Báo Đồng Nai điện tử
En

Chúng tôi sẽ "gỡ" chính sách, các bạn cứ mạnh dạn đầu tư

11:10, 12/10/2014

Toàn bộ nội dung trong chuyến làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Khu công nghiệp (KCN) Long Đức chiều 12-10 đều xoay quanh những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) và của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Toàn bộ nội dung trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Khu công nghiệp (KCN) Long Đức (huyện Long Thành) vào chiều 12-10 đều xoay quanh những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) và của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chủ tịch nước hứa sẽ cố gắng hết sức để tháo gỡ khó khăn về chính sách cho DN mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là DN Nhật Bản.

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức tặng hoa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: K.Giới
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức tặng hoa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: K.Giới

Cách đây 3 năm, Đồng Nai đã thành lập 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ là: Giang Điền, Nhơn Trạch 6 và An Phước.

Tiếp tục kiến nghị cho công nghiệp hỗ trợ

Tỉnh nhiều lần kiến nghị những dự án đầu tư vào các phân khu công nghiệp này nên được hưởng ưu đãi đầu tư như danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Ngoài ra, DN đầu tư hạ tầng vào những phân khu này cũng cần được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, đến nay các kiến nghị trên vẫn chưa được giải quyết. Báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, thu hút công nghiệp hỗ trợ sẽ khó khăn vì khi DN đầu tư vào những phân khu này, các điều kiện không khác gì đầu tư vào những KCN bình thường khác. Hiện tại, tất cả các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn căn cứ vào Quyết định 12 về “Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ” và Quyết định 1483 về “Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển” ban hành năm 2011. Thế nhưng sau 3 năm triển khai các quyết định này, chưa một DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ nào tại Đồng Nai tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tiếp tục kiến nghị 2 vấn đề: các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ nên được hưởng các ưu đãi tương tự như những dự án đầu tư vào các địa bàn khó khăn;  Chính phủ cho phép áp dụng các ưu đãi đặc thù chuyên sâu cho các DN Nhật Bản khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Cố gắng thoát khỏi gia công

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá rất cao sự bài bản và chuyên nghiệp của KCN Long Đức (một trong 2 KCN duy nhất do Nhật Bản xây dựng và vận hành) vì chỉ trong chưa đầy 3 năm, Long Đức vừa xin chủ trương đầu tư, vừa xây dựng và thu hút đầu tư mà đến nay đã lấp đầy trên 60% diện tích với 31 dự án có tổng vốn 881 triệu USD, trong đó hầu hết là các dự án công nghiệp hỗ trợ của các DN Nhật Bản.

Chủ tịch nước trao đổi với lãnh đạo KCN Long Đức trong buổi đến thăm và làm việc
Chủ tịch nước trao đổi với lãnh đạo KCN Long Đức trong buổi đến thăm và làm việc

“Việt Nam rất mong muốn thoát khỏi nền kinh tế gia công trong 10 hoặc nhiều lắm là 15 năm tới. Do đó, Chính phủ hết sức chú trọng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, các tập đoàn lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam và chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của họ, phải phát triển bằng được công nghiệp hỗ trợ ” -  Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Khuyến khích Tập đoàn Sojitz nghiên cứu đầu tư thêm các KCN chuyên sâu cho công nghiệp hỗ trợ và chuyên sâu cho DN Nhật Bản, Chủ tịch nước hứa: “Việc của chúng tôi là tháo gỡ sự khó khăn của chính sách, các bạn cứ mạnh dạn đầu tư và giúp Việt Nam thu hút đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ”.

Theo đó, nghị định về công nghiệp hỗ trợ cũng đang được soạn thảo với mong muốn sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn mà Quyết định 12 và Quyết định 1483 chưa làm được. Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định sẽ thúc đẩy nhanh các bước để DN và các địa phương sớm có trong tay một nghị định đầy đủ và khả thi về các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11 và ban hành vào cuối năm nay.          

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết làn sóng tiếp xúc, tìm hiểu của các chính trị gia Nhật Bản tại Việt Nam nhằm mở đường cho DN Nhật đến đầu tư tại Việt Nam, cũng như quan hệ tốt đẹp giữa 2  nước đã và đang mở ra những cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác tốt đẹp. Chủ tịch nước khẳng định cả Quốc hội lẫn Chính phủ Nhật Bản đều rất ủng hộ xu hướng đầu tư vào Việt Nam của DN Nhật, và đây là điều thuận lợi. Đặc biệt, với hơn 30 ngàn DN vùng Kansai mà Đồng Nai đã nhiều lần tiếp cận, cơ hội này còn lớn hơn. Trước mắt, những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam - Nhật Bản chú trọng hợp tác là: điện - điện tử, nông nghiệp, cơ khí chế tạo… Do đó, Đồng Nai cùng các tỉnh khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN Nhật Bản đến đầu tư, Chính phủ sẽ tiếp sức cho điều đó.

Kim Ngân - Khc Gii

 
 

 

Tin xem nhiều