Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ câu chuyện tê tê về rừng...

08:05, 07/05/2013

Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (CPCP) Việt Nam, vừa qua, một cá thể tê tê Java - một trong những loài động vật quý hiếm bị khai thác nhiều nhất ở Đông Nam Á - vừa được thả về Vườn quốc gia Cát Tiên.

 

Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (CPCP) Việt Nam, vừa qua, một cá thể tê tê Java - một trong những loài động vật quý hiếm bị khai thác nhiều nhất ở Đông Nam Á - vừa được thả về Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đây là một trong 6 con tê tê Java được phục hồi sau khi tịch thu được từ các vụ săn bắt, buôn bán trái phép. Con tê tê này sẽ được theo dõi trong khoảng 10 tháng hoặc đến khi thiết bị theo dõi gắn vào tê tê ngừng hoạt động.

* Giúp tê tê “tái hoà nhập”

Đây là lần đầu tiên, tê tê Java được thả lại vào Vườn quốc gia Cát Tiên có theo dõi giám sát bằng thiết bị điện tử. Các nhà khoa học hy vọng kết quả thu được từ dự án này sẽ mở ra những hướng đi hiệu quả hơn cho các hoạt động trả động vật quý hiếm về tự nhiên trong tương lai, cũng như việc củng cố quần thể loài tê tê vốn đang bị cạn kiệt.

Các cá thể tê tê Java này sau khi được tiếp nhận cứu hộ, phần lớn không còn lành lặn vì các vết thương do bị bẫy bắt, bị mất nước, bị đói, ngoài ra còn mang mầm bệnh. CPCP đã mất nhiều thời gian và công sức để chữa lành vết thương và diệt mầm bệnh trước khi trả về rừng.

Ông Trần Quang Phương, người quản lý dự án CPCP, cho biết: “Trước khi trở về đời sống tự nhiên, những cá thể động vật này đã được chăm sóc, theo dõi sát sao về tập tính hoạt động và tình trạng sức khỏe trong vòng một tháng ở khu chuồng tập huấn tại Vườn quốc gia Cát Tiên”.

Rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên có độ che phủ rậm rạp và có đầy đủ nguồn thức ăn (như: tổ kiến, tổ mối và nhiều hốc cây) rất thuận lợi cho tê tê Java sinh sống. Tuy nhiên, các điều kiện ấy chỉ được xác định dựa vào kết quả của những cuộc điều tra thực địa, cho nên để đảm bảo sự tồn tại của động vật, các nhà khoa học vẫn cung cấp thêm thức ăn trong 2 tuần đầu tiên.

Các dữ liệu thu thập được từ dự án thả tê tê vào rừng này sẽ góp phần vào công tác quản lý và bảo tồn tê tê Java trong tương lai, cũng như những thông tin liên quan đến công tác cứu hộ và phục hồi loài động vật quý hiếm này.

* Đừng vì phong trào

Câu chuyện thả tê tê vào rừng cho thấy, việc cứu hộ động vật hoang dã không dễ dàng, cần có cách làm khoa học. Các nhà khoa học cho rằng, nhiều trường hợp động vật được thả vào rừng nhưng lại không sống được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân động vật không còn khỏe mạnh, lành lặn; bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh; sinh cảnh sống không phù hợp...

Tê tê Java được liệt kê trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) là “nguy cấp trên toàn cầu”. Tê tê bị săn bắt để tiêu thụ trong nước và buôn bán sang Trung Quốc để làm thịt và thuốc Đông y. Nạn phá rừng hiện nay cũng làm loài tê tê bị đe dọa mất môi trường sống.

Một nhà khoa học cho biết, lâu nay, một số đơn vị đã tiến hành thả tê tê tịch thu vào tự nhiên mà không tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện và theo dõi giám sát sau khi thả. Vì thế, không ai biết chắc các cá thể được thả có sống được hay không. Thậm chí, trong một số trường hợp, động vật được thả vào rừng còn có thể gây nguy hại đến quần thể hoang dã do đã mang mầm bệnh.

Việc đưa trở lại nơi sinh sống tự nhiên như trên là hình thức luân chuyển động vật từ một nơi sống này đến một nơi khác nhằm mục đích bảo tồn, vì thế cần được tuân thủ các quy định của nhà nước và cần có cách làm khoa học vì môi trường, vì tương lai.

Lâu nay, việc thả động vật về lại rừng vẫn thường xuyên được cơ quan kiểm lâm và các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thả rắn, rùa, ba ba… đã không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đôi lúc, những đợt thả thú hoang dã về rừng còn rất “phong trào”, nặng yếu tố truyền thông nhưng ít chú trọng hiệu quả môi trường.

Hương Thu

 

 

 

 

Tin xem nhiều