Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân thời hội nhập

08:10, 13/10/2018

Hội nhập quốc tế yêu cầu người nông dân phải thay đổi tư duy, với nhận thức mới, kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để ít lệ thuộc và chịu tác động từ thời tiết bất thường.

Hội nhập quốc tế yêu cầu người nông dân phải thay đổi tư duy, với nhận thức mới, kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để ít lệ thuộc và chịu tác động từ thời tiết bất thường.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Nuôi heo trong trại lạnh tại huyện Cẩm Mỹ.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Nuôi heo trong trại lạnh tại huyện Cẩm Mỹ.

Quan trọng nhất là nông dân cần thay đổi quan điểm làm được nhiều sản lượng sang làm ra nhiều giá trị từ nông sản. Muốn như vậy phải thay đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ qua sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị sát với nhu cầu thị trường.

* Tư duy mới

Hội nhập quốc tế giúp hình thành một thế hệ nông dân mới với tư duy, nhận thức, kiến thức mới cả trong sản xuất và tìm kiếm thị trường cho nông sản. Họ đầu tư sản xuất chuyên nghiệp, ứng dụng kiến thức mới và khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đạt tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. 

Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá cao về đóng góp của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong sản xuất, nông dân đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như: nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư giống mới; ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật...

Bởi vì mê nghề trồng nấm dược liệu, cô sinh viên ngành dược Lê Thị Hương học thêm ngành công nghệ sinh học và thành lập Công ty TNHH một thành viên Nấm Phương Quang (huyện Trảng Bom). Khởi nghiệp khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học, chị Hương chia sẻ: “Nghề trồng nấm dược liệu vất vả và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, tôi lại là sinh viên chưa ra trường nên khi bắt tay vào làm phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Trại nấm có những người thợ giỏi, giàu kinh nghiệm nhưng họ chỉ quen với cách làm truyền thống. Mỗi khi đưa vào những ứng dụng kỹ thuật mới tôi phải bỏ rất nhiều công thuyết phục họ làm theo”.

Công ty được đầu tư đồng bộ từ hệ thống phòng thí nghiệm, máy móc để sản xuất giống đến mô hình nhà lưới trồng nấm theo công nghệ hiện đại. Chị Hương cũng nhập các giống nấm dược liệu từ Mỹ, Nhật Bản... về nhân giống, trồng thử nghiệm để chọn lọc những giống cho hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Đồng Nai. Hiện công ty có hàng chục giống nấm các loại, trong đó có các loại nấm khá phổ biến trên thị trường như: nấm linh chi đỏ, linh chi hồng, nấm vân chi... và đang tiếp tục thử nghiệm những giống nấm dược liệu quý hiếm khác.

“Tôi xây dựng quy trình sản xuất nấm sạch từ khâu giống đến nuôi trồng, chế biến. Điểm nổi bật của sản phẩm nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao là cho ra sản phẩm đồng đều về kích thước, với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Mỗi đợt thu hoạch, công ty đều gửi mẫu đi kiểm định nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm” - chị Hương nói.

Năm 2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) là đơn vị tiên phong xuất khẩu thành công mặt hàng gà thịt vào thị trường Nhật Bản. Đối tác cung cấp nguồn gà thịt cho doanh nghiệp này là hệ thống trang trại miền Đông của ông Nguyễn Minh Kha với 3 trang trại nuôi gà thịt ở huyện Long Thành và Tân Phú với sản lượng hàng trăm ngàn con. Ông Kha chia sẻ: “Để là trang trại đầu tiên đạt chuẩn xuất khẩu gà thịt vào thị trường khó tính trên, từ nhiều năm trước, tôi đã làm chứng nhận thực hành nông nggiệp tốt GlobalGAP cho sản phẩm gà của trang trại. Trang trại được doanh nghiệp mời tham gia vào chuỗi liên kết khép kín với mục tiêu xuất khẩu gà đi Nhật Bản”. Tuy nhiên, vài năm đầu, chuỗi liên kết gặp không ít khó khăn vì sản phẩm gà chưa xuất khẩu ngay được mà chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa với nhiều bất ổn, bấp bênh về thị trường. Ông Kha vẫn kiên trì chọn hướng nuôi gà sạch dù chi phí đầu tư nuôi gà GlobalGAP cao hơn cách nuôi thông thường. Theo ông Kha: “Tôi không tính toán nuôi gà xuất khẩu đi Nhật phải đạt mức giá cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường, thậm chí có thời điểm giá thấp hơn. Điều làm tôi gắn bó với chuỗi liên kết vì tôi hướng đến sự ổn định với đầu ra bền vững”. 

* Tăng giá trị nông sản

Nông dân ngày càng coi trọng chất lượng sản phẩm chứ không chỉ chạy theo sản lượng như trước. Vì chất lượng mới là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững trong sản xuất.

Nuôi heo trong trại lạnh tại huyện Cẩm Mỹ.
Nuôi heo trong trại lạnh tại huyện Cẩm Mỹ.

Thời gian qua, thị trường hồ tiêu lâm vào cơn khủng hoảng thừa khiến mặt hàng này không ngừng rớt giá. Chính khó khăn này chỉ ra cho nông dân tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản bằng uy tín chất lượng.

Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES - Cert (Đức) vừa cấp chứng nhận cho 3,5 hécta tiêu của Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đạt chuẩn hữu cơ. Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San: “Chứng nhận này sẽ mở ra cơ hội mới cho hợp tác xã trong việc mở rộng xuất khẩu hồ tiêu vào những thị trường khó tính, góp phần xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Mặt khác, sản phẩm tiêu hữu cơ hiện có giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ chuyển giao quy trình sản xuất hữu cơ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết, mở rộng diện tích tiêu đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu”.

Theo bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, qua phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, các cấp Hội đã vận động các chi, tổ hội và cán bộ hội viên nông dân khá, giàu tạo điều kiện về vốn, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có trên 121 ngàn hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Trong đó, có nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất.

Cùng quan điểm, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy móc hoàn toàn tự động theo công nghệ hiện đại từ khâu chăn nuôi đến xử lý trứng. Dù chưa trực tiếp xuất khẩu nhưng sản phẩm trứng của Thanh Đức hiện đã đạt chuẩn châu Âu nên có rất nhiều khách hàng là các nhà hàng, khách sạn 5 sao đặt hàng. Chúng tôi cũng đã đầu tư thêm dây chuyền chế biến để sản xuất ra các dòng sản phẩm bột trứng, trứng ăn liền với mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi”.

Ở góc độ đầu tư công nghệ nhằm giảm chi phí đầu tư, ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ tại ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã tiếp cận nông nghiệp 4.0 khi đầu tư hệ thống tưới tự động hóa gần 100%. Vườn thanh long của ông được gắn máy đo độ ẩm và hệ thống tưới tự điều chỉnh lượng nước tưới ở tầng cao, tầng thấp tùy theo nhu cầu của cây. Nhờ đó, mỗi ngày chỉ cần 1 lao động phụ trách công việc tưới hơn 30 hécta thanh long trong khi tưới theo cách thủ công cần hàng chục lao động/ngày. “Trong sản xuất, trang trại không chỉ quan tâm đến năng suất mà luôn đặt uy tín chất lượng lên hàng đầu. Nhờ đó, ngay cả những thời điểm thanh long dội chợ, rớt giá, thanh long của trang trại vẫn được thương lái săn đón thu mua” - ông Anh nói.

Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (TP.Hồ Chí Minh) hiện đang đầu tư nhà máy chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia cầm và trang trại trồng dưa lưới, trồng rau trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt cho rằng: “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao xử lý chất thải trong chăn nuôi vì muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Nhu cầu của thị trường về nông sản sạch ngày càng lớn. Đây là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, sản phẩm có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ chạy theo số lượng nên được mùa là mất giá”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều