Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân thời hội nhập

11:10, 12/10/2015

Ngành nông nghiệp và người nông dân được cho là đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế khi Việt Nam bước vào hội nhập, đặc biệt là khi Hiệp định TPP được ký kết....

 

Ngành nông nghiệp và người nông dân được cho là đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế khi Việt Nam bước vào hội nhập, đặc biệt là khi Hiệp định TPP được ký kết. Khi vào hội nhập, sản xuất nhỏ lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong ảnh: Vườn dưa lưới trong nhà màng tại huyện Nhơn Trạch.
Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong ảnh: Vườn dưa lưới trong nhà màng tại huyện Nhơn Trạch.

Theo đó, nông dân buộc phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo an toàn theo hướng bền vững thì mới có khả năng cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu. Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho rằng nông dân Đồng Nai rất nhạy bén trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

* Thay đổi tư duy sản xuất

Thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam điêu đứng vì phải cạnh tranh với gà nhập khẩu giá rẻ. Nhiều nông dân than thở rằng con heo, con gà đang ăn hết đất đai, nhà cửa của họ. Và áp lực cạnh tranh này sẽ càng nặng nề khi TPP được thực hiện. Vì ngay khi kết thúc đàm phán TPP, báo chí Mỹ đã đưa tin về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của họ vào thị trường các nước thành viên TPP vì theo lộ trình, thuế nhập khẩu các mặt hàng này sẽ dần trở về 0%.

Nông dân ít quan tâm đến AEC sẽ bỏ qua nhiều lợi thế. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).
Một trang trại chăn nuôi tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Và không chỉ nước Mỹ thấy cơ hội này. Chia sẻ về câu chuyện ngành nông nghiệp trước hội nhập, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là ở việc thay đổi tư duy sản xuất; phải làm sản phẩm theo nhu cầu thị trường; ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm giá. Trong đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu.

Thực tế đang có rất nhiều chủ trang trại đang nỗ lực khắc phục khó, chuẩn bị sẵn sàng để chủ động bước vào hội nhập. Trong đó, nông dân, doanh nghiệp đang bắt tay xây dựng chuỗi liên kết từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ, phân phối... tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa.

Ông Trần Quang, Giám đốc hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), cho hay: “HTX đã hầu như đưa cơ giới hóa hoàn toàn vào các khâu sản xuất, thu hoạch với cây bắp, cây lúa. Đến vụ thu hoạch, HTX đưa máy ra đồng là có sản phẩm lúa, bắp đã được tách hạt, đóng bao chỉ chờ thương lái thu mua. Chúng tôi cũng đã ký được hợp đồng bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) với giá tốt hơn mặt bằng chung ngoài thị trường nên có đầu ra khá ổn định”. HTX hiện đang xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bắp và lúa sạch trên địa bàn xã Xuân Phú với mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Ông Tăng Văn Sang (xã Cẩm Đường) giới thiệu mô hình nuôi bò sữa cho những nông dân trong tỉnh quan tâm đến nghề này.
Ông Tăng Văn Sang (xã Cẩm Đường) giới thiệu mô hình nuôi bò sữa cho những nông dân trong tỉnh quan tâm đến nghề này.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ hệ thống các trang trại nuôi gà công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, cho biết: “Nhờ đầu tư mạnh từ khâu con giống đến dây chuyền chăn nuôi hiện đại, hiện gà do trang trại nuôi có giá thành tương đương với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Trang trại đang hợp tác nuôi gia công cho một công ty nước ngoài theo quy trình chăn nuôi của Nhật Bản với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khó tính này”.

* Làm sản phẩm theo chuẩn quốc tế

Bước vào giai đoạn hội nhập, nông dân Đồng Nai ngày càng có ý thức sản xuất theo hướng an toàn với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tốt cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng được những vùng chuyên canh cây hàng năm, cây lâu năm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Khẳng định về lợi ích của việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, ông Trương Văn Gộc (xã Tà Lài, huyện Tân Phú), dẫn chứng: “Khi tham gia chương trình chứng nhận nông sản bền vững UTZ Certified, vườn ca cao của tôi luôn đạt năng suất tốt, hạn chế được rủi ro về sâu, bệnh. So với cách làm truyền thống, trồng ca cao UTZ không phải mất thêm chi phí vì chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên dùng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh; phải mang ủng, bịt khẩu trang khi phun thuốc cho cây trồng; ghi nhật ký sản xuất... Và điều thu hút nhiều nông dân ủng hộ là sản phẩm ca cao sạch được DN bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường”.

Hiện Đồng Nai cũng đang triển khai dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê 4C trên địa bàn các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú với diện tích hàng trăm hécta. Nông dân tham gia chương trình được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và DN, nhất là sản phẩm an toàn được DN ưu tiên thu mua với giá cao. Việc nông dân chuyển hướng sản xuất an toàn theo chuẩn toàn cầu còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt bằng uy tín chất lượng.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều