Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất cơ chế riêng cho TP.Biên Hòa phát triển

11:07, 25/07/2016

TP.Biên Hòa vừa đề xuất có cơ chế, chính sách riêng để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm đô thị loại I. Trong đó, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố...

TP.Biên Hòa vừa đề xuất cơ chế, chính sách riêng cho thành phố để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm đô thị loại I. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhằm tạo ra bước đột phá nếu có cơ chế chính sách phù hợp.

Một góc TP.Biên Hòa đoạn qua phường An Bình.
Một góc TP.Biên Hòa đoạn qua phường An Bình.

Theo UBND TP.Biên Hòa, thành phố đang cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được cho giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030. Xây dựng danh mục các dự án hạ tầng khung, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ưu tiên đầu tư nhằm kết nối các khu vực phát triển đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

* Ưu tiên cho hạ tầng

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm TP.Biên Hòa đặt ra để cải tạo đô thị đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I. Trong đó, TP.Biên Hòa sẽ tập trung vào 4 mảng hạ tầng chính là: giao thông, cây xanh, thoát nước thải, xử lý chất thải rắn và kiến trúc cảnh quan. Cụ thể, từ nay đến 2020 TP.Biên Hòa sẽ triển khai 21 dự án để cải thiện nâng cấp đô thị, ưu tiên hàng đầu là nâng cấp mở rộng 7 con đường huyết mạch trong thành phố để giao thông thông thoáng, như: dự án mở rộng đường Bùi Văn Hòa, Phạm Văn Thuận; các tuyến đường phường Tân Phong, Long Bình Tân, Long Bình, Trảng Dài...

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Biên Hòa đã đề xuất tỉnh có cơ chế, chính sách riêng cho thành phố để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiến nghị tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên làm trước các dự án giao thông huyết mạch giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”. Ngoài 7 dự án mở rộng, nâng cấp các con đường trên thì TP.Biên Hòa cũng đề nghị bố trí thêm vốn để mở rộng, nâng cấp thêm 14 con đường khác của thành phố là: đường nối từ đường Phan Đình Phùng đến chợ cây Chàm ở phường Quang Vinh; đường song hành với xa lộ Hà Nội từ nút giao thông tháp nước đến ngã tư Tam Hiệp, đường Nguyễn Tri Phương đoạn từ ấp Cầu Hang đến cầu Rạch Cát; đường nối từ Amata sang Võ Nguyên Giáp; đường nối cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K...

Những dự án giao thông trên xây dựng xong sẽ tạo điều kiện cho TP.Biên Hòa phát triển mạnh về kinh tế và gắn kết với phát triển vùng. Theo các chuyên gia kinh tế, với 21 dự án nâng cấp, mở rộng đường được thực hiện đô thị Biên Hòa sẽ trở thành nơi thu hút phát triển dịch vụ, vì đây là thành phố đông dân với hơn 1 triệu người.

* Cần nguồn vốn lớn

Để phát triển theo quy hoạch từ nay đến năm 2025, TP.Biên Hòa cần hơn 16,3 ngàn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016 - 2020 gần 9,7 ngàn tỷ đồng, còn lại hơn 6,6 ngàn tỷ đồng dành cho giai đoạn 2021-2030. Nguồn vốn trên sẽ được huy động trong nước và vốn vay ODA.

TP.Biên Hòa có diện tích tự nhiên gần 26,4 ngàn hécta với 30 đơn vị hành chính, gồm 23 phường và 7 xã. Theo lộ trình, Biên Hòa hình thành 4 khu vực phát triển đô thị là: khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông, khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khu đô thị phía Đông đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và khu đô thị trung tâm lịch sử.

“Nguồn vốn để đầu tư cho phát triển đô thị Biên Hòa quá lớn, nên trong thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên vốn phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Những dự án hạ tầng khi được nâng cấp, mở rộng sẽ chú ý đến kiến trúc để tạo nét riêng cho Biên Hòa” - Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng nói.

Hiện nay, TP.Biên Hòa vẫn đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại I. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh: “Vốn đầu tư phát triển TP.Biên Hòa khá lớn nên tập trung cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án để phân bổ vốn thực hiện trước. Các dự án hạ tầng giao thông, thoát nước được thực hiện trước”.

Ngoài các dự án về giao thông, thoát nước được ưu tiên thực hiện trước, TP.Biên Hòa cũng tập trung nguồn lực tu bổ các di tích lịch sử, mạng lưới cung cấp điện, xây dựng công viên cây xanh, xử lý chất thải bảo vệ môi trường để phát triển du lịch. Theo ông Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, tỉnh nên rà soát lại và lược bỏ một số dự án về văn hóa nghệ thuật không cần thiết cho phù hợp với thực tế phát triển và tránh lãng phí. Việc đặt các trung tâm văn hóa - nghệ thuật như nhà hát lớn nên tính toán địa điểm đầu tư để khi xây dựng khai thác hết công năng.

Khánh Minh

 

 

 

Tin xem nhiều