Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thế trận" kinh doanh năm 2014: Cơ hội đồng hành với thách thức

09:01, 01/01/2014

Tuy không quá lạc quan vì dự đoán kinh tế năm mới 2014 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn đặt nhiều kỳ vọng.

Tuy không quá lạc quan vì dự đoán kinh tế năm mới 2014 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn đặt nhiều kỳ vọng. Năm nay, DN chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh để tìm cơ hội trong một năm nhiều thách thức.

Công ty cổ phần Đồng Tiến rộn ràng tăng ca cho mùa sản xuất đầu năm.
Công ty cổ phần Đồng Tiến rộn ràng tăng ca cho mùa sản xuất đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến, vui mừng thông báo năm 2013, DN đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, cả ở đơn hàng gia công và FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm), tăng gần 17% so với năm ngoái. Năm 2014, dự báp thị trường ngành dệt may tiếp tục là mảng sáng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến: Không thiếu cơ hội cho ngành dệt may

Nhiều khách hàng của Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam là lợi thế rất đáng kể để DN có thể lựa chọn những đơn hàng giá cả hợp lý và ổn định hơn. Đồng Tiến vẫn tập trung khai thác sâu thị trường truyền thống là châu Âu, Mỹ, Nhật... và đã kín đơn hàng đến tháng 9-2014. Dự kiến tháng 4-2014, dự án Nhà máy Đồng Phú (huyện Định Quán) với tổng vốn đầu tư 7,5 triệu USD sẽ đi vào hoạt động, nhưng hiện đã có khách hàng bao tiêu 100% đầu ra. Vấn đề DN quan tâm hiện nay là xây dựng kế hoạch thu hút 1 ngàn lao động trong giai đoạn đầu, dự kiến sẽ tăng lên 3 ngàn lao động vào năm 2015.

“TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may, vì nó sẽ thu hút mạnh đầu tư cả của DN nội địa và nước ngoài. Như vậy, sự cạnh tranh không chỉ về sản xuất, thị trường mà lao động cũng sẽ “nóng”. Điều này đặt ra vấn đề DN phải phải quan tâm đúng mức đến việc cải thiện tiền lương để đảm bảo đời sống cho công nhân.

Vì các nước trong khối thị trường ASEAN có giá lao động thấp hơn nhiều so với mức bình quân của Việt Nam, nên DN phải hướng đến cạnh tranh bằng tăng năng suất lao động, chuyển từ gia công kỹ thuật thấp sang sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao; nhất là tăng tỷ trọng làm hàng FOB. Thực tế, nhiều DN Việt làm rất tốt về FOB, Đồng Tiến cũng đưa ra định hướng tăng tỷ trọng sản xuất dòng sản phẩm này, nhưng là xuất phát từ điều kiện, lợi thế của DN để xây dựng định hướng chuyển đổi phù hợp, đảm bảo tiêu chí an toàn, hiệu quả chứ không phải làm bằng mọi giá.

Ông Hoàng nhận định: “Cơ hội rất nhiều nhưng cũng không thiếu sự thách thức vì khi bước vào sân chơi chung, DN nội phải cạnh tranh với những đối thủ lớn bên ngoài vào, họ có những lợi thế hơn hẳn về nguồn vốn và thị trường. Thực tế, nhiều tập đoàn nước ngoài phát triển rất mạnh nhưng hầu như đồng thuế đóng góp cho nhà nước không bao nhiêu. Vấn đề cần nhất ở đây là phải quyết liệt chống chuyển giá để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho DN yên tâm hoạt động.”

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần cao su màu: Tìm cơ hội “đánh bắt xa bờ”

Năm 2013, tuy DN hoàn thành kế hoạch sản xuất nhưng lợi nhuận chỉ đạt 50% so với dự kiến vì chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường khó khăn, nên có những đơn hàng DN phải chấp nhận hòa vốn để giữ việc cho công nhân. Tuy DN Việt hiện đang có lợi thế do được hưởng ưu đãi về thuế so với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có sự vượt trội trong cạnh tranh. Ông Dân dẫn chứng: “Chúng tôi vừa tham gia đấu giá đơn hàng 10 ngàn đôi giày, tuy đã bắt tay với một số DN khác, chấp nhận lấy sát giá nhưng vẫn thua Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính là do công nghiệp phụ trợ của ta quá yếu, nguyên liệu sản xuất đa phần vẫn nhập từ Trung Quốc. Khi gia nhập TTP, nếu Việt Nam không phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ thì đây sẽ là con dao hai lưỡi và sự thua cuộc của DN Việt là điều khó tránh khỏi, vì mọi nguyên liệu đều phải nhập thì ta sẽ chỉ xuất khẩu giùm cho nước khác.”

