Báo Đồng Nai điện tử
En

"Xử" vàng thiếu chuẩn

10:06, 26/06/2016

Sắp tới, những cơ sở không có giấy phép sản xuất - kinh doanh sẽ bị đóng cửa; chất lượng không đủ sẽ xử phạt nhằm tạo ra môi trường sản xuất - kinh doanh vàng đảm bảo chất lượng.

Sắp tới, đoàn liên ngành của tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh vàng tại Đồng Nai. Những cơ sở không có giấy phép sản xuất - kinh doanh sẽ bị đóng cửa; chất lượng không đủ sẽ xử phạt nhằm tạo ra môi trường sản xuất - kinh doanh vàng đảm bảo chất lượng.

Cán bộ Sở Khoa học - công nghệ kiểm tra chất lượng, hàm lượng vàng.
Cán bộ Sở Khoa học - công nghệ kiểm tra chất lượng, hàm lượng vàng.

Theo Sở Khoa học - công nghệ, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6-2016, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng (Sở khoa học - công nghệ) đã kiểm tra 50 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trong tỉnh, phát hiện và xử phạt khoảng 35 doanh nghiệp vi phạm về hàm lượng thấp hơn so với niêm yết và đã bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

* Không giấy phép: đóng cửa

Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 cơ sở sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Trước đây, chất lượng, hàm lượng vàng do các doanh nghiệp sản xuất tự công bố. Nhưng từ năm 2013, Bộ Khoa học - công nghệ đã có Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường để thống nhất chất lượng, hàm lượng bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 320 doanh nghiệp có sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Song, đến giữa tháng 6-2016 mới có 216 doanh nghiệp đăng ký cấp giấy chứng nhận sản xuất với Ngân hàng Nhà nước, còn lại hơn 100 doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký cấp phép. Nếu các doanh nghiệp sản xuất vàng không kịp thời đăng ký cấp phép, tới đây đoàn liên ngành kiểm tra, phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng.

Bà Ngô Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNHH vàng bạc đá quý Ngọc Phát (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết: “Năm 2014, tôi đã cho kiểm tra lại hầu hết các sản phẩm vàng, nếu không đạt hàm lượng đều cho nấu lại. Việc này khiến các doanh nghiệp sản xuất vàng thiệt thòi, nhưng về lâu dài việc quản lý chặt chất lượng sẽ tốt cho cả bên sản xuất - kinh doanh lẫn người mua”. Thông tin về việc nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh vàng trong tỉnh bị xử phạt nặng do hàm lượng vàng của các sản phẩm bán ra thấp hơn niêm yết đã khiến các cơ sở chú ý kiểm tra lại hàm lượng.

Ông Nguyễn Văn Tòng, Chủ tiệm vàng Kim Tân 2 (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) nói: “Nhiều sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của tiệm được lấy từ TP.Hồ Chí Minh nên họ công bố hàm lượng bao nhiêu, tiệm niêm yết lại như vậy. Nhưng qua đợt kiểm tra vừa rồi, tôi đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng ở TP.Hồ Chí Minh ghi rõ trong hợp đồng, khi Nhà nước kiểm tra phát hiện hàm lượng vàng thấp hơn, bên cung cấp phải chịu trách nhiệm”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), Nhà nước quản lý chặt hơn về chất lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ giúp người tiêu dùng không bị “móc túi” khi mua vàng, giúp thị trường vàng ổn định theo đúng giá trị thực. Các cửa hàng kinh doanh vàng muốn kinh doanh lâu dài và giữ chân khách hàng phải đảm bảo về chất lượng, hàm lượng.

* Quản lý chặt hơn

Thông tin từ Sở Khoa học - công nghệ, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh vàng vừa qua nhằm giúp thị trường vàng tại Đồng Nai ổn định, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. “Kiểm tra cho thấy chủ yếu vàng sản xuất trước năm 2014 không đủ chất lượng, còn những sản phẩm sản xuất sau thời điểm này hầu hết đúng chất lượng, hàm lượng như công bố. Đợt kiểm tra vừa qua là theo kế hoạch của Bộ Khoa học - công nghệ nhằm hạn chế tình trạng gian lận, chấn chỉnh lại thị trường vàng” - ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho hay.

Vàng trang sức, mỹ nghệ bán phải niêm yết hàng lượng đúng, nếu kiểm tra thấp hơn sẽ bị xử phạt nặng.
Vàng trang sức, mỹ nghệ bán phải niêm yết hàng lượng đúng, nếu kiểm tra thấp hơn sẽ bị xử phạt nặng.

Trong tháng 7 và 8-2016, tỉnh sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh vàng trong tỉnh về giấy phép kinh doanh, cấp phép sản xuất và chất lượng, hàm lượng các sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ đang kinh doanh.

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ có dịch vụ thử hàm lượng vàng (tuổi vàng) cho người mua vàng trang sức, mỹ nghệ bằng thiết bị quang phổ với chi phí từ 12-30 ngàn đồng/sản phẩm. Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, từ tháng 7-2016 nếu kết quả thử có hàm lượng thực tế thấp hơn hàm lượng vàng ghi trên hóa đơn hợp pháp của cơ sở kinh doanh, người mua vàng không phải trả chi phí thử vàng và được thanh toán tiền chi phí đi lại tối đa đến 100 ngàn đồng/lần.

Ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Theo Nghị định 24 của Chính phủ, từ năm 2013 các cơ sở sản xuất vàng phải chuyển đổi thành doanh nghiệp và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Thời gian qua, ngân hàng chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở làm cho đúng. Sắp tới, tỉnh thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, nếu vi phạm có thể bị phạt 150 triệu đồng”. Bên cạnh đó, những cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng có thể bị rút giấy phép kinh doanh, giấy phép sản xuất.

Tỉnh siết chặt lại quản lý sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ buộc các cơ sở kinh doanh vàng phải lấy hàng từ những doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo chất lượng. Trong đợt kiểm tra tới, những doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng, hàm lượng vàng sẽ bị công khai rõ tên, địa chỉ, như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều