Ngày 26-10, Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo khoa học về những tác động môi trường của dự án (DA) Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Dự hội thảo có 60 đại biểu gồm 20 nhà khoa học, cùng đông đảo các nhà quản lý và phóng viên báo chí.
Dự án Đồng Nai 6 và 6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Đây là DA nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung ngày 14-10-2009. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với DA này, diện tích đất rừng bị mất do xây dựng hồ tích nước khoảng 372 hécta, trong đó có 137 hécta thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
* Tác động xấu đến môi trường
Thủy điện Đồng Nai 6 có vị trí xây dựng thuộc xã Hưng Bình, huyện Đăk RLấp (tỉnh Đak Nông) và xã Đồng Nai thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), công suất lắp máy đạt 135MW thuộc danh mục công trình vận hành vào năm 2015. Còn thủy điện Đồng Nai 6A nằm trên địa bàn xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước) và xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), công suất lắp máy đạt 106MW, công trình sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: T. NGUYÊN
Đánh giá về những tác động nhất định đối với môi trường và nguồn nước sông Đồng Nai, các nhà khoa học đã bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng xấu, một khi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng. Đáng lưu ý là khi triển khai thực hiện DA, quá trình mở đường giao thông, khai thác đá, thi công và vận hành công trình; cộng với đời sống sinh hoạt của đội ngũ công nhân xây dựng trên công trường sẽ gây xáo trộn đến nguồn tài nguyên sinh thái rừng. Mặt khác, khi DA hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác, chắc chắn có tác động đến dòng chảy của sông Đồng Nai, nhất là vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, việc triển khai DA cũng đặt ra hàng loạt vấn đề quan trọng khác, như: công tác điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp thoát nước của các tỉnh hạ nguồn sông Đồng Nai.
Khẳng định quan điểm của mình, Giám đốc VQG Cát Tiên Trần Văn Thành nhận định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của DA chưa được nghiên cứu kỹ, chưa điều tra tổng thể về chi tiết các loài thú đặc biệt quan trọng nằm trong sách đỏ; đồng thời không nắm rõ tập quán đời sống người dân địa phương, nhất là người bản địa dọc sông Đồng Nai. Do vậy, quá trình thi công, tiếng nổ của mìn phá đá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các loài thú quý hiếm, đặc hữu trong phạm vi bán kính 40km thuộc công trình thủy điện. Theo ông Thành, VQG Cát Tiên không chỉ là khu rừng đặc dụng, mà còn là khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận. Cuối tháng 9 vừa qua, VQG Cát Tiên đã lập hồ sơ lần hai đệ trình UNESCO để được xem xét, công nhận là di sản thiên nhiên Thế giới. Tuy nhiên, từ việc quy hoạch, lập DA cho đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây bất lợi cho VQG về danh hiệu này.
* Sông Đồng Nai bị đe dọa
Nói về những tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến sông Đồng Nai và cuộc sống của người dân ở phía hạ lưu, ông Mai Trung Ý (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai) cho biết, hệ thống sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông. Tính từ hồ thủy điện Trị An trở lên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 13 trạm bơm thuộc công trình thủy lợi, diện tích được tưới trên 2,6 ngàn hécta; sau hạ lưu đập thủy điện Trị An có 17 trạm bơm tưới trên 1,2 ngàn hécta. Vì vậy, DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng và vận hành khai thác thì việc điều phối nước trong mùa khô sẽ gặp khó khăn, nhất là tại những đoạn sông cạn, đi qua địa bàn hai huyện Tân Phú, Định Quán. Khi lượng nước về hạ lưu ít, chắc chắn công tác tưới tiêu của các trạm bơm sẽ không thuận lợi như trước. Trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, tại khu vực hồ Trị An hiện có 678 bè cá; TP.Biên Hòa 864 bè; huyện Long Thành nuôi thâm canh cá, tôm trên diện tích 244 hécta và Nhơn Trạch cũng nuôi theo hình thức tương tự với 1.457 hécta. Sau này, lượng nước từ thượng nguồn đổ về không nhiều, chất lượng nước bị ô nhiễm thì việc nuôi trồng thủy sản khó có thể phát triển.
Cùng nhận định như ông Ý, ông Nguyễn Tất Độ (Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai) lo lắng, nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đi vào hoạt động, nước trong đập sẽ lên đến 250 mét so với mực nước biển thì nhiều khu rừng sẽ bị nhấn chìm. Nhưng tại vùng hạ lưu lại thiếu nước, dòng chảy sông Đồng Nai bị thay đổi, chất lượng nước giảm, các loại thủy sinh không có điều kiện phát triển, các loài cá bị hạn chế di chuyển dễ dẫn đến tuyệt chủng. Theo ông Độ, thời gian qua, UBMTTQ tỉnh nhận được nhiều đơn thư của nhân dân kiến nghị về những điều đáng lo ngại, làm xáo trộn đến cuộc sống người dân sau này, một khi DA thủy điện này được xây dựng. Qua đó, nhiều người đề nghị Nhà nước nên xem xét lại DA…
Tại hội thảo, chỉ duy nhất ý kiến của PGS - TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên khẳng định, hệ thống thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đồng Nai và cũng không phải nguyên nhân làm gia tăng nhiễm mặn đối với vùng hạ lưu sông. Trái ngược ý kiến của ông Phước, ông Lâm Đình Huy (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ có ảnh hưởng xấu, tác động trực tiếp đến dòng sông và cuộc sống người dân sinh sống phía hạ nguồn dòng sông.
Tạ Nguyên