Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao điểm chống hàng giả, hàng kém chất lượng

07:02, 01/02/2018

Gần Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Thời điểm này nhu cầu về hàng hóa tăng cao, đặc biệt là hàng thực phẩm. Do đó, nhiều sở, ngành cùng vào cuộc để hàng hóa tết đảm bảo chất lượng.

Gần Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Thời điểm này nhu cầu về hàng hóa tăng cao, đặc biệt là hàng thực phẩm. Do đó, nhiều sở, ngành cùng vào cuộc để hàng hóa tết đảm bảo chất lượng.

Rau củ quả tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn.
Rau củ quả tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn.

Trước Tết Nguyên đán hơn 1 tuần, hàng hóa đưa về các chợ, đại lý đều tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, địa bàn Đồng Nai là cửa ngõ về giao thông nên việc vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng vào và qua tỉnh để tiêu thụ nhiều và phức tạp hơn. Vì thế các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời phát hiện xử lý tận gốc các vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Cùng ra quân

Ngoài Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các địa phương tăng cường kiểm tra hàng hóa trên thị trường, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, Chi cục Quản lý chất lượng  nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai, ban quản lý các chợ... cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, cho hay: “Từ đầu tháng Chạp, quản lý thị trường vào cao điểm của chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Các đội đều tập trung kiểm tra các chợ, đại lý để kịp thời phát hiện, xử lý hàng kém chất lượng, nắm bắt giá cả để không xảy ra sốt giá. Trong đó, ưu tiên kiểm tra mặt hàng thực phẩm vì gần tết nhu cầu cao”.

“Vào dịp cuối năm, chi cục phối hợp với các huyện, thị, thành tổ chức nhiều đợt kiểm tra nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất của những cơ sở chế biến hàng nông nghiệp. Mục tiêu nhằm đảm bảo hàng thực phẩm như: thịt, sản phẩm từ thịt, rau củ quả, trái cây đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y cũng tăng cường giám sát nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp nhằm đưa ra thị trường nguồn hàng đạt chất lượng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo.

* “Siết” kiểm tra đầu vào

Hiện hàng hóa về các chợ tăng 20-50%, dự tính từ 20 tháng Chạp thịt heo, gà, bò, rau xanh, trái cây có thể tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ban quản lý các chợ đang dồn lực lượng kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Không ít chợ đã có các sạp được công nhận và gắn biển bán thực phẩm an toàn. Hàng các sạp này truy xuất được nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm mua hàng.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Phương Lâm (huyện Tân Phú), cho biết: “Hợp tác xã quản lý khai thác chợ Phương Lâm là chợ đầu mối về rau củ quả, thịt của khu vực, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5 tấn thịt heo, 90 tấn rau xanh. Vào gần tết lượng rau, thịt heo đưa về chợ tăng gấp 2-3 lần nên ban quản lý phải kiểm tra rất kỹ đầu vào”. Với chợ Phương Lâm, thịt heo, bò vào chợ phải có dấu kiểm dịch đầy đủ của thú y, rau từ Đà Lạt đưa về phải có giấy tờ chứng nhận an toàn từ cơ sở sản xuất, còn rau ở địa phương cũng rõ nguồn gốc. Các tiểu thương đã ký kết mua hàng của những cơ sở sản xuất rau an toàn.

“Dịp này thịt, rau củ quả đưa về chợ Bảo Hòa tăng mạnh, những ngày giáp tết khả năng tăng gấp 2-3 lần. Với mặt hàng thịt heo, rau củ quả từ Đà Lạt đưa về chất lượng đảm bảo vì heo phải có kiểm dịch của thú y, rau củ quả từ Đà Lạt đưa về các tiểu thương lấy từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dâu Giây xuất xứ rõ ràng”- ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại Bảo Hòa, được giao quản lý khai thác chợ Bảo Hòa, nói. Cũng theo ông Lai, hiện chợ khó khăn nhất vẫn là thịt gà vào chợ chưa được kiểm dịch vì các tiểu thương tự giết mổ, không chịu đưa gà đến các điểm giết mổ tập trung nên thú y không kiểm dịch được.

Qua khảo sát cho thấy không riêng chợ Bảo Hòa mà một số chợ vùng nông thôn cũng vướng vào tình trạng tương tự. Các tiểu thương ngành hàng này thường tự giết mổ tại chỗ hoặc làm sẵn tại nhà đưa đến bán.

Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn gốc rau củ quả tươi, trái cây tại địa phương còn khó khăn vì số lượng tiêu thụ tại các chợ thì nhiều và việc truy xuất nguồn gốc chưa thực hiện được nên chất lượng khó đảm bảo.

Hương Giang

Tin xem nhiều