Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển hướng sản xuất nông sản sạch

10:08, 20/08/2017

Nhu cầu tiêu dùng về nông sản sạch hiện đang tăng nhanh, thu hút nhiều người quan tâm đầu tư sản xuất an toàn, trong đó có cả nông dân sản xuất với quy mô nhỏ cũng đang chuyển hướng sang sản xuất sạch.

Nhu cầu tiêu dùng về nông sản sạch đang tăng nhanh, thu hút nhiều người quan tâm đầu tư sản xuất an toàn. Ngoài những tập đoàn, doanh nghiệp, chủ trang trại có vốn lớn ứng dụng công nghệ cao đầu tư sản xuất sạch, nông dân sản xuất với quy mô nhỏ cũng đang chuyển hướng sang sản xuất sạch.

Tiêu GAP do nông dân huyện Cẩm Mỹ sản xuất xuất khẩu được đi các nước châu Âu nhờ đảm bảo về chất lượng, an toàn.
Tiêu GAP do nông dân huyện Cẩm Mỹ sản xuất xuất khẩu được đi các nước châu Âu nhờ đảm bảo về chất lượng, an toàn.

Từ cách sản xuất tự phát nông sản an toàn chủ yếu bán cho người quen theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, nông dân ngày càng quan tâm đăng ký cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) GAP, đăng ký nhãn hiệu để nông sản sạch có thương hiệu với đầu ra bền vững.

* Từ sản xuất tự phát

Thị trường thực phẩm sạch không chỉ thuộc về một số thương hiệu được đầu tư bài bản, mà khá đa dạng với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần tư nhân. Tại các chợ quê truyền thống, rau vườn trồng theo kiểu chỉ vài ba luống, chỉ dùng phân chuồng, không sử dụng thuốc trừ sâu được các bà nội trợ rất ưa chuộng; chất lượng, sự an toàn của rau, quả được chứng nhận theo kiểu vườn nhà này ở trong xóm, người mua là hàng xóm, người quen vẫn thấy và giám sát hàng ngày cách người trồng chăm sóc. 

Từ gần 10 năm trước, ông Đoàn Thanh Lâm (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đã đầu tư làm vườn rau sạch với mong muốn có rau sạch cho gia đình sử dụng. Ông tự mày mò học hỏi, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, nhờ cán bộ kỹ nông nghiệp tại địa phương hướng dẫn thêm.

Cách ông làm rau sạch là không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Rau của ông được phòng chống sâu bệnh bằng cách trồng trong nhà lưới, sử dụng các bài thuốc thân thiện với môi trường, như: tự ủ phân hữu cơ, sử dụng lòng đỏ trứng gà pha với dầu hạt cải hoặc dùng tỏi, gừng giã dập ngâm với rượu phun lên rau...

Rau sạch của ông Lâm vẫn mơn mởn, mượt mà chứ không phải cằn cỗi, lá đầy sâu như kinh nghiệm mua rau sạch các bà nội trợ hay chia sẻ. Ông cho biết: “Suốt thời gian dài, tôi chủ yếu bán rau sạch ra chợ với giá như rau thường. Đa số khách hàng cũng không mấy quan tâm rau này có an toàn hay không”.

Nhiều năm qua, ông Lâm vẫn giữ nguyên diện tích vườn rau rộng khoảng 500m2 vì khó mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhưng nhờ kiên trì làm rau sạch và sản phẩm ngày càng được thị trường biết tiếng, ông đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất, chuẩn hóa quy trình trồng bằng cách kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, đăng ký được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn, cơ sở kinh doanh để làm nhãn hàng cho sản phẩm sạch... 

Thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến mặt hàng rau sạch, tốt cho sức khỏe, bà Phan Thị Phượng, nông dân xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) đã chặt bỏ vườn chôm chôm và cây tạp kém hiệu quả sang trồng khổ qua rừng.

Để có vườn khổ qua rừng đúng chất, bà Phượng bỏ công đi đào cây giống mọc hoang ngoài thiên nhiên về trồng. Bà cũng tạo môi trường cho khổ qua rừng phát triển như ngoài thiên nhiên, không lạm dụng phân, thuốc để có rau an toàn.

Lúc đầu bà chỉ bán được cho người trong xóm và đưa ra bán trôi nổi ngoài chợ, dần dần ngày càng đông khách hàng biết tiếng ủng hộ, không chỉ người dân tại địa phương mà các nhà hàng, quán ăn và khách từ TP. Hồ Chí Minh cũng tin tưởng đặt hàng. Hiện bà Phượng đã mở rộng diện tích vườn khổ qua rừng gần 2 hécta nhưng cung vẫn không đủ cầu.

* Đến đầu tư bền vững

Từ cách làm tự phát với quy mô nhỏ, nông sản sạch Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những nhãn hàng được thị trường biết tiếng, như: bưởi GAP Tân Triều, gạo Tân Bình Lục (huyện Vĩnh Cửu), rau sạch Hợp tác xã Trường An (huyện Xuân Lộc), tiêu GAP huyện Cẩm Mỹ...

Nông dân cũng ngày càng quan tâm đến xây dựng nhãn hàng, thương hiệu riêng để mở rộng sản xuất và có đầu ra bền vững hơn cho nông sản sạch. Có thể nói, gạo sạch Tân Bình Lục (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) là một trong những mặt hàng nông sản do nông dân đầu tư đi đầu về xây dựng thương hiệu riêng và sớm được thị trường biết tiếng.

Có được điều này là vì ngay từ những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, đơn vị sản xuất đã quan tâm đầu tư logo, đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu gạo sạch Tân Bình Lục với mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng và phát triển bền vững cho sản phẩm gạo sạch.

Th.S Trần Thị Phương Chi, người phụ trách chương trình sản xuất gạo sạch Tân Bình Lục, cho rằng: “Sản xuất sạch rất đa dạng, có thể phát triển bởi những nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, ít vốn chứ không chỉ là câu chuyện của những đại gia lớn, làm nông nghiệp công nghệ cao”.

Tuy nhiên theo bà Chi, nông dân sản xuất sạch ngày càng chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến đăng ký để được cấp chứng nhận chất lượng, quan tâm đầu tư bao bì, nhãn hiệu chứ không còn là thời làm sạch, bán hàng sạch theo cách tự phát như trước.

Để làm được điều đó, nông dân cần liên kết lại để mở rộng quy mô, đồng thời có vốn để đầu tư bài bản hơn. Nhà nước hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất sạch và đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm... Mặt khác, thị trường cho nông sản sạch ngày càng mở rộng cũng đang khuyến khích tư nhân đua nhau đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại trái cây an toàn Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), chia sẻ: ”Nhiều năm qua, trang trại vẫn kiên trì sản xuất sạch. Nhờ đầu tư trồng các giống đặc sản, như: mãng cầu hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, bơ sáp... nên trái cây bán ra thị trường có giá tốt chứ chưa phải vì đây là trái cây an toàn. Tuy nhiên, trang trại vẫn đang đầu tư sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP vì tin tưởng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn và cơ hội thị trường cho trái cây sạch ngày càng rộng mở”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều