Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh nuôi đặc sản

10:08, 20/08/2017

Bước vào tuổi hưu, cựu chiến binh Trần Văn Đức (KP.6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn mát tay với nghề nuôi chim yến và các loại con đặc sản, như: nhím, rắn.

Bước vào tuổi hưu, cựu chiến binh Trần Văn Đức (KP.6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn mát tay với nghề nuôi chim yến và các loại con đặc sản, như: nhím, rắn.

Ông Trần Văn Đức giới thiệu tổ yến sau khi sơ chế, dòng sản phẩm hiện đang được thị trường tiêu thụ mạnh. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trần Văn Đức giới thiệu tổ yến sau khi sơ chế, dòng sản phẩm hiện đang được thị trường tiêu thụ mạnh. Ảnh: B.Nguyên

Ông thuộc lớp nông dân đầu tiên tại địa phương đầu tư nuôi các vật nuôi đặc sản này và hiện ông vẫn kiên trì theo đuổi suốt quá trình thăng trầm của thị trường vật nuôi đặc sản.

* Sẵn sàng thử mô hình mới

Quê gốc ở Ninh Bình, xuất ngũ, ông Đức và gia đình vào đất Đồng Nai lập nghiệp. Sau khi lập gia đình, ông Đức và vợ lại quyết định chuyển từ huyện Tân Phú về Vĩnh Cửu, nơi ông đang làm việc để sinh sống. Thời điểm đó, ông Đức vừa là công chức nhà nước, vừa mua đất rẫy tăng gia sản xuất thêm. Trồng bắp, trồng màu kém hiệu quả, vợ chồng ông chuyển đổi sang hoạt động mua bán nông sản.

Ông Đức nhớ lại: “Lúc đó làm công chức đồng lương không nhiều, tôi quyết định xin nghỉ hẳn để tập trung cho công việc kinh doanh nông sản. Khi có đồng vốn trong tay, gia đình tôi lại mở thêm trang trại chăn nuôi heo và dần mở rộng quy mô trang trại lên hàng ngàn con”.

Khi vùng đất Vĩnh An ngày càng đông dân cư, thị trường cho con heo lại thiếu sự ổn định bền vững, ông Đức lại mày mò thử nghiệm mô hình mới là chọn nuôi các loài đặc sản. Ông bỏ công học kinh nghiệm nuôi con nhím.

Theo ông Đức: “Nuôi con đặc sản hiệu quả cao nhưng thất bại cũng đau. Bản thân tôi cũng không ít lần thua đau vì đầu ra của các giống đặc sản, như: rắn, cá sấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Khi nông dân ồ ạt đua nhau nuôi, giá đặc sản rớt xuống thành hàng thường”.

* Tận dụng nhà ở  nuôi chim yến

Ông Đức cũng là người đi tiên phong ở vùng đất Vĩnh Cửu trong nghề nuôi chim yến. Biết đặc tính yến là loại chim không sợ người, từ hơn chục năm trước, ông Đức đã tận dụng phần mái rộng rãi khu lầu trên của căn nhà để thu hút chim yến về sinh sống. Ban đầu chỉ 4 con chim yến bay về mái nhà của ông trú ẩn, nhưng ông vẫn kiên trì vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm trong nghề nuôi yến còn khá mới mẻ lúc bấy giờ.

Ông Đức chia sẻ: “Hiện nay, bản thân tôi vẫn trực tiếp làm mọi khâu từ công việc coi sóc đến khai thác yến. Ngày càng nhiều người đầu tư nuôi yến nên nguồn chim yến bị chia sẻ nhiều. Loài chim này cũng khó tính hơn trong chọn lựa nơi cư trú”.

Để giữ chân đàn yến cũ và thu hút thêm chim yến mới, nhà yến không chỉ đáp ứng những nhu cầu của chim trưởng thành mà còn phải đảm bảo sự thoáng mát và đủ không gian rộng rãi cho chim non tập bay là kinh nghiệm của lão nông mát tay nuôi đặc sản này.

Tổ yến là sản phẩm xa xỉ nhưng ông Đức không lo về đầu ra. Vì ngoài khách mua lẻ tại địa phương và những vùng lân cận, tổ yến của gia đình ông không thiếu những mối khách mua sỉ vì tổ yến luôn đạt hàm lượng chất dinh dưỡng cao khi đưa mẫu đi phân tích. Ông Đức cũng rất chú trọng khâu sơ chế, bảo quản hoàn toàn bằng thủ công để tổ yến thật sự thuần chất thiên nhiên.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích