Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm bớt rủi ro trong xuất nhập khẩu

11:11, 21/11/2016

Những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro trong xuất nhập khẩu. Thâm chi, có những DN phải "ngậm đắng" chỉ vì thiếu khả năng, kinh nghiệm xem xét các điều khoản trong hợp đồng xuất nhập khẩu.

Những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai cũng như cả nước gặp rủi ro trong xuất nhập khẩu với DN nước ngoài. Nhưng từ ngày 1-1-2017, Công ước Vienna của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) có hiệu lực tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các tranh chấp để DN Việt giảm rủi ro.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam có xuất nhập khẩu đều rất mong đợi CISG có hiệu lực. Trong ảnh: Sản phẩm Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) trên 90% xuất khẩu.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam có xuất nhập khẩu đều rất mong đợi CISG có hiệu lực. Trong ảnh: Sản phẩm Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) trên 90% xuất khẩu.

Đồng Nai có trên 3 ngàn DN tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn đến tranh chấp trong giao thương với DN nước ngoài xảy ra thường xuyên. Có những DN phải “ngậm đắng” chỉ vì thiếu khả năng, kinh nghiệm xem xét các điều khoản trong hợp đồng xuất nhập khẩu. Không những vậy, nhiều DN còn lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài.

Giảm được rủi ro

Công ước Vienna của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo và được thông qua tại hội nghị ngoại giao ngày 11-4-1980, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1988. Công ước được coi là văn bản pháp luật thống nhất về quy định đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên được nhiều quốc gia, mặc dù có điều kiện kinh tế, chính trị và pháp luật khác nhau nhưng đã chấp nhận và tham gia một cách rộng rãi.

Mới đây nhất là vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH Gia Hân (TP.Biên Hòa) và một số công ty sản xuất gỗ khác với Công ty Globle Home. Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, từ đầu năm đến nay liên tục diễn ra các vụ tranh chấp giữa các DN thuộc Hiệp hội Điều, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Điểm chung khi có tranh chấp là các DN Việt cũng chỉ biết phản ánh đến các tham tán thương mại để nhờ hỗ trợ. Trong hơn 10 tháng của năm 2016, trung tâm đã tiếp nhận và xử lý gần 1,1 ngàn vụ kiện, trong đó 60% các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán mà chủ yếu là mua bán ngoại thương. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2017 CISG có hiệu lực tại Việt Nam, nhiều rủi ro trong giao thương quốc tế sẽ giảm. Đây được xem là các quy định thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế với 101 điều khoản liên quan đến các vấn đề pháp lý kể từ khi hình thành hợp đồng. CISG còn quy định quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, đồng thời chỉ rõ những chế tài khi một trong 2 bên vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa...

Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: “Hiện đã có 85 quốc gia là thành viên của CISG và hầu hết các quốc gia này là đối tác kinh doanh của Việt Nam. Do đó, trước khi tham gia ký kết hợp đồng, DN nên rà soát kỹ các điều khoản để đảm bảo phù hợp và tận dụng tốt nhất các lợi ích từ CISG mang lại”.

Lợi ích của CISG

Khi CISG có hiệu lực thì các hợp đồng mua bán của DN Việt Nam với 84 quốc gia thành viên sẽ tự động được áp dụng. Việc này mang đến nhiều thuận lợi cho DN Việt Nam có tham gia xuất nhập khẩu vì giảm được chi phí pháp lý, giải quyết tranh chấp nhanh. Nhiều DN Đồng Nai có mua bán quốc tế đánh giá CISG là nguồn luật an toàn, hiện đại, phù hợp với thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế.

Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Posco VTC ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 6 ngàn tấn sản phẩm thép không gỉ, trị giá khoảng 15 triệu USD đến hơn 10 quốc gia, việc tranh chấp trong mua bán là khó tránh khỏi. Sắp tới CISG có hiệu lực, khi không may xảy ra tranh chấp việc giải quyết sẽ đơn giản và nhanh hơn. Như vậy sẽ giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp”.

Từ đầu năm 2017, tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các DN tại Việt Nam và đối tác ở các nước là thành viên của CISG sẽ tự động được điều chỉnh bởi CISG, trừ khi các bên thể hiện rõ ràng trong hợp đồng là CISG không điều chỉnh hợp đồng. TS.Nguyễn Minh Hằng, trọng tài viên, Trưởng khoa Luật Trường đại học ngoại thương, cho rằng: “Điều thuận lợi nhất CISG là những đối tác lớn của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đều tham gia. Song để tận dụng được các lợi thế CISG mang lại, các DN Việt nên nghiên cứu kỹ 101 điều khoản trong CISG, đồng thời nên lưu ý những vấn đề pháp lý CISG không điều chỉnh”. Những vấn đề CISG không điều chỉnh là hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ, bán đấu giá, cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, điện năng...

Khánh Minh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích