Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp đau đầu vì quy định xa vời

10:07, 11/07/2016

Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 19) đặt mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 19) đặt mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nghị quyết này nhằm tạo một môi trường thông thoáng và điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, thế nhưng tiến triển chưa được như mong đợi.

* Khổ vì kiểm định

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - đầu tư mới đây về thực hiện Nghị quyết 19, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nghị quyết và thực thi nghị quyết. Trên thực tế còn nhiều rào cản gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về kinh doanh, quản lý chuyên ngành.

Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch.
Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch.

Vừa qua, Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) nhập khẩu một số motor xoay chiều 3 pha về nước để thay thế cho các motor bị hỏng trong sản xuất. Nhưng theo quy định hiện hành, sản phẩm này thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Lô sản phẩm này phải đăng ký và đưa đi thử nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường  chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội bởi ở phía Nam chưa có nơi kiểm tra. Theo tính toán của Trưởng phòng nhập khẩu của doanh nghiệp - ông Lương Kim Thu, thì các chi phí, như: tiền vận chuyển, phí kiểm nghiệm và các khoản phụ phí khác cộng lại thì số tiền còn cao hơn giá trị của motor. “Chúng tôi chỉ nhập về với số lượng nhỏ để phục vụ sản xuất, không bán ra thị trường nên thiết nghĩ việc kiểm nghiệm là không cần thiết, bởi chính chúng tôi biết cần phải nhập những loại hàng nào tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí sản xuất”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ. Trong khi máy rất cần đưa vào hoạt động doanh nghiệp vẫn phải “cắn răng” chờ đi kiểm nghiệm.

Tương tự, ở Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) Công ty TNHH Dong-Il nhập khẩu lô hàng phụ tùng thay thế của máy kéo sợi, trong đó có 26 chiếc motor và cũng phải đưa đi kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Điều “ngao ngán” của doanh nghiệp này không chỉ nằm ở chi phí mà còn lo lắng trong quá trình vận chuyển đi rồi trở lại bị hư hỏng. Thiệt hại nặng nhất mà doanh nghiệp này nêu ra là thời gian chờ kiểm nghiệm mất từ 60 - 90 ngày, trong khi nhà máy lại đang cần motor để hoạt động.  Cũng liên quan đến việc kiểm nghiệm này, Công ty TNHH nhãn bao bì Vina Úc gặp khó trong việc này.

* Thông tư ở… trên mây

Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, cho rằng thông tư quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng của Bộ Công thương đang gây rất khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cả đơn vị hải quan. “Quy định buộc phải thực hiện nhưng khi thực hiện thì các doanh nghiệp lại cho là gây khó, đây là những điều tôi thấy không cần thiết. Vừa qua chúng tôi phải gửi công văn cho UBND tỉnh để kiến nghị Bộ Công thương chỉ định thêm tổ chức kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu mặt hàng động cơ điện ở TP.Hồ Chí Minh để doanh nghiệp phía Nam dễ dàng kiểm định hơn” - ông Danh nói. Ông Danh cũng cho rằng việc kiểm định này đối với doanh nghiệp nhập khẩu motor về phục vụ sản xuất là không cần thiết, bởi họ không bán ra thị trường.

Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai còn chỉ ra nhiều quy định bất cập khác của Bộ Công thương ban hành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Cụ thể, như: Thông tư 37/2015/TT-BCT thay thế và có hiệu lực từ tháng 12-2015 thay thế cho Thông tư 39/2009 của Bộ Công thương quy định về kiểm tra formaldehyde đối với sản phẩm dệt may, không những không tạo thuận lợi còn gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn. Bởi trong thực tế qua 7 năm kiểm tra formaldehyde, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể  lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỷ đồng chi phí cho việc kiểm tra, thời gian thông quan hàng cũng bị kéo dài. Hay quy định về xác nhận khai báo hóa chất; ghi nhãn phụ hàng hóa bằng tiếng Việt đối với nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu.

Với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, có quy định thực hiện kiểm dịch bông nhập khẩu cũng không hợp lý. Bởi, bông nguyên liệu đã qua chế biến công nghiệp, các doanh nghiệp mới nhập về lại vẫn phải kiểm dịch. Những rào cản này đang làm khó cho các doanh nghiệp đáng kể, không đúng với tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra.

Khắc Giới

 

 

 

Tin xem nhiều