Báo Đồng Nai điện tử
En

Để cây tiêu phát triển bền vững

07:12, 12/12/2017

Thời gian qua, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây tiêu xảy ra trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Một trong những nguyên nhân là do nông dân đã lạm dụng thuốc và phân bón hóa học...

Thời gian qua, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây tiêu xảy ra trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Một trong những nguyên nhân là do nông dân đã lạm dụng thuốc và phân bón hóa học làm cho cây tiêu suy yếu và dễ nhiễm bệnh.

Ông Lê Mai Long (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc các nọc tiêu chuẩn bị cho đợt xuống giống mới.
Ông Lê Mai Long (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc các nọc tiêu chuẩn bị cho đợt xuống giống mới.

Một số hộ nông dân chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học, nhờ vậy vườn tiêu bị bệnh dần hồi phục và cho năng suất cao. Tiêu trồng theo hướng hữu cơ phát triển tốt nên nông dân ngày càng quan tâm đến việc chuyển hướng sang trồng tiêu sạch, bền vững.

* Cứu tiêu chết nhanh, chết chậm

Dù nhiều vườn tiêu ở huyện Cẩm Mỹ bị thiệt hại nặng nề do nhiễm bệnh, nhưng vườn tiêu 7 năm tuổi của gia đình bà Lê Kim Phượng, nông dân xã Bảo Bình, vẫn xanh mượt đầy sức sống. Ít ai ngờ được trước đây, vườn tiêu của gia đình bà cũng từng bị nhiễm bệnh, cây thì chết, cây thì lá tiêu cứ úa vàng, èo uột và cho năng suất thấp.

Để tăng sức cạnh tranh cho cây tiêu trong giai đoạn cung vượt cầu hiện nay, nông dân Đồng Nai ngày càng quan tâm và đang chuyển đổi nhanh sang trồng tiêu theo hướng an toàn. Trong đó, các địa phương rất quan tâm đến xây dựng dự án cánh đồng lớn cho cây tiêu theo hướng an toàn. Cụ thể như: dự án cánh đồng lớn tiêu sạch tại huyện Cẩm Mỹ, dự án cánh đồng lớn cây hồ tiêu tại các xã: Xuân Thọ, Suối Cao, Xuân Hiệp, Lang Minh, Suối Cát và Xuân Trường (huyện Xuân Lộc)...

Bà Phượng kể: “Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây trồng do huyện tổ chức, được hướng dẫn về kỹ thuật tôi mới biết nguyên nhân tiêu dễ bị bệnh là do tôi quá lạm dụng thuốc hóa học khiến đất bị thoái hóa làm cho cây thiếu dinh dưỡng. Từ đó, tôi chuyển sang chăm sóc cây theo tiêu theo phương pháp sinh học. Tôi nuôi cấy các vi sinh vật có ích cho cây trồng. Qua thời gian chăm sóc bằng phân và thuốc vi sinh, tôi thấy cây khỏe và kháng bệnh tốt, chi phí đầu tư lại giảm trong khi còn tạo được độ phì nhiêu cho đất”.

Tương tự, 1 hécta vườn tiêu 5 tuổi của gia đình ông Chỉ Nhịt (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) cũng bị chết gần nửa diện tích. Gia đình ông đang chăm sóc những phần còn sót lại và tiếp tục trồng lại những diện tích tiêu đã chết. Theo ông Chỉ Nhịt: “Tôi đang chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ để cây tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, tiêu liên tục rớt giá do nguồn cung đang vượt cầu. Chuyển hướng làm tiêu sạch, đạt chuẩn xuất khẩu thì mới có chỗ đứng trên thị trường”.

Nói về những lợi ích thiết thực khi chuyển hướng sản xuất an toàn, ông Ngô Văn Truyền Lâm, Trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Cẩm Mỹ, cho biết:“Vườn tiêu của gia đình bà Phượng được huyện chọn làm mô hình điểm để bà con nông dân học tập. Khi sử dụng các biện pháp hóa học sẽ làm chi phí tăng cao; sau nhiều năm sử dụng thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, dịch hại cũng ngày càng nặng nên rất khó quản lý”.

* Chuyển hướng sản xuất sạch

Tuy đây đang là giai đoạn khó khăn của cây tiêu nhưng đa số nông dân huyện Cẩm Mỹ vẫn chọn gắn bó với cây trồng này. Nhưng nông dân đang có sự chuyển hướng sản xuất sạch với kỳ vọng cây trồng một thời được mệnh danh là “vàng đen” sẽ hồi phục trở lại. Ông Lê Mai Long, nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San đang tập trung xử lý hơn 4 sào đất có tiêu bị chết và chuẩn bị hơn 600 nọc tiêu giống để tái trồng lại.

Ông Long so sánh: “Tuy giá tiêu đang thấp nhưng nếu chăm sóc để đạt năng suất cao thì vẫn đạt thu nhập tốt hơn nhiều loại cây trồng khác. Mặt khác, cây tiêu đầu tư theo hướng sinh học vừa giảm chi phí sản xuất, tiêu sạch lại bán được với giá cao hơn và đầu ra cũng ổn định hơn”. 

Vườn tiêu của gia đình bà Lê Kim Phượng (xã Bảo Bình) thoát dịch bệnh và vẫn cho năng suất cao nhờ áp dụng các biện pháp sinh học. Ảnh: Nhật Thanh.
Vườn tiêu của gia đình bà Lê Kim Phượng (xã Bảo Bình) thoát dịch bệnh và vẫn cho năng suất cao nhờ áp dụng các biện pháp sinh học. Ảnh: Nhật Thanh.

Huyện Cẩm Mỹ là địa phương đi tiên phong trong phong trào trồng tiêu sạch, trong đó có hơn 10 hécta tiêu được cấp chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm tiêu sạch được doanh nghiệp về tận nơi bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường.

Hiện nay, huyện Cẩm Mỹ đang tiếp tục nhân rộng dự án cánh đồng mẫu lớn sản xuất tiêu sạch. Lợi thế không nhỏ là địa phương có Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San làm đầu mối kết nối, thu mua sản phẩm tiêu sạch xuất khẩu qua thị trường các nước châu Âu.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch nông dân xã Lâm San, khuyến cáo: “Thời gian này, nông dân nên tập trung chăm sóc các diện tích tiêu còn lại, ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh không tiếp tục phát triển, lây lan sang diện rộng. Đối với những diện tích đất trồng mới mới, nông dân cần xử lý hết mầm bệnh trước khi xuống giống. Quan trọng nhất là nông dân cần phải thay đổi tư duy canh tác theo hướng sạch, bền vững, đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính”.

Đinh Tài - Thúy Hằng - Nhật Thanh

Tin xem nhiều