Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên chạy theo phong trào "sản xuất chuẩn"

10:10, 17/10/2014

UTZ Certified là một chương trình chứng nhận toàn cầu cho canh tác bền vững trên cây cà phê, ca cao, trà... Đến nay, mạng lưới cộng tác viên của UTZ tại Việt Nam đã lên đến trên 2 ngàn người, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Thiết...

UTZ Certified là một chương trình chứng nhận toàn cầu cho canh tác bền vững trên cây cà phê, ca cao, trà... Bộ tiêu chuẩn của UTZ Certified cân bằng giữa 3 mục tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường. Hiện thành viên chính thức của tổ chức UTZ là 130 người, nhưng có mạng lưới cả chục ngàn cộng tác viên phủ sóng khắp các nước trên thế giới.

Đến nay, mạng lưới cộng tác viên của UTZ tại Việt Nam đã lên đến trên 2 ngàn người, chủ yếu ở trong các công ty, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Đứng đầu của UTZ Certified Việt Nam là ông Nguyễn Văn Thiết - người có nhiều tâm huyết với nông dân.

* Điểm yếu của nông dân là ngại thay đổi

 Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với chương trình này và với nông dân?

- Tôi tốt nghiệp ngành luật nhưng sau ngày đất nước thống nhất tôi về làm việc tại một nông trường sản xuất ở tỉnh Quảng Trị. 3 năm đầu tôi cầm cuốc như nông dân và mất gần 29 năm trải qua các vị trí kế toán, trưởng phòng rồi lên giám đốc đơn vị thành viên của một tổng công ty Nhà nước. Nhờ biết ngoại ngữ, tôi được giao phụ trách các dự án làm việc với người nước ngoài, chủ yếu về các dự án cây cà phê. Tôi từng được đi Mỹ, Thụy Sĩ, Đức... nói về cà phê. Nhờ đó, tổ chức UTZ đến Việt Nam đã chủ động mời tôi tham gia phỏng vấn cho vị trí đại diện văn phòng ở Việt Nam. Lúc đó, tôi quyết định xin về hưu sớm để làm cho tổ chức này.

50 tuổi, tôi từ Quảng Trị vào TP.Hồ Chí Minh mở văn phòng, được nửa tháng thì dời lên Tây Nguyên vì đây là thủ phủ cà phê. 3 năm đầu (2006-2008), tôi toàn ăn cơm bụi, ở nhà trọ nhưng gian nan nhất là tiếp cận các cơ quan nhà nước vì giai đoạn này cũng chưa ai biết UTZ là gì. Tôi phải đi gõ cửa các cơ quan từ Trung ương đến các tỉnh, thành. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hay các tỉnh có chương trình hội thảo về cà phê, tôi đều tham gia và đăng ký phát biểu. Tôi từng có ý nghĩ bỏ cuộc nhưng rồi cố gắng vượt qua.

Ai được cấp chứng nhận này? Chi phí thực hiện có phải là rào cản thu hút nông dân, doanh nghiệp tham gia?

- Chứng nhận này cấp cho mọi đối tượng, từ nông dân đến doanh nghiệp, tập đoàn nhưng phải đạt yêu cầu về sản lượng ít nhất cũng đủ 1 container xuất khẩu. Ở Việt Nam, chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thực hiện; chi phí gồm: tổ chức lớp tập huấn, thử nghiệm đất, phí phụ cấp cho cán bộ thực hiện, phí thanh tra... Tùy quy mô mà chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Giá nông sản UTZ được mua cao hơn mặt bằng chung, phần cao hơn này doanh nghiệp có quyền tính vào chi phí đã bỏ ra, phần còn lại chia cho nông dân bằng hình thức cộng thưởng. Chính vì vậy, theo quy định của tổ chức UTZ, doanh nghiệp phải tính toán, minh bạch thông tin này với nông dân.

Điểm yếu và điểm mạnh của nông dân Việt Nam trong canh tác các loại cây công nghiệp như cà phê, ca cao... mà ông cho là cần phải thay đổi ngay?

- Việt Nam đứng nhì thế giới về sản lượng cà phê nhưng chất lượng lại đứng trong hàng top từ dưới lên. Vì làm ẩu, tạp chất trong cà phê nhiều nên giá cà phê của ta luôn bị trừ so với mặt bằng chung giá thế giới. Đây là một thiệt thòi không nhỏ cho nông sản Việt. Như tôi đã nói, điểm mạnh của nông dân Việt Nam là rất giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên năng suất cây trồng cao. Nhưng vì họ quá chắc chắn vào kinh nghiệm mấy mươi năm trồng cà phê của bản thân nên vẫn giữ tập quán canh tác cũ, ngại thay đổi nên rất chậm trong tiếp cận cái mới.

* Không tô hồng bức tranh

Canh tác theo các chuẩn mới như VietGAP, Global GAP hay UTZ với nông dân không khó, nhưng cái khó là khi có sản phẩm, đầu ra của nông sản theo chuẩn vẫn khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tổ chức UTZ có hẳn bộ phận bán hàng rất mạnh với văn phòng đại diện khắp các quốc gia trên thế giới để đi quảng bá và tìm thị trường cho sản phẩm UTZ. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm UTZ hàng năm đạt mức tăng trưởng rất tốt với mức bình quân khoảng 35%/năm. Với mặt hàng ca cao, hiện sản lượng đạt chuẩn UTZ của cả nước chỉ đạt 2.600 tấn/năm. Trong khi đó, nhiều khách hàng từ Nhật, châu Âu... liên hệ với tôi để đặt hàng đều yêu cầu khi sản lượng này tăng lên 50 ngàn tấn thì liên hệ với họ. Dự báo, những năm tới thị trường ca cao cung không đủ cầu.

Với những doanh nghiệp đăng ký thực hiện UTZ, tôi không bao giờ vẽ cho họ một bức tranh màu hồng mà đưa ra bài toán chi tiết về chi phí đầu tư và hiệu quả thu vào để họ xây dựng lộ trình thực hiện. Tôi vẫn cảnh báo các doanh nghiệp là đừng làm theo phong trào vì nó gây nhiều tác hại.

Cây ca cao ở Đồng Nai một thời gian được trồng đại trà vì được xem là cây trồng chủ lực, nhưng nông dân sau này lại chặt bỏ nhiều. Theo ông, cây ca cao ở Đồng Nai nên chọn hướng đi nào để phát triển?

Khởi đầu từ mặt hàng cà phê, đến nay chứng nhận này đã mở rộng ra nhiều mặt hàng, như: chè, ca cao, hạt hạnh nhân, bông vải... Tổ chức UTZ đến Việt Nam từ năm 2001 và sau 1 năm có 3 đơn vị được chứng nhận UTZ Certified cho mặt hàng cà phê. Đến cuối tháng 6-2014, cả nước đã có 58 đơn vị được chứng nhận với 43.405 nông hộ tham gia, tổng diện tích trên 59 ngàn hécta, sản lượng gần 198 ngàn tấn/năm, đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Với cây ca cao, chè, cả nước hiện có 3.572 nông hộ tham gia, tổng diện tích khoảng hơn 2,6 ngàn hécta. Dự kiến chương trình tiếp tục mở rộng cho cây tiêu, điều. Tại Đồng Nai, chương trình đã thực hiện gần 100 hécta ca cao, dự kiến tiếp tục mở rộng.

- Mấy năm trước, tôi đến Đồng Nai bàn về phát triển cây ca cao nhưng hầu như chẳng ai quan tâm, thậm chí nông dân rất bài xích và đua nhau chặt bỏ loại cây trồng này vì hiệu quả thấp. Nhưng nếu nắm vững kỹ thuật canh tác thì loại cây trồng này cho năng suất, hiệu quả rất tốt. Theo tôi, Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ca cao vì nằm gần TP.Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp địa phương và tập đoàn đóng chân ngay tại địa bàn để tổ chức khâu tiêu thụ.

 Đồng Nai đang xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ cây ca cao, ông có góp ý gì cho mô hình này?

- Quá thiếu lòng tin lẫn nhau cũng là thực trạng đáng buồn gây trở ngại trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của ta. Các tập đoàn lớn không thể làm việc trực tiếp với từng nông dân. Trước đây đã có trường hợp doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh về tỉnh thực hiện và thất bại vì không thể theo sát nông dân cùng triển khai chương trình. Ở đây vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương trong việc liên kết, cùng đồng hành với nông dân rất quan trọng. Vấn đề là doanh nghiệp nhỏ phải tăng năng lực quản lý và đội ngũ lao động đủ khả năng làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, có thể phát huy vai trò của các câu lạc bộ, hợp tác xã.

Trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, người nông dân phải thay đổi điều cơ bản gì trong tư duy sản xuất, theo ông?

- Nông dân Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung vẫn ít quan tâm về xu thế thay đổi của thế giới. Tỷ lệ nông dân Việt Nam tiếp cận internet cũng rất thấp, khả năng cập nhật thông tin, nắm bắt thị trường còn kém. Chính vì vậy, họ chậm thay đổi, chậm tiếp cận với cái mới. Tham gia xuất khẩu, phải tính đến sản lượng lớn với mức hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn sản phẩm. Đặc điểm sản xuất của nông nghiệp Việt Nam khá manh mún, nhỏ lẻ, để làm được điều này phải tính đến việc liên kết. Nông dân phải bỏ tính bảo thủ, phải thay đổi tư duy sản xuất tiểu điền thì mới không đặt mình ở thế yếu khi bước vào hội nhập.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân -  Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều