Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh toán không dùng tiền mặt: Người dân vẫn dè dặt

08:07, 24/07/2018

Thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã là mục tiêu hướng tới của Chính phủ nhằm minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế, song đến nay việc thực hiện vẫn chưa đạt lộ trình như đã đề ra...

Thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã là mục tiêu hướng tới của Chính phủ nhằm minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có đề án riêng cho việc này, song đến nay chưa đạt lộ trình đề ra.

Khách hàng sử dụng phương thức “quẹt thẻ” để thanh toán tiền mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa.
Khách hàng sử dụng phương thức “quẹt thẻ” để thanh toán tiền mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa.

Mặc dù đã có nhiều phương tiện và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích, song người dân vẫn thường chọn thanh toán bằng tiền mặt nhiều hơn.

* Còn “ngại” quẹt thẻ

Theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA), thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt. Theo đó, tỷ trọng doanh số rút tiền mặt vẫn ở mức cao 94%. Tỷ lệ này cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chưa có nhiều chuyển biến so với những năm trước.

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam (giai đoạn 2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và cho đến nay đề án này bị đánh giá là có tiến độ chậm so với mục tiêu.

Theo nhiều chủ cửa hàng, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, nhất là đối với những người nội trợ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi chủ yếu ở nhà nội trợ, cũng không rành việc sử dụng các loại thẻ ngân hàng. Với lại, trước nay tôi quen trả bằng tiền mặt, vừa tiện khi đi chợ, cũng như đi siêu thị”.

Còn bà Phạm Thị Ánh Hường (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi cũng có thẻ để quẹt khi mua sắm nhưng lại hay quên nên vẫn quen trả tiền mặt cho tiện”.

Ngoài ra, vấn đề về bảo mật, sự lo ngại sẽ chi tiêu “quá tay” khi sử dụng thẻ, cũng như việc kết nối các loại thẻ, các chương trình ưu đãi khi sử dụng thẻ còn hạn chế, chưa đồng bộ... là những lý do được nhiều người tiêu dùng nêu ra để lý giải việc vì sao họ ít sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Trang Phúc, Trưởng phòng Marketing của Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị có khoảng 10 máy POS để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng các loại thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Co.opmart Biên Hòa chỉ đạt 3-5% tổng số lượt giao dịch của siêu thị.

Tương tự, theo bộ phận truyền thông - marketing của Lotte Mart Đồng Nai, nhu cầu “quẹt thẻ” khi thanh toán tại Lotte Mart Đồng Nai tăng so với những năm trước đây, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ chưa cao, khoảng từ 10-15% tổng số lượt giao dịch. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số giao dịch.

* Cần thay đổi thói quen

Hiện nay, để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng; các chính sách tích điểm, hoàn tiền, giảm giá, ưu đãi khi sử dụng thẻ của các ngân hàng liên kết; tích hợp thẻ thành viên với các loại thẻ ngân hàng; áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...

Ông Trang Phúc cho biết thêm, khoảng vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng các loại thẻ tín dụng, ghi nợ, thanh toán quốc tế... trong mua sắm, tiêu dùng có xu hướng tăng. Trong thời gian tới, Co.opmart Biên Hòa sẽ tiếp tục có thêm nhiều chương trình ưu đãi, khuyến khích khách hàng thanh toán bằng các loại thẻ ngân hàng, ví điện tử...

Anh Trần Dương (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ được hơn 3 năm nay cho rằng các ngân hàng cần tạo thêm các lớp mật khẩu hoặc một hình thức xác nhận thông tin khác khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ, đảm bảo thông tin cá nhân, an toàn khi chủ thẻ làm mất thẻ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến người dân lợi ích, cách thức sử dụng thẻ để thanh toán các dịch vụ, tiện ích cần được chú trọng hơn nữa để người dân yên tâm, dần quen với các hình thức thanh toán bằng thẻ, ứng dụng điện tử...

Theo ông Phạm Viết Ái, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), từ đầu năm 2018, PC Đồng Nai chính thức ngừng thu tiền điện tại nhà ở các khu vực TP.Biên Hòa, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) và TX.Long Khánh.

Theo lộ trình, trong năm 2018, ở các huyện PC Đồng Nai tiếp tục mở rộng thêm nhiều khu vực đảm bảo các yếu tố hạ tầng, kết nối để thực hiện ngừng thu tiền điện tại nhà. Hướng tới năm 2020 sẽ không còn hình thức thu tiền điện tại nhà trong toàn tỉnh.

Ông Phạm Viết Ái cho biết, để khách hàng quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt, PC Đồng Nai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thanh toán tiền điện thông qua các điểm thu của ngân hàng, thẻ ATM, các cửa hàng tiện ích, siêu thị hoặc hình thức thanh toán điện tử... Hiện nay, PC Đồng Nai đã ký hợp đồng hợp tác với 15 ngân hàng, 6 tổ chức thanh toán trung gian...

Hải Quân

Tin xem nhiều