Báo Đồng Nai điện tử
En

Để cầu nối liên kết nông sản vững chắc

08:05, 17/05/2018

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15 ngàn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Để đạt mục tiêu trên, việc nâng chất cho hoạt động của hợp tác xã là yêu cầu quan trọng nhất.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15 ngàn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Để đạt mục tiêu trên, việc nâng chất cho hoạt động của hợp tác xã là yêu cầu quan trọng nhất.

Trưng bày nông sản của các hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai  tại hội thảo định hướng xây dựng và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Trưng bày nông sản của các hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai tại hội thảo định hướng xây dựng và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Nền tảng cho sự nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã là công tác đào tạo, thu hút người trẻ và đào tạo lực lượng trẻ.

* Khâu kết nối không thể thiếu

Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton (đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản Dầu Giây), chia sẻ: sản phẩm nông nghiệp thời xưa chỉ là sản xuất rồi tiêu thụ nhưng ngày nay người tiêu dùng quan tâm đến cả câu chuyện xoay quanh sản phẩm đó: vùng trồng, người sản xuất, các giá trị khác ngoài chất dinh dưỡng... “Tại các nước trên thế giới, mỗi sản phẩm có một lịch sử chi tiết, kỹ lưỡng từ giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, kênh phân phối... Và thông tin càng nhiều thì giá sản phẩm càng cao. Đây là yêu cầu của tiêu dùng bền vững hiện nay” - ông Long nói. 

Tại hội thảo định hướng xây dựng và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản - vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản vừa diễn ra tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: sẽ có nhiều chương trình, chính sách tạo điều kiện cho người trẻ được đào tạo bài bản về nông thôn và chọn hợp tác xã là nơi khởi nghiệp để làm giàu cùng nông dân. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đang xây dựng đề án đưa các giám đốc hợp tác xã đi học tập tại các nước có mô hình hợp tác xã tiên tiến.

Để phát triển bền vững, nông sản phải hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của hợp tác xã.

Bà Ginette Carré, Giám đốc Dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế của Canada), chỉ ra vai trò không thể thiếu của hợp tác xã: “Dự án của chúng tôi triển khai nhằm giúp các nông dân cải thiện vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị và hưởng lợi nhiều hơn từ việc tham gia chuỗi giá trị. Từ đó họ tham gia hội nhập tốt hơn. Hợp tác xã là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho các nông dân trong chuỗi giá trị”. 

Theo TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị nông sản vì vai trò của hợp tác xã chủ yếu vẫn là ở cung cấp dịch vụ đầu vào hoặc dịch vụ sản xuất nông nghiệp mà chưa tham gia nhiều vào các hoạt động tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Từ đó, nông dân chưa mặn mà tham gia vì chưa thấy lợi ích tham gia vào tổ chức này. Để hợp tác xã phát huy vai trò làm cầu nối cần rất nhiều chính sách hỗ trợ về quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn, vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu nông sản... TS.Thắng cho rằng: “Cần tập trung cho khâu đào tạo nguồn nhân lực vì con người vẫn là yếu tố quyết định. Người lãnh đạo hợp tác xã mới phải có hiểu biết, tư duy, hành động của một doanh nhân để tìm được thị trường, đầu ra bền vững cho nông sản và giảm rủi ro trong kinh doanh”.

* Thu hút, đào tạo lực lượng trẻ 

Cùng quan điểm trên, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: “Chương trình đào tạo kỹ năng quản trị cho hợp tác xã vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nông dân cũng thiếu kỹ năng sản xuất theo đơn đặt hàng.

Đây đều là những nội dung các nước trên thế giới rất chú trọng trong chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn của họ. Trong đó, đào tạo lực lượng nông dân trẻ luôn được ưu tiên. Để đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, ngoài lực lượng khuyến nông hiện có, thời gian tới Trung tâm khuyến nông quốc gia sẽ quan tâm phát triển hoạt động đào tạo thông qua kênh trực tuyến”.

Quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho hợp tác xã, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó giám đốc Liên đoàn hợp tác xã Raifeisent (Cộng hòa Liên bang Đức), cho biết chính nông dân Đức cũng từng đối diện với nhiều khó khăn như nông dân Việt Nam đang đối mặt. Chương trình đào tạo mà tổ chức này đưa ra sẽ ứng dụng kinh nghiệm đào tạo nông dân, hợp tác xã ở Đức tại Việt Nam. Bà Minh đặt câu hỏi: “Việt Nam đã có trường nào đào tạo giám đốc hợp tác xã chưa? Người học quản trị có thể về làm giám đốc hợp tác xã được không vì lĩnh vực nông nghiệp có những đặc thù riêng? Đây đều là những vấn đề chúng tôi luôn trăn trở. Và chương trình đào tạo của chúng tôi là sẽ đưa người trẻ, nông dân trẻ đến học tại các nông trại. Trong đó, đào tạo những kỹ năng mềm là nội dung được chú trọng”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích