Báo Đồng Nai điện tử
En

Xoay trở kiếm đơn hàng

10:09, 23/09/2013

Trong lúc bức tranh kinh tế còn những gam màu xám, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ đã cố tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn. Không ít DN đã tìm cho mình lối đi riêng mang lại hiệu quả.

Trong lúc bức tranh kinh tế còn những gam màu xám, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ đã cố tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn. Không ít DN đã tìm cho mình lối đi riêng mang lại hiệu quả. 

Càng khó khăn, các DN càng lùi về thế thủ để đảm bảo độ an toàn. DN đang phải “ngụp lặn” trong khó khăn, tuy vậy cũng có những DN đã mạnh dạn đầu tư để bứt phá.

* Đầu tư chuyên nghiệp

Hết 6 tháng đầu năm 2013, anh Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh, chuyên sản xuất drap, gối và nệm ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) không khỏi “choáng váng” khi doanh thu giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2012. Thời điểm này, giữ được doanh thu bằng năm ngoái cũng đã khó, mục tiêu xây dựng tăng trưởng 10% năm 2013 so với năm 2012 của DN xem như “bất khả thi”.

Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).
Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).

Khảo sát các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm của mình ở hơn 20 tỉnh, thành từ miền Trung trở vào, được nghe hàng không bán được, anh Linh càng bất an. Anh cũng đã tính đến phương án đưa hàng ra nước ngoài tiêu thụ ở các thị trường lân cận, như: Lào, Campuchia và Myanmar để gánh cho phần trong nước bị sụt giảm.

Những chuyến xuất ngoại để khảo sát thị trường xem ra cũng không gặt hái được nhiều. Anh Linh quyết định chi hẳn 1 tỷ đồng để thuê nhà tư vấn khảo sát và đánh giá thị trường ngành hàng của mình  đâu là điểm mạnh, điểm yếu để có phương án đầu tư phù hợp. Sau khi nhận được kết quả của nhà tư vấn, anh có sự đầu tư khá táo bạo là thay đổi phương án sản xuất từ làm hàng trung cấp chuyển sang làm hàng cao cấp, cạnh tranh trực diện với các sản phẩm nệm chất lượng cao nhập khẩu từ nước ngoài.

Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nhiều DN đã khai thác được tối đa thế mạnh của mình để giữ ổn định sản xuất. “Thời gian gần đây, Hiệp hội thường xuyên tổ chức gặp gỡ và cập nhật các thông tin mới cung cấp cho hội viên để các DN có thể tìm cơ hội  phát triển” - ông Tuấn nói.

Qua hơn 2 tháng triển khai, doanh thu của công ty tăng trở lại và bằng với cùng kỳ năm ngoái. “Trước đây DN vẫn né việc cạnh tranh với hàng cao cấp nước ngoài nên dòng sản phẩm này không tập trung sản xuất mà đánh mạnh vào dòng hàng trung bình và khá. Đến khi kinh tế khó khăn, các DN khác cũng tập trung vào dòng sản phẩm này để dễ bán hơn nhằm duy trì sản xuất, dẫn đến cung vượt quá xa mức cầu, ế càng thêm ế. Tôi nghĩ đây là cơ hội để hàng cao cấp của DN có thể chen chân được” - anh Linh chia sẻ. Theo đó, khách hàng hiện đang giảm chi tiêu nhưng vẫn muốn có được hàng đẹp và tốt, trong khi đó hàng cao cấp của nước ngoài giá bán khá cao. Khi bán hàng, DN cũng cần trình bày với các đại lý để tăng độ hiểu biết về sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Trí Đức Thắng sản xuất khuôn ép đế giày ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) dù còn khá khó khăn, nhưng ông Chủ nhiệm Phạm Văn Thơ vẫn quyết định đầu tư gần 10 chiếc máy CNC (máy tiện điều khiển bằng vi tính) để đáp ứng những loại hàng phức tạp. Ông Trí cho biết, có những bộ khuôn tới 3 chiếc chồng lên nhau rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác phải cao, đặc biệt là làm khuôn ép đế cho các công ty sản xuất giày thể thao nhãn hiệu Nike hoặc Adidas. Nhờ đầu tư kịp thời để đáp ứng những đơn hàng khó mà HTX Trí Đức Thắng đã duy trì tốt việc làm.

* Khai thác thế mạnh

Anh Lê Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Tân Thành Mỹ (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), chuyên làm đồ gỗ xuất khẩu, cho hay sang năm 2013, anh đã ngưng những hợp đồng gia công hàng cho các DN lớn ở tỉnh Bình Dương để tự làm hàng xuất khẩu trực tiếp. Trước đây, công ty sản xuất các sản phẩm, như: giường, tủ, bàn ghế cho thị trường Mỹ. Nhưng hiện nay công ty sản xuất các sản phẩm, như: móc quần áo, khung ảnh, kệ treo tường xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Sản xuất sản phẩm gốm tại Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt (TP.Biên Hòa). Ảnh: V. NAM
Sản xuất sản phẩm gốm tại Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt (TP.Biên Hòa).

Anh Mỹ tính toán, xuất khẩu các sản phẩm này tuy ít có những đơn hàng lớn, nhưng lợi nhuận lại tốt hơn nhờ tận dụng được nguồn gỗ vụn từ các DN sản xuất đồ mộc.

Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất gốm được xem là khó khăn hơn cả, nhưng khi tìm được đường đi phù hợp thì vẫn có điều kiện phát triển tốt. Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt là một điển hình. Trong khi làng gốm đang gặp nhiều khó khăn thì DN vẫn làm không hết việc. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc công ty, cho biết DN chọn phát triển sản phẩm theo dòng gốm trang trí có tính mỹ thuật cao, tạo hướng riêng có hiệu quả.

Vân Nam

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích