Báo Đồng Nai điện tử
En

FDI tăng tốc đón hội nhập

08:12, 01/12/2015

Gần 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp  có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã liên tục tăng vốn, tuyển thêm công nhân và mở rộng sản xuất để đón lấy các thời cơ từ hội nhập. Một số tập đoàn FDI khẳng định sẽ còn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Đồng Nai.

Gần 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp  có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã liên tục tăng vốn, tuyển thêm công nhân và mở rộng sản xuất để đón lấy các thời cơ từ hội nhập. Một số tập đoàn FDI khẳng định sẽ còn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Đồng Nai.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong gần 11 tháng của năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 86 dự án có vốn đầu tư nước ngoài xin điều chỉnh tăng thêm vốn hơn 618 triệu USD, trong đó có gần 10 dự án FDI số vốn điều chỉnh tăng thêm trên 10 triệu USD.

* Tăng vốn “khủng”

Dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI về tăng vốn để mở rộng sản xuất trong năm nay tại Đồng Nai là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) với tổng vốn tăng thêm khoảng 77,4 triệu USD, tiếp đến là Công ty cổ phần TaeKwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) 56 triệu USD, Công ty TNHH Tae Kwang MTC Việt Nam trên 43 triệu USD, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam 35 triệu USD... Ba doanh nghiệp nằm trong tốp đầu về tăng vốn để mở rộng sản xuất trong năm nay đều thuộc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.

Sản xuất tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa).
Sản xuất tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa).

Ông Nam Jung Dae, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TaeKwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Để hưởng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), công ty đã có sự chuẩn bị từ trước. Trong gần 2 năm nay, công ty điều chỉnh tăng vốn 2 lần để mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tại Đồng Nai, công ty có khoảng 30 ngàn lao động và sản xuất khoảng 100 ngàn đôi giày/ngày. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ tuyển thêm khoảng 15 ngàn lao động và nâng công suất các nhà máy tại Đồng Nai lên 4 triệu đôi giày/tháng”. Trong năm 2014, Công ty cổ phần TaeKwang Vina đã điều chỉnh tăng vốn thêm 40 triệu USD và dự tính sẽ còn tiếp tục tăng vốn để mở rộng sản xuất trong những năm tới. Đây cũng là một trong 3 doanh nghiệp sản xuất giày lớn nhất Đồng Nai.

Trong 5 năm lại đây, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam liên tiếp điều chỉnh tăng vốn 6 lần với tổng vốn tăng là 464 triệu USD. Hiện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đang là doanh nghiệp xếp thứ 2 trong các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai (sau Công ty TNHH hưng nghiệp Formosa ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch). Theo đại diện của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, sau gần 8 năm đầu tư vào Đồng Nai, Hyosung Việt Nam đã nâng vốn lên hơn 1 tỷ USD và doanh thu năm nay ước đạt hơn 1 tỷ USD. Hiện sản phẩm sợi của của công ty đã xuất đi được nhiều nước trên thế giới. Hyosung Việt Nam mở rộng sản xuất tại Đồng Nai là nhằm đón cơ hội từ các FTA và TPP. Công ty TNHH hưng nghiệp Formosa năm 2014 đã điều chỉnh tăng vốn thêm 97 triệu USD để mở rộng sản xuất sợi, dệt nhuộm để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước. Vốn đầu tư của doanh nghiệp này vào Đồng Nai hiện lên đến trên 1,5 tỷ USD.

* Hội tụ nhiều tên tuổi lớn

Ông Masami Yamamoto, Chủ tịch Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản, cho biết: “Ban đầu Fujitsu đầu tư vào Đồng Nai gần 78 triệu USD để làm nhà máy lắp ráp mạch in điện tử. Nhưng đến nay, tập đoàn đã nâng vốn đầu tư tại Đồng Nai lên gần 200 triệu USD mở rộng sang lĩnh vực thiết kế và sản xuất bản mạch in điện tử. Đầu năm 2015, Fujitsu còn liên kết với Tập đoàn Mitani Sangyo Nhật Bản thành lập công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa khuôn đúc, vi mạch điện tử”. Tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Fujitsu chọn Đồng Nai để mở rộng sản xuất với mục tiêu đón đầu Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến Đồng Nai đầu tư, hầu hết đều làm ăn hiệu quả và mở rộng sản xuất gấp nhiều lần so với quy mô ban đầu như: Formosa, Hyosung, Changshin, Pouchen, CP, Mabuchi Motor, Fujitsu, Kenda, TaeKwang, CJ... Giao thông thuận lợi, các khu công nghiệp quy hoạch bài bản và tới đây Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ xây dựng, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư, mở rộng sản xuất cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CJ tại Việt Nam, cho hay: “Sau khi đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, chúng tôi đã liên kết với người chăn nuôi heo, gà trong tỉnh theo hình thức gia công tạo thành chuỗi khép kín. Thời gian tới, tập đoàn dự tính đầu tư trung tâm thương mại tại Đồng Nai”. Mặc dù ngành chăn nuôi trong nước được đánh giá là yếu thế nhất khi tham gia hội nhập, song các tập đoàn nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội từ ngành này và không ngại bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm triệu USD để đầu tư. Giữa năm 2015, Tập đoàn Kenda (Đài Loan) tăng vốn mở thêm nhà máy sản xuất lốp xe tại huyện Trảng Bom. “Trước đây, Tập đoàn Kenda đã đầu tư một nhà máy sản xuất vỏ ruột xe máy, ô tô, xe đạp tại Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) với số vốn đăng ký ban đầu 36 triệu USD, sau đó đã nâng lên 100 triệu USD. Để hưởng ưu đãi từ các FTA, tới đây là Cộng đồng kinh tế Asean, FTA Việt Nam - EU và TPP, Tập đoàn Kenda đã đầu tư thêm 160 triệu USD xây dựng thêm nhà máy sản xuất để xuất khẩu”.

Theo đánh giá của các tổng lãnh sự: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ý, Singapore... Đồng Nai là một trong những tỉnh hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư chọn lựa đầu tư mới và mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp của những nước này đang muốn đầu tư vào Đồng Nai.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều