Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn nạo vét trên sông

08:05, 22/05/2018

Sau khi nhiều người dân sống gần sông ở  TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch phản ánh việc nạo vét sông gây sạt lở, ô nhiễm môi trường thì 13 dự án nạo vét sông đã buộc phải ngừng hoạt động. Một số dự án đề nghị hoạt động lại nhưng các địa phương lo sạt lở, ô nhiễm sẽ tái diễn.

Sau khi nhiều người dân sống gần sông ở  TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch phản ánh việc nạo vét sông gây sạt lở, ô nhiễm môi trường thì 13 dự án nạo vét sông đã buộc phải ngừng hoạt động. Một số dự án đề nghị hoạt động lại nhưng các địa phương lo sạt lở, ô nhiễm sẽ tái diễn.

Dự kiến sau khi nạo vét xong một số khúc trên sông Đồng Nai tàu 5 ngàn tấn có thể lưu thông được.
Dự kiến sau khi nạo vét xong một số khúc trên sông Đồng Nai tàu 5 ngàn tấn có thể lưu thông được.

Theo Sở Giao thông - vận tải,  trong 13 dự án nạo vét, thông luồng trên các sông Đồng Nai, Đồng Tranh, Thị Vải, Gò Gia, Cái Lăng... có hơn một nửa do Bộ Giao thông - vận tải cấp phép, còn lại do tỉnh cấp phép.

* Tạm dừng để rà soát

Những dự án trên có mục đích chính là nạo vét, thông luồng các tuyến sông, rạch quan trọng trên địa bàn Đồng Nai để tàu, thuyền lưu thông nhằm mở rộng vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện dự án được tận thu phần khoáng sản có được từ nạo vét. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng việc nạo vét đã tổ chức hút cát cả 2 bên bờ gây sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng nhiều đoạn sông. Đặc biệt, việc tận thu cát ở huyện Nhơn Trạch gây ảnh hưởng rất nhiều đến những hộ dân đang nuôi trồng thủy sản ở khu vực gần sông, khiến nhiều người dân bức xúc và phản ảnh với chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, tạm dừng hoạt động của các dự án để rà soát lại.

Có 5 dự án xin cấp phép trở lại gồm 3 dự án của Bộ Giao thông - vận tải sẽ nạo vét từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai, một khúc sông Đồng Tranh đến sông Gò Gia, từ mũi đèn đỏ đến rạch Ông Nhiêu. 2 dự án của tỉnh là nạo vét sông rạch Cái Lăng và 1 đoạn sông Thị Vải.

Ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Năm 2016, Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng nạo vét tận thu khoáng sản trên sông Thị Vải đã khiến tôi thiệt hại gần 2 tỷ đồng vì tôm chết hàng loạt. Khi ấy cả 4 hécta ao nuôi tôm của tôi dù được đầu tư bài bản nhưng phải bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm”. Cũng theo ông Lộc, sau nhiều lần “kêu cứu”, dự án nạo vét sông bị ngưng hoạt động ông và những hộ nuôi thủy sản mới cải tạo và nuôi tôm trở lại được. Do đó, người dân khu vực này rất lo lắng việc các dự án hoạt động trở lại có thể lặp lại việc ô nhiễm nguồn nước và sạt lở như trước đây.

Năm 2016, huyện Nhơn Trạch nhận được gần 200 đơn khiếu nại của người dân xã Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) liên quan đến việc nạo vét tận thu khoáng sản.

Ông Lê Thành Mỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Trước đây, nhiều hộ dân rất bức xúc việc 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng và Công ty TNHH Phú Tài Lợi nạo vét trên sông gây ô nhiễm và lợi dụng dùng vòi rồng hút cát làm sạt lở 2 bên bờ sông. Các doanh nghiệp trên đã bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng nếu tái hoạt động, có thể sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến người dân”.

* Không làm ban đêm, không xài vòi rồng để hút cát

Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các địa phương chú trọng phát triển giao thông đường thủy để giảm áp lực và nạn kẹt xe cho đường bộ. Để phát triển vận tải đường thủy thì buộc phải nạo vét các khúc sông bị bồi lắng lâu ngày để đảm bảo độ sâu cho tàu bè qua lại. Đồng Nai có nhiều con sông nếu nạo vét đủ độ sâu có thể tiếp nhận được tàu đến 5 ngàn tấn lưu thông. Do đó, sau khi rà soát tỉnh dự tính sẽ cấp phép lại cho 5 dự án nạo vét sông để thông luồng.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho hay: “Các dự án nạo vét sông bị dừng lại là do người dân phản ứng vì quá trình hoạt động gây sạt lở, ô nhiễm. Trong quá trình những doanh nghiệp trên hoạt động không giám sát chặt nên người dân nghi ngờ nạo vét ít còn hút cát nhiều. Vì thế, tới đây nếu cấp phép trở lại phải giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng ô nhiễm, sạt lở nghiêm trọng như trước”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, trước khi cấp phép hoạt động trở lại cho các dự án nạo vét, các sở, ngành, địa phương phải xem xét bổ sung thêm các quy định, quy chế cho phù hợp để quản lý chặt quá trình nạo vét.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu: “Sở Giao thông - vận tải cùng các địa phương có dự án phải thống kê lại việc nạo vét sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ nuôi thủy sản, đánh giá mức độ thiệt hại. Khúc sông nạo vét có bao nhiêu tàu bè qua lại, độ sâu phù hợp, rồi công bố cho chính quyền địa phương, người dân biết cùng tham gia giám sát”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng nhấn mạnh: các dự án cấp phép hoạt động trở lại sẽ không được làm ban đêm, không được dùng vòi rồng để hút vào gần 2 bên bờ; nếu quá trình hoạt động phát hiện vi phạm sẽ buộc dừng hoạt động.

Thực tế, việc nạo vét các đoạn sông trên khó tránh khỏi việc ô nhiễm nguồn nước và sạt lở. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng giám sát chặt sẽ hạn chế xuống mức thấp nhất việc gây ô nhiễm và sạt lở.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều