Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân là trung tâm

08:08, 28/08/2018

Cùng với các huyện: Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) và Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), đầu năm 2018, Xuân Lộc đã được Chính phủ chọn là một trong 4 địa phương thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với các huyện: Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) và Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), đầu năm 2018, Xuân Lộc đã được Chính phủ chọn là một trong 4 địa phương thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, trên cơ sở thực tế tại 4 địa phương này, Chính phủ sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và sau đó ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, áp dụng cho các địa phương trên cả nước.

Theo tinh thần của Chính phủ, vì chưa có bộ tiêu chí chung nên thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu sẽ vẫn tuân theo một số yếu tố nền tảng như: thu nhập người dân, cơ sở hạ tầng... Song, tính đặc thù của từng địa phương sẽ thể hiện rõ nét và được đánh giá cao. Riêng huyện Xuân Lộc, hướng đi chủ đạo sẽ là phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, trong đó chú trọng gắn sản xuất với thương mại, dịch vụ để giải quyết bài toán thị trường cho nông sản.

Thực tế, việc huyện Xuân Lộc được chọn làm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là điều đáng tự hào cho cả Đồng Nai, bởi cách đây 4 năm, Xuân Lộc cũng là địa phương đầu tiên về đích trong phong trào xây dựng huyện nông thôn mới của cả nước.

Song, cùng với tự hào là trọng trách. Còn nhớ, sau khi đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo và nhân dân huyện Xuân Lộc là sau nông thôn mới sẽ là gì? Đời sống người dân và bộ mặt nông thôn mới liệu có thể tiến thêm những nấc thang nào khác trong tương lai hay không? Và thành tích cũ liệu có trở thành một áp lực lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao?

Rõ ràng, những câu hỏi trên không dễ trả lời. Bởi giữa tình hình khó khăn chung của thị trường nông sản cùng những áp lực cạnh tranh mới trong thời hội nhập thì một địa phương dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể đứng ngoài những thách thức đó. Song, phải thừa nhận Xuân Lộc là địa phương xoay trở khá nhanh trong sản xuất. Có lẽ hiểu được những thử thách trong thời hội nhập, nên doanh nghiệp, chính quyền lẫn nông dân Xuân Lộc đã chọn hướng vào sản xuất hiện đại, sạch, an toàn, có thương hiệu... để nông sản dần dần có những thị trường tiêu thụ bền vững hơn. So với các địa phương khác trong tỉnh, tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP...) đã được Xuân Lộc áp dụng rộng rãi với các loại cây trồng như: sầu riêng, xoài, rau, chuối, tiêu... Trong đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như: hồ tiêu Xuân Thọ, xoài Suối Lớn, trứng gà Thanh Đức, nấm Nấm Lộc, bưởi Suối Đá... Huyện cũng đang dần hình thành những chuỗi liên kết sản xuất hiện đại khép kín, nhiều lô hàng nông sản đã xuất đi châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Dẫu biết rằng còn rất nhiều khó khăn để thay đổi hoàn toàn tập quán, công nghệ, tư duy sản xuất cũ để thay bằng lối sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả... Song, những “quả ngọt” đầu tiên cũng đã đơm hoa kết trái trên mảnh đất này. Trong đó, đáng nói nhất là đời sống nông dân được đặt vào trọng tâm của mọi phong trào, với mục tiêu năm 2020 nâng thu nhập bình quân người dân từ mức 50 triệu đồng/người/năm hiện nay lên 70 triệu đồng/người/năm, và phấn đấu lên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Thu nhập dĩ nhiên không đại diện cho mọi tiêu chí của một huyện nông thôn mới kiểu mẫu, song là tiêu chí thiết thân, gần gũi nhất, tạo động lực cho người dân phấn đấu. Mong rằng trong tương lai, Xuân Lộc sẽ tiếp tục là đầu tàu trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, không riêng phạm vi tỉnh Đồng Nai mà còn trên cả nước.

Vi Lâm

Tin xem nhiều