Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ giải bài toán lao động

09:11, 24/11/2015

Trước tình hình khan hiếm dần nguồn lao động, cũng như đòi hỏi về năng suất cao để giảm giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ đã khá thành công khi chuyển dần sang phương án đầu tư máy móc tự động để giảm bớt áp lực công nhân.

Trước tình hình khan hiếm dần nguồn lao động, cũng như đòi hỏi về năng suất cao để giảm giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ đã khá thành công khi chuyển dần sang phương án đầu tư máy móc tự động để giảm bớt áp lực công nhân.

Công nhân đang chỉnh máy dệt găng tay tại Công ty cổ phần An Phú Thịnh, huyện Long Thành.
Công nhân đang chỉnh máy dệt găng tay tại Công ty cổ phần An Phú Thịnh, huyện Long Thành.

Trước một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các chủ DN phải tính toán kỹ trong khâu đầu tư cho sản xuất.

* Bấp bênh nguồn lao động

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Tân Minh Hương (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), cho biết 3 năm nay nguồn lao động cho ngành chế biến gỗ bị thiếu nhiều. Việc tuyển dụng vài chục lao động trở lên không còn dễ dàng như trước. “Chế biến gỗ khá bụi và ồn ào nên công nhân thường không thích xin vào làm việc ở công ty chế biến gỗ so với các công ty may mặc hoặc giày dép. Đặc biệt ở những công ty nhỏ chỉ tuyển được phần lớn lao động lớn tuổi hoặc người dân tộc thiểu số. Nguồn lao động này cũng luôn bấp bênh không ổn định, thời điểm cuối năm thì đủ nhưng đến đầu năm lại hụt” - ông Thịnh nói.

Không chỉ là ngành chế biến gỗ sử dụng nguồn lao động phổ thông, mà nhiều lĩnh vực khác sử dụng lao động có đào tạo cũng khó không kém. Ông Nguyễn Viết Quang, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quang Minh Lộc (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho hay công ty ông sản xuất các loại khuôn cho ngành nhựa cần những thợ cơ khí có tay nghề về phay, tiện nhưng tuyển dụng không phải dễ.

Cạnh tranh lao động hiện nay là rất lớn, một số công ty có sử dụng nguồn lao động lớn như Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) hàng năm phải tổ chức các đợt đi những tỉnh miền Tây để tuyển dụng công nhân.

* Máy thay sức người

Giải pháp để giảm bớt sử dụng lao động hiện nay của nhiều DN nhỏ và vừa là đầu tư máy móc thay thế. Ông Quang cho biết năm 2013, ông đã đầu tư 3 chiếc máy sản xuất khuôn CNC của Nhật Bản. Theo ông Quang, việc đầu tư máy này đã giúp ông giảm được một nửa số lao động. Ông Quang chia sẻ: “Đầu tư hệ thống máy này ngoài giảm được lao động còn giúp công ty tăng năng suất lao động nhờ chạy liên tục 3 ca. Ngoài ra, công ty cũng có thể chủ động tình hình sản xuất. Các sản phẩm có độ chính xác cao không sợ khách hàng chê như trước”.

Tương tự, tại Công ty Dương Lộc Phú Vina (ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) trước đây chủ doanh nghiệp phải sử dụng 12 lao động để đóng gói và xếp dỡ hàng. Thế nhưng, khi chủ DN đầu tư dây chuyền tự động hơn 1 tỷ đồng cho khâu này thì chỉ cần đến 5 người làm việc và lượng việc nhanh gấp đôi.

Công ty cổ phần An Phú Thịnh (huyện Long Thành) cũng là một điển hình, các máy dệt găng khi được chủ DN thay đổi bằng thế hệ tự động đã giúp giảm lao động đáng kể và năng suất, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn.

Tính toán trong việc đầu tư máy để giảm bớt áp lực lao động, bà Bùi Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Công ty TNHH Cobanzen (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất bao bì ny-lông, cho rằng tuy số vốn ban đầu phải bỏ ra khá lớn, nhưng bù lại chủ DN sẽ chủ động trong sản xuất và chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo. Bà Hằng nói: “Tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng để thay thế một số dây chuyền sản xuất, giảm được tới 15 công nhân. Tính ra chỉ bằng tiền lương chi trả cho số công nhân này 2 năm, trong khi đó không phải lo những chi phí khác như: bảo hiểm và các chính sách khác cho người lao động”. Đây cũng đang là hướng tính đến của nhiều DN trong xu hướng thiếu hụt lao động hiện nay.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều