự giúp sức của các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền mới mong giữ được rừng”.

Đức Trọng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều