Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi mong muốn xây dựng thương hiệu trứng sạch Đồng Nai

10:06, 26/06/2015

Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) là một trong số ít những doanh nghiệp (DN) tư nhân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai.

 Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) là một trong số ít những doanh nghiệp (DN) tư nhân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. DN này đang triển khai dự án chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng, dự kiến cuối năm nay đi vào hoạt động. Đây cũng là DN tư nhân nhiều năm liền tham gia chương trình bình ổn giá của Đồng Nai với mạng lưới gần 40 điểm bán hàng bình ổn. Trứng gà Thanh Đức đã vào các hệ thống siêu thị lớn; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và có nhiều bạn hàng là DN chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn tại TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận…

Ít ai biết ông chủ nổi tiếng trong ngành chăn nuôi này xuất thân từ một người thợ may, khởi nghiệp chăn nuôi chỉ với vài chục con gà và số vốn vỏn vẹn vài triệu đồng.

Đi lên từ thất bại

* Ông khởi nghiệp khi trên thị trường đã có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong ngành trứng gia cầm, ông tự tin vào điều gì?

- Năm 1995, tôi khởi nghiệp với số vốn chỉ có 2 triệu đồng, đầu tư nuôi vài chục con gà dần dần phát triển đàn lên vài trăm, rồi đến hàng chục ngàn con. Những năm đầu, trang trại tôi chủ yếu nuôi gà thịt. Đây cũng là giai đoạn chăn nuôi Việt Nam bắt đầu phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư, nhưng các trại nuôi gia công vẫn còn nhỏ, lẻ chứ chưa có quy mô lớn như bây giờ.

Năm 2000, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi gà đẻ trứng với tổng đàn khoảng 8 ngàn con. Giai đoạn này, các DN FDI cũng đầu tư mạnh vào chăn nuôi gà đẻ trứng. Trong nước cũng xuất hiện những tên tuổi lớn như trứng gà Ba Huân. Tuy thị trường không thiếu những “ông lớn”, nhưng tôi tin vẫn còn nhiều cơ hội phát triển nên mạnh dạn đầu tư. Năm 2003, tôi phát triển đàn lên 60 ngàn con gà đẻ trứng. Thời đó, Thanh Đức là một trong những trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng có quy mô lớn hàng đầu tại Đồng Nai.   

* Với ông, lần thất bại nào đau đớn nhất? Bài học từ thất bại đó là gì?

- Thời điểm tôi phát triển được đàn gà với số lượng đông nhất thì gặp đại họa về dịch cúm gia cầm năm 2003. Người ta không ăn sản phẩm từ gà nên tôi buộc phải đăng ký hủy toàn bộ đàn gà trưởng thành, chỉ còn giữ lại một ít gà con để làm giống. Tôi lỗ trắng 1,6 tỷ đồng, tương đương với 400 cây vàng. Tôi gần như trắng tay, chỉ còn số vốn 125 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ khi hủy gà để tái đàn.

Đây là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời theo nghề chăn nuôi của tôi. Và điều đó cho tôi một nhận thức sâu sắc rằng phải đầu tư chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, song song với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tôi quyết định chuyển sang làm mô hình nuôi gà chuồng lạnh, dù lúc đó ngoài vốn đầu tư chuồng trại tôi phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng để kéo đường điện. Đây là số vốn không nhỏ trong điều kiện trang trại lúc bấy giờ. 2 năm sau, tôi khôi phục lại đàn gà 60 ngàn con. Song song với việc mở rộng sản xuất, tôi đăng ký để được cấp giấy chứng nhận trang trại; xây dựng nhãn hiệu trứng gà Thanh Đức. Năm 2011, tôi xây dựng trang web để giới thiệu sản phẩm sạch đến khách hàng.

* Câu chuyện xuất khẩu trứng sang Nhật của ông bắt đầu ra sao?

- Tôi đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tự chế biến thức ăn chăn nuôi để kiểm soát tốt từ khâu đầu vào, quy trình tiêm phòng…Năm 2011, giai đoạn đỉnh của lãi suất ngân hàng với mức từ 23-24%/năm, nhưng tôi vẫn quyết định vay 10 tỷ đồng đầu tư cho dây chuyền chăn nuôi tự động, máy móc xử lý trứng và in nhãn hiệu Thanh Đức lên vỏ trứng. Đây là “mốc” để thay đổi chất từ nuôi thủ công sang công nghệ cao. Tôi làm điều này căn cứ trên sự tính toán kỹ lưỡng, chi phí tiết kiệm từ quy trình chăn nuôi tự động so với nuôi thủ công dư dả bù cho lãi suất ngân hàng. Quan trọng nhất, đây là điều cần thiết cho uy tín thương hiệu vì khách hàng được thuyết phục bởi quy trình chăn nuôi theo công nghệ hiện đại.

Sau đầu tư, lượng khách hàng tăng lên, trứng Thanh Đức vào được các hệ thống siêu thị, được nhiều DN đặt hàng với sản lượng lớn, ổn định dù có giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Đây cũng là năm tôi có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Một công ty cần tìm nguồn trứng xuất khẩu, họ khảo sát rất nhiều DN, trang trại và chọn hàng của Thanh Đức. Câu chuyện làm được hàng xuất khẩu của chúng tôi rất đơn giản, nhưng đó là cả quá trình đầu tư  xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín, kiểm soát chặt chẽ từ khâu con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi đến sử dụng thuốc... để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật. Từ đó đến nay, tôi vẫn duy trì được đơn hàng xuất khẩu 100 ngàn trứng/tháng sang thị trường này.

Sẵn sàng trả giá để làm người đi tiên phong

* Quan điểm kinh doanh của ông ra sao?

- Thanh Đức là trang trại tư nhân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại với quy mô sản xuất lớn tại Đồng Nai. Tôi cũng không ngại là đơn vị đầu tiên đầu tư thực hiện dự án tại khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh, dù phải chấp nhận bỏ ra số vốn không nhỏ để làm cơ sở hạ tầng. Có người nói tôi “khùng điên” vì lao theo hướng đi quá nhiều rủi ro, nhưng tôi vẫn tin tưởng vào sự chọn lựa của bản thân. Người đi tiên phong thường phải trả giá cao hơn nhưng cũng nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.

Người ta có thể từ bỏ một sản phẩm xa xỉ nào đó nhưng sẽ không ngừng tiêu thụ trứng gà vì nó thuộc nhóm thực phẩm sử dụng hàng ngày. Tôi không ngại nếu có thêm nhiều “ông lớn” đầu tư vào lĩnh vực này vì tiềm năng thị trường của nó luôn rất lớn. Mở cửa cũng mở ra cơ hội để chúng ta tiếp cận về công nghệ. Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, chúng ta vẫn còn lợi thế sân nhà trong bài toán cạnh tranh bằng giá, bằng chất lượng. Bản thân tôi lại chờ đợi hội nhập, đây như quá trình kiểm tra, sàng lọc, anh nào khỏe thì tồn tại và phát triển.

* Xuất thân là thợ may, bắt đầu với vài triệu đồng tiền vốn, nay tài sản của ông lên đến hàng chục tỷ. Có yếu tố may mắn trong sự thành công của ông? Cá tính nào đã giúp ông thành công?

- Tôi mồ côi cha nên sớm quen với nghèo khổ. Tôi đi lên từ con số không nên khi nhìn lại chặng đường 20 năm, những thành quả tôi đạt được không phải nhờ sự may mắn mà đều do sự nỗ lực. Ngay từ điểm khởi đầu, tôi đã xác định được hướng đi đúng và kiên trì theo đuổi với tất cả quyết tâm, sự tin tưởng. Nhờ vậy trong những giai đoạn khó khăn nhất, tôi chưa bao giờ đứng trước cảnh tiến thoái lưỡng nan mà luôn tin vào con đường mình chọn để kiên trì theo đuổi. Cả gia đình luôn ủng hộ tôi thực hiện mục tiêu. Hiện các con tôi đều theo học những ngành liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và sẽ tiếp tục nối nghiệp nhà.

* Đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, ông tiếc điều gì và tự tin vào lợi thế nào của bản thân?

- Sau dịch cúm năm 2003 thì mới nổi lên một số thương hiệu nội địa về trứng gà như Ba Huân. Thực tế, tôi cũng đã sớm quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu trứng gà sạch của Đồng Nai. Nhưng DN lớn khác mạnh về vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu, mình yếu thế nên chậm chân và mất nhiều cơ hội. Sản phẩm sạch của trang trại mất nhiều năm chủ yếu bán cho thương lái với giá rẻ hơn so với trứng có thương hiệu và điều thiệt thòi nhất là không được khách hàng nhận biết.

Trong ngành sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm không thiếu các ông chủ là chủ tịch hội đồng, giám đốc DN, nhưng tôi hài lòng với vị trí chỉ là một chủ trang trại và theo sát được mọi hoạt động của nó. Lợi thế của tôi là tự sản xuất rồi trực tiếp bán hàng nên tôi kiểm soát được từng trái trứng ra thị trường, thời gian trữ hàng ngắn nên luôn đảm bảo sự tươi mới, giảm tỷ lệ hư hao của sản phẩm. Những mặt hạn chế trong công tác quản lý hoặc về thị trường, tôi sẵn sàng nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của những chuyên gia giỏi.

*  Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Bình Nguyên (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều