Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh ô tô nhập khẩu: Salon nhỏ trước nguy cơ phá sản

09:11, 09/11/2011

Sau gần 5 tháng thực hiện Thông tư 20 của Bộ Công thương với nhiều nội dung nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ, giảm nhập siêu cho nền kinh tế, đến nay, nhiều salon ô tô kinh doanh xe hơi nhập khẩu tại Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ phá sản…

Sau gần 5 tháng thực hiện Thông tư 20 của Bộ Công thương với nhiều nội dung nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ, giảm nhập siêu cho nền kinh tế, đến nay, nhiều salon ô tô kinh doanh xe hơi nhập khẩu tại Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ phá sản…

Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe mới phải đáp ứng các điều kiện: có giấy ủy quyền của hãng sản xuất hoặc được quyền phân phối, sở hữu thương hiệu hàng hóa đó; DN phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và phải nộp kèm giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - vận tải cấp.

 * Chỉ còn bán xe tồn kho

Ở thời điểm giữa tháng 6-2011, trước khi Thông tư 20 có hiệu lực, nhiều công ty chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu trên phạm vi cả nước đã ý thức rất rõ, với những điều kiện “khó như lên trời” của Thông tư này, nguồn hàng của họ sẽ bị chặn đứng và quyền nhập khẩu sẽ rơi vào tay một số DN lớn.  Chính vì vậy, với nhiều nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu tự do thì đây là thời điểm khó khăn nhất trong 2 - 3 năm trở lại đây. Trong khi các cơ sở xe chính hãng dù tình hình khó khăn chung nhưng vẫn duy trì được lượng khách hàng khá ổn định, song nhiều đại lý xe hơi nhỏ lẻ góp mặt ở “phố xe hơi” (xa lộ Hà Nội, đoạn từ Tam Hiệp đến Hố Nai) hiện đang “dở sống dở chết” sau khi Thông tư 20 chính thức có hiệu lực.

Nhiều salon xe hơi nhỏ kinh doanh xe nhập khẩu đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: VI LÂM
Nhiều salon xe hơi nhỏ kinh doanh xe nhập khẩu đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: VI LÂM

Khảo sát một số salon kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.Biên Hòa chúng tôi được biết, mấy tháng nay hầu hết những địa chỉ này đang cố gắng bán lượng hàng tồn kho từ trước. Riêng xe mới từ nước ngoài hầu như không có vì DN không còn quyền nhập khẩu. Tuy vậy, sức mua hiện nay cũng rất yếu vì nhiều lý do: giá xe tăng 5 - 10%; lãi suất ngân hàng cao… Thậm chí, một số salon nhỏ tạm ngưng hẳn hoạt động mua bán. Chúng tôi hiện chưa biết “đi đâu về đâu” vì các đường làm ăn vạch ra từ trước khi có Thông tư 20, như tìm nguồn xe nhập hoặc chuyển sang buôn bán xe đã qua sử dụng… đều không khả thi. Do đó, khó lòng hợp tác với đối tác có quyền nhập khẩu xe 4 bánh vì mỗi đơn vị hầu hết chỉ nhập được một thương hiệu xe, trong khi kinh doanh sản phẩm cần đa dạng thương hiệu, kiểu dáng, giá tiền… Còn kinh doanh xe đã qua sử dụng thì “khó ăn” vì giá xe nhập về Việt Nam cao hơn giá xe mới trước đây”. Giám đốc một salon ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa nói.

* Trong “vòng vây” chi phí, lãi suất

Anh Hiệp, chủ salon H.L.P (xa lộ Hà Nội, phường Hố Nai) chuyên kinh doanh xe hơi nhập khẩu cho biết, không ít salon xe hơi tư nhân đang bế tắc vì xe nhập khẩu trước đây vốn là “nồi cơm” của họ. Trong khi kinh doanh phải chi phí lớn, xe tồn kho bán không chạy, xe mới không được nhập. Thời điểm này, salon nào sử dụng vốn tự có, hoặc dựa vào mặt bằng của gia đình thì còn “nhẹ gánh”, còn lại khi phải thuê mặt bằng và trông vào nguồn vốn ngân hàng thì coi như “đi đứt”.

Anh H., giám đốc Công ty TNHH H.H.T ở khu vực ngã tư Tam Hiệp tâm sự, cũng như nhiều trường hợp khác, DN của anh hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn về các khoản chi đầu tư, thế nhưng xe không có để bán. Còn đường chuyển sang kinh doanh xe đã qua sử dụng coi như phải khép lại. “Chẳng hạn, một chiếc Camry mới dòng XLE của hãng Toyota nhập khẩu nguyên chiếc, trước đây chưa tới 80 ngàn USD, song ngay lúc này xe cũ chạy được 25 ngàn km, về đến Việt Nam có giá khoảng 86 ngàn USD. Nếu tính chi li, một khi bỏ quá nhiều tiền cho một chiếc xe đã qua sử dụng sẽ làm người tiêu dùng cân nhắc…” - anh H. bức xúc. Thực tế, hiện vẫn có một số nhà nhập khẩu lớn hoặc các công ty nắm trong tay quyền phân phối xe chính hãng tại thị trường Việt Nam, được cơ quan chức năng cấp phép nhập khẩu, nhưng khi thị trường hẹp lại thì giá sẽ tăng, khó bán. Thêm vào đó, bản thân DN nhỏ cũng khó tìm được đầu mối để mua gom hàng theo đúng nhu cầu, nhất là khi phải trực tiếp cạnh tranh với các “ông lớn” giữ quyền nhập khẩu.

Tương tự, giám đốc một công ty chuyên bán xe nhập khẩu trên “phố xe hơi” ở Biên Hòa cho biết, anh đang phải cầm cự từng ngày do không có xe bán, chưa tìm được nguồn hàng, trong khi lãi suất ngân hàng đều đặn mỗi tháng hơn 100 triệu đồng. Đây cũng là tình trạng chung của salon xe hơi nhỏ lẻ đang cố gắng “bám rễ” trên con phố xe hơi nhộn nhịp này.

Vi Lâm


 

 

 

Tin xem nhiều