Báo Đồng Nai điện tử
En

"Một vốn" không thể "mấy trăm lời"

08:07, 31/07/2018

Ngày 25-7 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty Sky Mining Lê Minh Tâm thông báo lên website nội bộ là đã "phá sản" và "sẽ thanh toán tiền đóng góp cho nhà đầu tư". Tuy nhiên, đến nay ông Tâm được cho là đã biến mất với khoảng 30 triệu USD tiền huy động của những người tham gia công ty tự xưng là "công ty tiền ảo lớn nhất Việt Nam" này.

Ngày 25-7 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty Sky Mining Lê Minh Tâm thông báo lên website nội bộ là đã “phá sản” và “sẽ thanh toán tiền đóng góp cho nhà đầu tư”. Tuy nhiên, đến nay ông Tâm được cho là đã biến mất với khoảng 30 triệu USD tiền huy động của những người tham gia công ty tự xưng là “công ty tiền ảo lớn nhất Việt Nam” này.

Sky Mining mới thành lập chưa lâu tại TP.Hồ Chí Minh, được quảng bá là chuyên đầu tư vào máy đào bitcoin (một loại tiền ảo mà pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành). Công ty này đứng ra huy động vốn của những người tham gia với con số từ 100 USD đến 50 ngàn USD, tổ chức hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó có Đồng Nai, để huy động tiền góp với lời hứa lợi nhuận lên đến 300-350%/năm, tức gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, huy động được một số tiền khổng lồ, “người sáng lập” liền biến mất, hàng trăm người đổ tiền vào “dự án” này không biết kêu ai.

Trước đó mấy tháng, một đường dây huy động tiền ảo quy mô lớn dưới tên iFan cũng đổ bể với số tiền huy động được xác định lên đến gần 15 ngàn tỷ đồng. Gần 32 ngàn nạn nhân đã đóng góp tiền vào iFan với lời hứa hẹn lãi suất sẽ tăng khủng khi iFan “lên sàn”, trong đó có những người đầu tư hàng chục tỷ đồng do tin lời những người đứng đầu iFan. Hiện tại, cơ quan điều tra vẫn đang tìm kiếm tung tích của người sáng lập iFan, song đến nay vẫn chưa có thông tin.

Đây chỉ là 2 vụ điển hình của mô hình huy động vốn lãi suất cao từ những cá nhân trục lợi trên lòng tham của người tham gia diễn ra trong những năm gần đây. Thực tế, mô hình này không quá hiếm hoi trong cuộc sống, chẳng hạn các “dây hụi” lên đến hàng trăm, hàng chục tỷ đồng đổ vỡ tại nhiều địa phương thực chất cũng là các đường dây huy động vốn lãi suất cao, duy trì trên chính lòng tham người đóng góp. Những vụ lừa đảo huy động vốn có quy mô lớn nêu trên là do huy động thông qua mạng lưới với sự hỗ trợ đắc lực của internet, mạng xã hội, những người cầm đầu dễ dàng tung và phát tán thông tin giả về sự giàu có hưng thịnh, các mối quan hệ quen biết của mình để lừa bịp người tham gia.

Chỉ cần so sánh mức lãi khủng mà những đường dây này hứa hẹn sẽ thanh toán cho người góp vốn với tỷ suất lợi nhuận của các kênh đầu tư vốn hiện nay, sẽ thấy sự vô lý đến mức kỳ lạ mà vì quá hám lợi, nhiều người góp vốn dễ dàng bỏ qua. Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay chỉ từ 4,5-7%/năm, lãi mua bất động sản trong thời kỳ “sốt” nhất trung bình cũng chỉ ở mức khoảng 50-70%, vàng hoặc chứng khoán cũng khó có thể cho lợi nhuận vượt quá 15% trong thời điểm bình ổn, không xáo trộn... Trong khi đó, mức lãi mà các đường dây huy động tiền trái phép hứa hẹn luôn luôn ở mức trên 300% trong một thời gian ngắn. Nếu tỉnh táo để tìm hiểu và phân tích, ắt hẳn không có quá nhiều người bị lừa tham gia.

Thực sự, khó có ngành kinh doanh hợp pháp nào “một vốn bốn lời”, huống chi “một vốn mấy trăm lời” như các đường dây huy động tiền trái phép. Vậy nên, người dân cần cảnh giác cao với những lời chào mời quá hấp dẫn và phi thực tế như trên.

Vi Lâm

Tin xem nhiều