Đánh giá thị trường 2014 sẽ tiếp tục khó khăn nên ngay từ cuối năm, DN đã chủ động tăng cường công tác phát triển thị trường, ưu tiên tiếp thị ở những thị trường mới, như: Trung Đông, Nga… đồng thời khai thác sâu những thị trường truyền thống. DN xác định đây là năm phải “đánh bắt xa bờ” vì hiện đơn hàng cho năm mới chỉ đạt được 50% so với cùng kỳ năm 2013. Cao su màu cũng sẽ thành lập phòng tiêu thụ nội địa, căn cứ trên sự nghiên cứu kỹ về thị trường, đánh giá thế mạnh, yếu của đơn vị để xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

DN cũng xác định đây sẽ là năm phải bươn chải với phương châm “năng nhặt chặt bị”. DN sẽ áp dụng nhiều giải pháp, như: tinh gọn bộ máy nhân sự; đầu tư, cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất. Tuy nhiên, dự đoán đây vẫn là năm nhiều khó khăn nên DN sẽ hết sức thận trọng trong đầu tư.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica: Sản xuất thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

“Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2014, mặc dù đã tăng công suất sản xuất bánh cao cấp lên gấp đôi so với tết năm ngoái, nhưng sản phẩm bánh cookies hộp thiếc của Bibica vẫn không cung ứng kịp cho thị trường. Trên cơ sở nghiên cứu sự thay đổi của hành vi tiêu dùng sản phẩm, DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu, tạo sự đồng bộ giữa chất lượng và mẫu mã để chinh phục thị trường ngày càng khó tính” - ông Trương Phú Chiến báo tin vui đầu năm.

Lợi thế của các DN Việt là người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm trong nước. Nhưng thách thức cũng không nhỏ khi làn sóng hàng ngoại đang tràn vào mạnh mẽ. Hiện đang có tình trạng bánh kẹo không rõ chất lượng, nguồn gốc được nhập về Việt Nam đóng gói, bán tràn lan ở các chợ, cạnh tranh với bánh kẹo nội nhờ giá rẻ.

Bibica đang chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tinh lọc hóa: chắt lọc lại những dòng sản phẩm chủ lực, được khách hàng ưa chuộng, thay vì để nhiều sản phẩm với hơn 60 loại như trước đây. DN sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới theo xu hướng phục vụ cho sức khỏe, tạo thành thế mạnh riêng biệt của Bibica. Bám sát kênh phân phối và gần gũi hơn với người tiêu dùng cũng là mục tiêu của đơn vị trong năm mới.

Ông Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức (huyện Xuân Lộc): Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân

Năm qua, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào biến động tăng liên tục trong khi giá cả đầu ra bấp bênh. Từ định hướng cung cấp trứng sạch ra thị trường, trang trại đã đầu tư công nghệ hiện đại, tổ chức quy trình chăn nuôi khép kín, từ con giống, dây chuyền chăn nuôi tự động đến việc xử lý trứng. Là đơn vị nhiều năm liền tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh, Thanh Đức đã xây dựng tốt mạng lưới tiêu thụ, từ chợ, cửa hàng đến siêu thị; cung cấp cho hệ thống trường học, bếp ăn công nghiệp và đã có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhờ chủ động tự sản xuất con giống và nguồn thức ăn, trang trại đã khắc phục khó khăn để đạt lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.

Ông Đức dự đoán, năm 2014 người chăn nuôi vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Với làn sóng hàng ngoại đang tràn vào Việt Nam, nông dân phải đầu tư công nghệ mới, có nguồn vốn để chủ động trong kế hoạch sản xuất nhằm giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Các tập đoàn nước ngoài đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư vào chăn nuôi.  “Nếu Nhà nước không có chính sách tích cực và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ nông dân, nhất là về nguồn vốn thì không bao lâu, người chăn nuôi nước ta sẽ thành người làm thuê cho các công ty nước ngoài. Và tình trạng thị trường bị các tập đoàn nước ngoài làm giá như từng xảy ra với giá trứng sẽ không chỉ là nỗi lo suông”  - ông Đức nói.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều