Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh khắc phục sự cố cầu Ghềnh

10:04, 03/04/2016

Sáng 3-4, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về Đồng Nai kiểm tra hiện trường và họp giao ban về tình hình khắc phục sự cố cầu Ghềnh.

[links()]Sáng 3-4, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về Đồng Nai kiểm tra hiện trường và họp giao ban về tình hình khắc phục sự cố cầu Ghềnh.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ phải sang) cùng Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thị sát cầu Ghềnh bị sập.
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ phải sang) cùng Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thị sát cầu Ghềnh bị sập.

Đón tiếp và làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ có các đồng chí: Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Trường và Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải.

Ngành đường sắt tổn thất 1 tỷ đồng/ngày

Báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết, hiện mỗi ngày tổng công ty tổn thất khoảng 1 tỷ đồng do sự cố sập cầu Ghềnh. Chính vì vậy, tổng công ty hết sức phải khẩn trương rút ngắn thời gian khôi phục tuyến đường sắt này sớm ngày nào đỡ ngày đó. Đối với công tác thi công cầu, các đơn vị của tổng công ty quyết tâm rất cao để rút ngắn tối đa thời gian và cam kết sẽ xong trước ngày 15-7. Hiện tại dự án đang được triển khai theo phương án thiết kế tại chỗ, giám sát tại chỗ và thi công tại chỗ.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (áo trắng bên phải) xem phối cảnh cầu Ghềnh mới. Ảnh: K.Giới
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (áo trắng bên phải) xem phối cảnh cầu Ghềnh mới. Ảnh: K.Giới

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, Bộ đã huy động tất cả những đơn vị mạnh nhất, thiện chiến nhất để thực hiện công tác trục vớt và xây dựng cầu Ghềnh mới. Theo tiến độ sản xuất dầm cầu, 3 nhịp dầm thép có thể hoàn thành trong 2 tháng. Với mố trụ cầu, Bộ huy động 4 đơn vị làm cùng lúc. Lãnh đạo Bộ cũng cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách cũng như vận chuyển hàng hóa, hiện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang tiếp tục chuyển tải 50 toa tàu từ Ga Sài Gòn ra Ga Biên Hòa để phục vụ vận tải. Vào ngày 15-4 sẽ đưa toàn bộ phần mở rộng 3 ga là Trảng Bom, Hố Nai và Biên Hòa hoạt động để tăng việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Rút ngắn thời gian thi công cầu Ghềnh thêm nửa tháng

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ về công tác chủ động phối hợp với Bộ để khắc phục sự cố. Hiện phần dầm cầu bị sập đã được xử lý xong, điều này rất mừng vì lưu thông đường thủy được bình thường trở lại. “Nếu kéo dài việc trục vớt cầu sập là rất gay vì luồng sông này chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng đáp ứng một lượng lớn vật liệu cho khu vực” - Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho kiểm tra cầu Rạch Cát, vì đây cũng là “anh em song sinh” với cầu Ghềnh để sau này yên tâm sử dụng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết cầu Rạch Cát cũng nằm trong danh sách cầu phải nâng cấp trong thời gian tới. Hiện có 85 chiếc cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc diện cầu yếu, các cầu này đều nằm trong danh mục phải thay thế. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích: “Ở đây có nhiều nguyên nhân phải thay thế không chỉ là cầu yếu hoàn toàn mà có những cầu do tĩnh không đường thủy không đảm bảo. Hiện nay nhu cầu phát triển giao thông đường thủy lớn nên độ tĩnh không cầu không đảm bảo rất dễ xảy ra việc va chạm xô đổ các dầm và nhịp cầu”. Lãnh đạo Bộ cũng kiến nghị, Chính phủ quan tâm đến việc bố trí vốn để nâng cấp, thay thế các cầu yếu này.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc động viên cán bộ, công nhân đang tham gia thi công cầu Ghềnh. Ảnh: K.Giới
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc động viên cán bộ, công nhân đang tham gia thi công cầu Ghềnh. Ảnh: K.Giới

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong công tác khôi phục cầu Ghềnh các đơn vị thực hiện tổng lực và quyết liệt. Đẩy nhanh tiến độ thi công hơn nữa, thi công cả ngày lẫn đêm để rút ngắn thời gian thêm nửa tháng nữa từ 3,5 tháng xuống còn 3 tháng. Phó thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình và an toàn khi thi công không để xảy ra sự cố. Bộ Giao thông - vận tải chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam chủ động trong việc vận chuyển hành khách trong dịp lễ 30-4 sắp tới, thời điểm lượng khách nghỉ lễ đi lại tăng khá đông.

Đối với việc khắc phục các cầu yếu, Phó thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ rà soát ngay, chọn ra những cầu yếu nhất đưa vào phân kỳ đầu tư ngay sau khi khắc phục xong cầu Ghềnh và các năm 2017, 2018 để vài năm tới giảm lượng cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. “Hiện nay nguồn vốn ngân sách còn khó khăn nhưng không vì thế mà để những cầu yếu gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng người dân, vì vậy Bộ Giao thông - vận tải cần phải đưa vào phân kỳ đầu tư dần mỗi năm một ít” - Phó thủ tướng nói. Phó thủ tướng cũng lưu ý, về an toàn đường sắt, Bộ cần chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam rà soát lại các đường ngang và các vị trí nguy hiểm. Tai nạn đường thủy và đường sắt ít xảy ra hơn so với đường bộ nhưng khi sự cố xảy ra, hậu quả rất lớn.

Duy trì tổ chức chạy 8 đôi tàu/ngày

Khi đến kiểm tra việc khắc phục công tác vận chuyển hàng hóa từ Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom), Phó thủ tướng biểu dương nỗ lực làm việc, tinh thần cộng đồng trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn của cán bộ, công nhân nhà ga và ngành đường sắt.

Phó thủ tướng đề nghị việc cải tạo, mở rộng ga để đáp ứng vận chuyển hàng hóa cần phải được đẩy nhanh tiến độ đến ngày 12-4 tới có thể hoàn thành.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, để tăng cường năng lực vận chuyển, xếp dỡ, tổng công ty đã khẩn trương triển khai việc cải tạo, nâng cấp nhà ga, bãi hàng, đường xếp dỡ tại Ga Biên Hòa (dự kiến hoàn thành trước ngày 22-4), 2 ga Hố Nai và Trảng Bom (dự kiến hoàn thành trước ngày 12-4) nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến hành khách đi tàu và chủ hàng; đồng thời xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Hiện tại, Tổng công ty đường sắt Việt Nam vẫn duy trì tổ chức chạy 8 đôi tàu/ngày, giảm 3 đôi tàu/ngày từ sau sự cố sập cầu Ghềnh. Ngành đường sắt cũng phải lập mới các đôi tàu chuyển tải hành khách đoạn Sài Gòn - Sóng Thần và kết hợp với chuyển tải bằng ô tô đoạn Sóng Thần - Biên Hòa.

Theo TTXVN

Khắc Giới

 

 

 

 

Tin xem nhiều