Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăm di tích cấp quốc gia Biên Hòa

08:11, 30/11/2017

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.Biên Hòa là nơi còn lưu giữ khá nhiều những di tích xếp hạng cấp Quốc gia, như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền,  nhà Xanh, Khu danh thắng Bửu Long, Nhà hội Bình Trước...

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.Biên Hòa là nơi còn lưu giữ khá nhiều những di tích xếp hạng cấp Quốc gia, như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền,  nhà Xanh, Khu danh thắng Bửu Long, Nhà hội Bình Trước...

Đình Tân Lân nằm trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa).
Đình Tân Lân nằm trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa).

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, TP.Biên Hòa có 16 di tích cấp quốc gia nằm ở các phường, xã. Trải qua thời gian nhiều di tích đã được trùng tu và là nơi thu hút nhiều du khách đến Biên Hòa muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

* Đình Tân Lân

Đình Tân Lân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, hướng ra sông Đồng Nai thuộc phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa). Tương truyền, đình Tân Lân xưa là ngôi miếu nhỏ ở Thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) để tỏ lòng ngưỡng mộ Tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định.

Trải qua nhiều thăng trầm, ngôi đình xuống cấp. Năm 1935 nhân dân xây dựng lại đình với quy mô, kiến trúc khá đồ sộ. Mặt bằng tổng thể được bố trí theo hình chữ “Tam” gồm: tiền đình, chánh điện và hậu đình nối tiếp nhau theo kiểu kết cấu kiến trúc truyền thống của dân tộc. Năm 1951, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương trong việc thờ cúng, đình xây dựng thêm miếu Ngũ Hành Nương Nương và Thánh Thạch Cổ Miếu và bia tiểu sử đã tạo nên diện mạo như ngày nay.

Đến với đình Tân Lân, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo lớn trong khuôn viên rộng gần 3 ngàn m2, mang đậm dấu ấn văn hóa Hoa Nam kết hợp với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đình Tân Lân cũng giống như nhiều ngôi đình làng Nam bộ khác được các triều đại vua chúa sắc phong tôn thần Thành Hoàng bổn cảnh như một sự xác định chủ quyền đất đai của nhà vua và lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân. Ngày nay, đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban tặng với nội dung “Bảo an, chính trực, hữu thiện đôn ngưng chi thần”. Ngoài ra còn có nhiều bức hoành phi, liễn đối gỗ, bát bửu và chuông đồng... rất giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của ngôi đình trong quá trình phát triển vùng đất Biên Hòa xưa.

Kiến trúc đình Tân Lân còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm đặc sắc của những nghệ nhân gốm Biên Hòa. Năm 1991, đình Tân Lân và lễ hội kỳ yên đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

* Nhà hội Bình Trước

Những người lớn tuổi ở TP.Biên Hòa hầu hết đều biết đến Nhà hội Bình Trước. đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia khá nổi tiếng và có kiến trúc độc đáo. Nhà hội Bình Trước nằm phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa), được xây dựng năm 1936 với sự đóng góp rất lớn của những nghệ nhân tài hoa ở Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1991.

Nhà hội Bình Trước nằm trên đường 30-4 (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa).
Nhà hội Bình Trước nằm trên đường 30-4 (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa).

Hơn 80 năm trôi qua, Nhà hội Bình Trước được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Dù không phải là đình, chùa, đền, miếu nhưng Nhà hội Bình Trước lại có được nét độc đáo, trang nghiêm của kiến trúc đình làng với mái ngói âm dương xen lẫn ngói lưu ly men xanh. Hệ thống mái có gờ chỉ, trang trí cặp rồng uốn lượn, tượng trưng cho an lạc và thái bình.

Bước vào tiền sảnh, du khách sẽ bị cuốn hút bởi hai bức phù điêu gốm chạm nổi được bố cục chặt chẽ, tinh vi thể hiện các ngày hội truyền thống Việt Nam. Phía trên tiền sảnh nổi lên dòng chữ Hán “Nhà hội Bình Trước” bằng gồm men xanh. Cửa chính có hai câu đối bằng gốm, chữ đầu của mỗi câu ráp lại thành tên “Bình Trước”. Đối diện 2 cửa phụ là 2 bức tranh chạm gốm hình người cưỡi ngựa dọc nguyệt lầu. Hai bên cửa là cặp lân đá được chạm khắc công phu trong tư thế phủ phục.

Nơi đây, ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật còn là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nguyệt Hạ

Tin xem nhiều