Báo Đồng Nai điện tử
En

Dễ tính,mất quyền?

10:05, 04/05/2014

Dù đã có riêng một bộ luật quy định chi tiết, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ khi mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, song rất ít người tiêu dùng nghĩ đến việc đòi hỏi hoặc bảo vệ quyền lợi, nguyên nhân bởi thói quen mua sắm dễ tính và hời hợt.

Dù đã có riêng một bộ luật quy định chi tiết, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ khi mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, song rất ít người tiêu dùng nghĩ đến việc đòi hỏi hoặc bảo vệ quyền lợi, nguyên nhân bởi thói quen mua sắm dễ tính và hời hợt.

Siêu thị là nơi mua hàng được nhiều người lựa chọn vì chất lượng đảm bảo hơn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua hàng ở Siêu thị điện máy Chợ Lớn.
Siêu thị là nơi mua hàng được nhiều người lựa chọn vì chất lượng đảm bảo hơn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua hàng ở Siêu thị điện máy Chợ Lớn.

Sự hời hợt này khiến không ít người tiêu dùng tại Đồng Nai cũng như cả nước đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua phải các sản phẩm kém chất lượng. Và đây cũng là lỗ hổng lớn để hàng giả, kém chất lượng nhan nhản ngoài thị trường.

* Ngại kiện cáo

Nhiều người tiêu dùng than thở, bây giờ đi mua hàng hóa thực phẩm nào cũng thấy lo. Thế nhưng rất ít người có thói quen mua hàng lấy hóa đơn để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi khi cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Vân, ấp 3, xã An Phước (huyện Long Thành), bộc bạch: “Khi mua hàng hóa, ít khi tôi đòi cửa hàng phải ghi hóa đơn. Do đó, cũng có lần tôi mua phải hàng kém chất lượng, dùng vài lần là hỏng đem đổi, cũng có nơi họ cho bù thêm tiền đổi hàng mới, cũng có nơi không chấp nhận tôi cũng đành chịu”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mẫn ở KP.10, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) mua một chiếc điện thoại iPhone 5 tại Công ty TNHH viễn thông di động D.L (TP.Biên Hòa) với giá hơn 10 triệu đồng nhưng không lấy hóa đơn chứng từ. Bà Mẫn sử dụng máy được vài ngày thì điện thoại bị lỗi, đem hàng đến công ty đổi nhưng không được chấp nhận. Bức xúc, bà làm đơn khiếu nại lên Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai. Hội đã cho mời bên công ty bán hàng và bà Mẫn lên hòa giải nhưng không thành, phải đến lần làm việc thứ 2 công ty mới chấp nhận cho bà Mẫn đổi máy mới nhưng phải bù thêm 2 triệu đồng. Bà Mẫn cho hay: “Sau lần mua máy này, tôi rút kinh nghiệm khi mua hàng phải yêu cầu bên bán xuất hóa đơn, để khi hàng gặp trục trặc tôi không phải chịu thiệt”.

Chị Lê Thị Hà ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) nói: “Mua hàng hóa chủ yếu nhờ tin tưởng hoặc giao kèo bằng miệng, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ đem đổi. Nhưng với những món hàng có giá trị không cao, mua phải hàng dỏm thường bỏ chứ ít khi mang đến đòi người bán phải đổi hàng”.

* Đừng để mất quyền lợi

Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 8 quy định khá chi tiết về quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng thực tế rất ít người quan tâm và hiểu rõ quyền của mình. Cụ thể, trong mua bán hàng hóa buộc phải lấy hóa đơn, vì có hóa đơn, người mua mới có căn cứ yêu cầu nơi bán đổi, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng như đã công bố hoặc cam kết. Trường hợp nơi bán và nhà sản xuất không thực hiện nghiêm túc, người tiêu dùng có thể khiếu nại, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai, cho biết: “Mỗi năm, Hội nhận được hơn 20 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, đa số các vụ mua hàng không có hóa đơn, chứng từ nên việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng rất khó khăn. Có những vụ người tiêu dùng đã thua vì không có hóa đơn chứng minh mua hàng từ cửa hàng, doanh nghiệp đó”. Cũng theo ông Hải, để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng dù nhiều hay ít, có giá trị lớn hoặc nhỏ, cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng và lấy hóa đơn. Khi mua phải hàng kém chất lượng, không nên “bỏ qua” mà buộc nơi bán, sản xuất phải bồi thường.

Hương Giang

Tin xem nhiều