Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân "khóc ròng"vì phà ngưng hoạt động

11:12, 04/12/2013

Hơn nửa tháng nay, nông sản của hàng ngàn hộ dân tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) chịu cảnh tồn ứ, mất giá do chiếc phà vận tải hàng hóa duy nhất của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai ngưng hoạt động.

Hơn nửa tháng nay, nông sản của hàng ngàn hộ dân tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) chịu cảnh tồn ứ, mất giá do chiếc phà vận tải hàng hóa duy nhất của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai ngưng hoạt động.

Để giao thương với thị trường bên ngoài, người dân chỉ còn cách phân chia nông sản thành những lô hàng nhỏ lẻ, tuồn lên các phà chở khách mặc cho nguy cơ chìm phà, lật phà luôn rình rập.

* Tiến thoái lưỡng nan

Bến phà 107 Thanh Sơn là một trong những bến phà có thâm niên hoạt động trên 30 năm và được đánh giá là bến phà trung tâm, giúp hơn 29 ngàn nhân khẩu xã Thanh Sơn đi lại. Bến phà khách được Sở Giao thông - vận tải cấp phép cho Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai đứng ra quản lý và khai thác. Tuy nhiên khoảng nửa tháng nay, chiếc phà vận tải hàng hóa duy nhất có tải trọng hơn 50 tấn của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai bỗng ngưng hoạt động khiến người dân khốn đốn.

Phà vận tải trên 50 tấn chuyên vận chuyển hàng hóa của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai nằm bất động hơn nửa tháng nay. Và hàng chục tấn nông sản tại cơ sở của bà Lê Thị Thanh (ấp 1, xã Thanh Sơn) bị ứ đọng do không xuất được ra ngoài (ảnh nhỏ).
Phà vận tải trên 50 tấn chuyên vận chuyển hàng hóa của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai nằm bất động hơn nửa tháng nay.

Bà Lê Thị Thanh (51 tuổi) ngụ ấp 1, là chủ cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn xã Thanh Sơn. Để duy trì việc kinh doanh, mỗi ngày xe có tải trọng 4 tấn của gia đình bà phải ra - vào đổ hàng từ 3 - 4 lượt. Từ ngày phà lớn ngưng hoạt động đến nay, việc kinh doanh của bà cũng bị gián đoạn. Hàng nông sản trong kho tồn ứ mấy chục tấn nhưng đành “chịu chết” vì không thể giao thương. Không riêng gì bà Thanh, nông sản của hàng ngàn hộ dân chỉ biết chất đống trong sân vì không bán được cho ai. Nếu có bán thì cũng chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ và luôn bị thương lái ép giá.

Bên cạnh đó, hàng hóa số lượng lớn từ ngoài vào “tiếp tế” cho Thanh Sơn cũng bị gián đoạn. Theo một người dân địa phương, nhiều căn nhà ở Thanh Sơn đang xây dựng cũng đành tạm ngưng vì không thể vận chuyển vật liệu xây dựng về. Nếu muốn tiếp tục xây dựng thì chỉ còn cách chia vật liệu thành những bao nhỏ có trọng lượng khoảng 50kg rồi cho xuống phà khách để đưa sang sông.

Ông Dương Văn Đông, Trưởng phòng Vận tải - phương tiện, Sở Giao thông - vận tải, cho biết:

“Theo Thông tư 25 của Bộ Giao thông - vận tải, bến phà 107 Thanh Sơn là bến phà khách nên chỉ những phà chở khách mới được cấp phép hoạt động. Đối với phà vận tải của Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai thì chúng tôi đã tiếp nhận văn bản từ phía công ty, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết vì đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Cục Giao thông vận tải đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - vận tải)”. Khi hỏi về vấn đề giấy phép hoạt động của phà vận tải Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai, ông Đông khẳng định trước đây phà này hoạt động chưa có giấy phép, bây giờ mới xin phép và đang chờ xử lý.

Hiện tại, bến phà 107 Thanh Sơn có khoảng 5 phà chở khách. Những chiếc phà này hoạt động liên tục từ sáng sớm đến chiều tối mỗi ngày, tuy nhiên để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, Sở Giao thông - vận tải quy định phà khách chỉ được chở người và phương tiện là xe hai bánh. Do đó, nếu người dân muốn chia nhỏ nông sản, hàng hóa để vận chuyển qua sông thì cũng không xong. “Đây là vấn đề rất nan giải. Người dân muốn vận chuyển hàng hóa qua phà thì ngoài việc chia nhỏ, chịu nhiều lần phí, còn phải chấp nhận may rủi trước nguy cơ chìm phà, lật phà. Hơn nữa, những người lái phà cũng phải vận chuyển chui vì trái với quy định của pháp luật”  - ông Nguyễn Duy Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết.

* Phà ngưng hoạt động chờ cấp phép?

Theo Công ty TNHH lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai, phà vận tải của công ty ngưng hoạt động là điều công ty không mong muốn. Ông Phạm Minh Khanh, Giám đốc công ty, cho biết do phà đã có tuổi thọ phục vụ trên 30 năm, bị xuống cấp nên phải tạm ngưng để bảo trì và sửa chữa. Thời gian qua, công ty đã cho công nhân tiến hành sửa chữa một số chi tiết ở 2 đầu của phà, đồng thời mời Chi cục Đăng kiểm số 6 tại TP.Hồ Chí Minh xem xét, kiểm tra toàn bộ để thẩm định chất lượng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quyết định tạm ngưng hoạt động của phà là do quy trình cấp phép hoạt động bị thiếu sót.

Hàng chục tấn nông sản tại cơ sở của bà Lê Thị Thanh (ấp 1, xã Thanh Sơn) bị ứ đọng do không xuất được ra ngoài (ảnh nhỏ).
Hàng chục tấn nông sản tại cơ sở của bà Lê Thị Thanh (ấp 1, xã Thanh Sơn) bị ứ đọng do không xuất được ra ngoài .

Ông Khanh giải thích: “Từ năm 2012 đến nay, Sở Giao thông - vận tải chỉ cấp phép cho các phà khách hoạt động, còn phà vận tải của chúng tôi không có trong danh sách. Do không có giấy phép nên chúng tôi đành phải tạm ngưng. Để đưa phà hoạt động trở lại, chúng tôi đã báo cáo lên Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, đồng thời kiến nghị lên Sở Giao thông - vận tải để bổ sung giấy phép”. Theo ông Khanh, việc phà hoạt động trở lại sớm hay muộn phụ thuộc vào việc cấp phép nhanh hay chậm của ngành chức năng. Vấn đề hư hỏng và lỗi kỹ thuật của phà thì phía công ty đã khắc phục và có thể hoạt động trở lại. 

Minh Anh

 

 

 

Tin xem nhiều