Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ tôm, cá tết: Nguồn cung giảm, nông dân mong giá cao

10:11, 29/11/2015

Vùng nuôi tôm công nghiệp tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch từng mang lại hiệu quả cao với nhiều "đại gia" nuôi tôm nổi tiếng. Nhưng nay nhiều người "treo" ao hoặc chuyển qua nuôi cá sau nhiều đợt tôm chết hàng loạt.

Vùng nuôi tôm công nghiệp tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch từng mang lại hiệu quả cao với nhiều “đại gia” nuôi tôm nổi tiếng. Nhưng nay nhiều người “treo” ao hoặc chuyển qua nuôi cá sau nhiều đợt tôm chết hàng loạt.

Vụ tết năm nay, hàng trăm hécta mặt nước nuôi cá nước ngọt tại các xã Bắc Sơn, Sông Trầu (huyện Trảng Bom) cũng lỡ vụ thu hoạch cuối năm vì thời điểm này nông dân vẫn còn đang khắc phục hậu quả sau vụ vỡ bờ đê do các đợt lũ vào tháng 9 vừa qua.

* Tôm nước lợ giảm dần diện tích

Các huyện Long Thành, Nhơn Trạch có gần 1 ngàn hécta diện tích nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Nhưng hiện nay, diện tích này ngày càng thu hẹp vì con tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Bà Võ Thị Thu Nguyệt, người chuyên thu mua thủy sản tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), cho biết thời điểm này việc thu mua tôm, cá nước lợ gặp khó khăn vì nguồn hàng khan hiếm, giá cao. Nhiều đầm nuôi tôm không xuất hàng, chờ giá thị trường tốt hơn mới thu hoạch. Nguyên nhân tôm tăng giá là do cung không đủ cầu vì diện tích nuôi tôm tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành ngày càng ít lại.

Hộ ông Nguyễn Văn Đức, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm sang nuôi cua nước lợ.
Hộ ông Nguyễn Văn Đức, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm sang nuôi cua nước lợ.

Ông Trần Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ, cho biết xã có trên 200 hécta diện tích mặt nước, trước đây chủ yếu đều nuôi tôm, nhiều nhất là tôm thẻ. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của môi trường, tôm bị dịch bệnh nhiều nên nông dân phải chuyển qua nuôi cách vụ hoặc chuyển đổi sang các mô hình nuôi cá, cua nước lợ. Hội Nông dân và chính quyền địa phương đang hỗ trợ một số hộ nông dân nuôi thử nghiệm con cua nước lợ, sau khi đánh giá mô hình hiệu quả sẽ nhân rộng cho bà con để thay thế mô hình nuôi tôm nhiều rủi ro về dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thành Trung, nông dân nuôi tôm tại xã Long Phước (huyện Long Thành), chia sẻ: “Thời gian qua, cứ thả đợt tôm nào là chết đợt đó. Có đợt gần đến thời điểm thu hoạch, tôm chết nổi trắng ao khiến tôi không kịp trở tay nên thua lỗ lớn. Tình trạng này xảy ra rất nhiều ở các hộ nuôi tôm tại Long Thành, Nhơn Trạch và khó khăn lớn nhất là người nuôi không tìm ra nguyên nhân của tình trạng tôm chết hàng loạt này”. Hiện một phần diện tích ao, ông Trung chuyển qua nuôi tôm, cá theo hướng quảng canh, một phần nuôi cá chẽm để vẫn có đồng ra đồng vào.

* Kỳ vọng về giá

Tuy còn vài tháng nữa mới đến vụ thu hoạch cá, tôm vụ tết, nhưng có nhiều tín hiệu vui để người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh kỳ vọng giá tôm, cá sẽ tăng vào vụ thu hoạch cuối năm do nguồn cung không đủ cầu vì diện tích nuôi thu hẹp. Hàng trăm hécta mặt nước nuôi cá tại các xã Bắc Sơn, Sông Trầu (huyện Trảng Bom) lỡ vụ thu hoạch tết năm nay vì các đợt lũ bất ngờ xảy ra vào tháng 9 vừa qua. Ông Trần Văn Trưởng, nông dân ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn), chia sẻ: “Hiện nông dân vẫn đang trong thời điểm khắc phục hậu quả của đợt lũ quét vừa qua. Vì hầu hết các ao, hồ bị sụt lở bờ bao cần đầu tư sửa chữa lại mới tái vụ được nên thời điểm này hầu như chưa có mấy nông dân thả vụ cá mới. Mặt khác, khó khăn về đồng vốn cũng là nguyên nhân khiến nông dân bỏ lỡ vụ cá tết”.

Theo các tiểu thương tại chợ cá Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) - chợ đầu mối cung cấp nguồn cá nước ngọt tại Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận, từ sau đợt lũ quét hồi tháng 9 đến nay, chợ cá chỉ hoạt động cầm chừng, các tiểu thương phải đi nhiều vùng khác tìm kiếm nguồn hàng vì tại địa phương hầu như không còn nguồn cá. Giá một số loại cá nước ngọt hiện đang nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Và tình trạng thiếu nguồn hàng này có thể kéo dài đến qua vụ tết.

Vùng nuôi tôm nước lợ mất vụ thu hoạch tết nhưng riêng vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) lại trúng mùa, sản lượng tăng hơn hẳn mọi năm. Ông Hoàng Văn Bình, nông dân nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, vui vẻ cho biết: “Thời điểm này một số hộ nuôi tôm tại địa phương đã bắt đầu bán tôm. Vụ thu hoạch sẽ rộ mùa từ tháng 12 cho đến Tết Nguyên đán. Sản lượng tăng nhưng mới vào đầu vụ mà giá tôm bán ra đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khiến người nuôi rất phấn khởi và kỳ vọng vào vụ thu hoạch cuối năm trúng mùa, trúng giá”.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều