Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thay đổi hay không phụ thuộc nhiều vào chính doanh nghiệp

10:03, 27/03/2015

Ông Nguyễn Đình Cung được biết đến nhiều với vai trò là một trong những người chấp bút cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp (DN), các đề án liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế. Đến nay, ông đã tham gia 4 lần sửa đổi Luật DN...

Ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh: LÊ QUYÊN
Ông Nguyễn Đình Cung.

Ông Nguyễn Đình Cung tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Praha (Tiệp Khắc cũ) vào năm 1982, chuyên ngành kinh tế ngoại thương, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành kinh tế phát triển Đại học Manchester (Anh), tiến sĩ ngành kinh tế phát triển của CIEM (Việt Nam). Năm 2014, ông được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia, là nơi đang được giao nghiên cứu các đề án quan trọng liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế kinh tế Việt Nam.

Ông được biết đến nhiều trong vai trò là một trong những người chấp bút cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp (DN), các đề án liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế. Đến nay, ông Cung đã tham gia 4 lần sửa đổi Luật DN. Ông cho biết, trước những cơ hội lớn đang mở ra cho DN, quan trọng nhất là DN phải thay đổi chính mình.

* Lạc quan đi kèm lo lắng

 Nhà nước cho rằng vĩ mô đang tốt lên trong khi DN tiếp tục “than thở” khó khăn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào ở vị trí một người vừa quan sát vĩ mô, vừa sâu sát với đời sống DN?

- Kinh tế vĩ mô và hoạt động cụ thể của DN bao giờ cũng liên hệ chặt chẽ với nhau. Đầu tiên, phải ổn định vĩ mô thì DN mới có thể tính toán những gì lâu dài. Nhưng đó chỉ yêu cầu cần chứ chưa đủ. Dù có những cải cách về mặt thể chế, nhưng nếu một số DN đã vướng vào các vấn đề của trước đó, như: nợ xấu, đầu tư sai lệch… thì rõ ràng, dù điều kiện bên ngoài thay đổi, nhưng điều kiện bên trong của DN chưa cải thiện được vẫn sẽ khó tiếp cận được những cơ hội mới mà vĩ mô tạo ra.

Thời gian vừa qua, không ít DN rơi vào tình trạng này. Mặt khác, ngay cả khi vi mô, vĩ mô đang tốt lên nhưng hệ thống ngân hàng còn nhiều vấn đề chưa giải quyết thì lãi suất cho vay dù có hạ, nhưng sẽ chưa xuống được mức DN kỳ vọng. Mặt khác, bản thân ngân hàng cũng hoạt động thận trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng về tổng thể, nền kinh tế đang tốt lên nhiều so với trước.

 Với việc Việt Nam gia nhập các hiệp định kinh tế song và đa phương, ông có cái nhìn lạc quan hay bi quan về vấn đề này? Theo ông cái giá phải trả là gì?

- Có phần lạc quan, có phần lo lắng. Lạc quan ở chỗ mở cửa đã trở thành xu thế, mình muốn cưỡng lại cũng không được. Xu thế sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh cho DN, không gian phát triển của các DN cũng sẽ rộng ra. Lo lắng là liệu DN có hiểu, có nhận thức được những điều họ phải làm từ chính bản thân để tận dụng được những cơ hội đang mở ra này hay không?

Thay đổi nội tại của DN là thay đổi trong cách thức quản lý với cái  nhìn dài hạn hơn, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật tốt hơn. Rõ ràng ở đây, năng lực quản lý của người chủ sở hữu DN và của đội ngũ quản lý phải nâng lên nhiều. Điều tôi lo lắng nữa là thể chế của Việt Nam có tương thích với điều kiện hội nhập hay không? Hiện nay, thể chế vẫn còn gò bó DN. Thể chế của ta vẫn nặng về tính hành chính, tính xin - cho và DN phải đối phó với điều đó nhiều hơn việc bỏ tâm sức để tìm một chiến lược kinh doanh có thể tận dụng cơ hội toàn cầu, dù rằng cơ hội có nhiều. Thách thức rất lớn với DN là tự thay đổi, nếu không phần lớn cơ hội sẽ rơi vào DN FDI, nhất là hiện luồng đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch rất lớn từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc về Việt Nam.

 Là người góp công xây dựng 4 “thế hệ” Luật DN, đối với ông lần thay đổi nào là đáng nhớ nhất?

- Mỗi lần có một ý nghĩa khác nhau nhưng với tôi, lần xây dựng Luật DN  1999-2000 là đáng nhớ nhất, vì đơn giản sự thay đổi đó tạo nên bước ngoặt lớn, tương tự việc “nhảy từ bên này bờ sông sang bên kia bờ sông” khi Luật DN 1999 xóa bỏ rất mạnh cơ chế “xin - cho” trong quá trình thành lập DN thông qua chuyển sang trao quyền tự chủ cho người dân. Điều này Việt Nam làm mãi mới thay đổi được nên cảm xúc của tôi rất lớn, rất vui và sung sướng. Và rõ ràng, xã hội cũng cảm nhận được sự thay đổi này. Trước đó, mọi việc DN làm đều phải xin phép trước. Sau đó, hàng ngàn giấy phép con được bãi bỏ và môi trường kinh doanh, tư duy quản lý thay đổi hẳn về bản chất. Giai đoạn sau mang tính kế thừa của bước nhảy này.

 Năm 1990, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được thừa nhận. Chứng kiến sự trưởng thành của kinh tế tư nhân từ đó đến nay, ông hài lòng và chưa hài lòng ở điểm nào? Kinh tế tư nhân đã thực sự có môi trường rộng dài để cạnh tranh và phát triển chưa?

- Năm 1990, kinh tế tư nhân được thừa nhận từ chỗ phi pháp sang hợp pháp. 10 năm sau, đến 1999 - 2000, rồi 2005 là giai đoạn bùng nổ, từ 2006-2011, vĩ mô khó khăn, DN bị hao mòn sức lực rất nhiều.

Điều tôi thấy trăn trở là dù đã mở ra môi trường cho DN tư nhân phát triển, nhưng phải nói là thực tế vẫn đi theo quy trình ngược, ưu tiên DN Nhà nước, DN FDI nên DN tư nhân trong nước vẫn lép vế. Đây là bộ phận đóng góp lớn vào nền kinh tế, nhưng trên thực tế được ưu đãi ít hơn so với các khu vực khác. Nhiều người cho rằng nên bớt ưu đãi đầu tư nước ngoài để tạo cơ chế bình đẳng trong đầu tư. Nhưng theo tôi, đã cho rồi thì rút lại khó lắm, do đó nên tăng ưu đãi, chăm sóc cho khối DN tư nhân bằng với ưu đãi các khối DN khác.

* Kịp hay không là do Doanh Nghiệp

Luật DN 2014 có làm ông hài lòng chưa? Còn điều gì ông muốn cải cách mà chưa được ghi nhận trong lần cải cách mới nhất của Luật DN?

Thời gian qua, nhất là sau hội nhập WTO, tại sao DN FDI đầu tư vào nước ta nhiều như thế? Đó là do họ tận dụng được cơ hội kinh doanh, “chơi” theo luật chơi mà DN ta không “chơi” được. DN trong nước vẫn bị gò bó bởi thể chế. Thực tế, hội nhập mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và nhà đầu tư nước ngoài đang lấy được nhiều hơn, DN Việt Nam vẫn loay hoay mãi mà chưa tận dụng được. Chính vì vậy, trong xuất khẩu của Việt Nam, 70-75% vẫn thuộc khu vực đầu tư nước ngoài. Và tăng trưởng kinh tế cũng chủ yếu do khu vực đầu tư nước ngoài. Thay đổi rất có ý nghĩa trong việc cải cách không chỉ ở môi trường kinh doanh mà ở tư duy quản lý nhà nước mà chúng ta hay gọi là thể chế hiện đại, tạo điều kiện cho mọi DN chơi cùng sân, cùng luật.

- Luật DN 2014 chấp nhận được, có vài chỗ liên quan đến đầu tư nước ngoài đã thay đổi nhiều. Nhưng về khía cạnh quản lý có thể làm tốt hơn, song phải chấp nhận. Khi đó, người làm luật chưa rà soát, đánh giá hết thực tế nên khi đưa ra lập luận vẫn chưa mạnh, chưa đủ để thuyết phục thay đổi tư duy ở một số điểm. Tôi nghĩ điều này sẽ dần được thay đổi và hoàn thiện ở những giai đoạn tiếp theo.

 Khi đề xuất cải cách, bỏ qua quyền lợi của nhiều cấp, ngành để tạo môi trường minh bạch cho DN phát triển, người làm luật như ông có ngại va chạm không?

- Tôi không ngại va chạm vì tôi được giao làm việc này. Đây không phải vấn đề lớn với tôi vì chúng tôi được giao nhiệm vụ, và chúng tôi làm vì lợi ích quốc gia. Ở đây, quan trọng là chúng tôi có đưa ra được bằng chứng thuyết phục để luật được đồng thuận và thông qua hay không. Và sau đó, DN sẽ đón nhận thế nào, luật mới có làm mọi việc tốt hơn hay không, đó mới là điều quan trọng.

 Có còn kịp cho DN để chuẩn bị cạnh tranh trong một thị trường chung khi gia nhập các hiệp định kinh tế, quốc tế?

- Tùy thuộc vào chính DN, họ có nhận thức và thay đổi, nâng cao năng lực, thay đổi quản trị hay không mới quan trọng. Sát sườn hội nhập hay chưa không phải là vấn đề, quan trọng là anh có chịu thay đổi và thay đổi ra sao vì cơ hội là liên tục.

Tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm phải làm theo thông lệ toàn cầu vì toàn thế giới đang áp dụng như thế, bạn hàng của chúng ta áp dụng như thế. DN không thể đứng ngoài luật chơi chung. Bản thân DN cũng cần phải học để hội nhập toàn cầu trong quản trị công ty, tăng năng lực cạnh tranh. Từ đó, DN mới có cơ hội đi vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân - Lê Quyên (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều