Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng giá trị cho đất lúa

07:12, 07/12/2017

Toàn tỉnh hiện còn gần 29 ngàn hécta đất trồng lúa. Theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Đồng Nai chỉ giữ lại khoảng 18 ngàn hécta đất chuyên trồng lúa nước...

Toàn tỉnh hiện còn gần 29 ngàn hécta đất trồng lúa. Theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Đồng Nai chỉ giữ lại khoảng 18 ngàn hécta đất chuyên trồng lúa nước. Tuy nhiên, cây trồng này vẫn là nguồn thu nhập chính của hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Sản phẩm gạo không hóa chất của Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) tham gia hội chợ giao thương giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sản phẩm gạo không hóa chất của Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) tham gia hội chợ giao thương giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để tăng giá trị cho cây lúa, nông dân Đồng Nai đang tích cực chuyển đổi sang trồng lúa sạch, liên kết sản xuất lớn để có đầu ra bền vững với giá tốt.

* Gạo sạch hút hàng

ThS. Trần Thị Phương Chi (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) là người tiên phong làm cánh đồng lúa sạch theo mô hình ruộng lúa, bờ hoa thân thiện với môi trường tại Đồng Nai. ThS. Chi so sánh: “5 năm trước, người tiêu dùng Đồng Nai hầu như chưa biết đến khái niệm gạo sạch. Dự án của chúng tôi bắt đầu bằng việc tuyên truyền, vận động từ chính người nông dân thay đổi nhận thức sản xuất an toàn. Những khách hàng đầu tiên của chúng tôi cũng là bà con chòm xóm. Nhưng giờ khách hàng từ nhiều tỉnh, thành khác tìm đến tận nơi mua gạo khiến cung luôn không đủ cầu”.

Trong 14 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thì đã có 2 dự án cánh đồng lớn cho cây lúa tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và dự án tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Ngoài ra, nhiều dự án cánh đồng lớn cho cây lúa khác cũng đang được tập trung triển khai tại nhiều địa phương, như: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ...

Gạo không hóa chất Kim Đồng Thuận dù mới xuất hiện trên thị trường hơn 2 năm nay nhưng đã phát triển được hệ thống đại lý tại nhiều thị trường lớn, như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Sản phẩm này đang có nhiều hợp đồng xuất khẩu đi Úc, Đài Loan, Hàn Quốc...

Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng thị trường xuất khẩu,  Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đã đầu tư dự án cánh đồng lớn cây lúa VietGAP quy mô 200 hécta tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và một số dự án trồng lúa sạch ở các tỉnh miền Tây.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc công ty, cho biết: “Chỉ riêng thị trường Nhật Bản, hiện trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp đang xuất khẩu được 100 tấn gạo. Chúng tôi cũng đã ký nhiều đơn hàng xuất khẩu đi các nước khác. Tuy mỗi nước đặt ra yêu cầu về loại gạo, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nhưng chúng tôi đều đáp ứng được vì đã xây dựng quy trình chuẩn sản xuất sạch. Thời gian tới, chúng tôi dự định đầu tư nhà máy xay xát, đóng gói lúa gạo ngay gần vùng sản xuất”.

Gần 100% các khâu trong trồng lúa đều ứng dụng máy móc. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu).
 Thu hoạch lúa (ảnh tư liệu).

Theo những đơn vị đang đầu tư sản xuất gạo an toàn, hiện nay đang là thời cơ chín muồi về thị trường cho mặt hàng gạo sạch nói riêng, nông sản an toàn nói chung. Từ chỗ người tiêu dùng không mấy quan tâm đến việc sử dụng gạo an toàn đến nay từ hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn đến tiệm tạp hóa nhỏ lẻ đều nở rộ thành phong trào tham gia bán gạo sạch. Người tiêu dùng đã có thói quen sử dụng gạo an toàn và còn sẵn sàng trả giá cao để mua gạo thảo dược, gạo hữu cơ (organic).  

* Liên kết sản xuất an toàn

Phân tích lợi ích của hướng sản xuất an toàn, ThS. Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc điều hành bộ phận sản xuất của Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng được quy trình sản xuất gạo theo tiêu chuẩn organic: từ việc phân tích và xử lý để có nguồn đất, nguồn nước đạt chuẩn; chỉ sử dụng thuốc sinh học, trong đó ưu tiên sử dụng những phương pháp phòng trừ hữu cơ để phòng trừ sâu bệnh”.

Cụ thể như có thể dùng dịch củ tỏi phòng trừ nhiều loại sâu, bướm có hại; sử dụng một số loại lá cây, hạt cây hoặc thiên địch để chống sâu, bệnh...Do không độc hại nên có thể phun xịt thường kỳ để phòng sâu bệnh là chủ yếu. Nhờ đó, cây lúa không bị ảnh hưởng năng suất do sâu bệnh, chi phí lại rẻ hơn nhiều so với thuốc hóa học. 

Cùng quan điểm, ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Tiến - đơn vị triển khai dự án cánh đồng lớn cây lúa, cây bắp tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết, năm 2016 là năm đầu triển khai dự án, Hợp tác xã đã làm được 50 hécta sản xuất theo hướng an toàn. Vụ mùa vừa qua dự án mở rộng lên 80 hécta và sẽ dần tăng quy mô lên 150 hécta như trong kế hoạch đề ra.

"Tuy sản phẩm vẫn trong giai đoạn làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và chờ cấp chứng nhận sản phẩm an toàn nhưng đã được thị trường đón nhận nên chúng tôi cân đối được cung cầu. Từ đó, giá lúa hợp tác xã bao tiêu cho bà con cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường; chi phí đầu tư lại giảm nên bà con rất ủng hộ vì thu lợi nhuận cao hơn” - ông Quang cho hay.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều